Những lần vào “điểm nóng”

Thứ hai, 21/06/2021 22:23

Trong lần trò chuyện với nhà báo, Đại úy Nguyễn Viết Lam - Báo Biên phòng, những kỷ niệm trong lần tác nghiệp ở “điểm nóng” đã được anh trải lòng.

Nhà báo Viết Lam cùng đồng nghiệp di chuyển vào điểm sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam.

“Nếu được nói về kinh nghiệm tác nghiệp tại các “điểm nóng”, tôi nghĩ rằng tác nghiệp ở những địa bàn thiên tai khó khăn cần bám vào cán bộ, chiến sĩ, lực lượng chức năng, nhân dân địa phương và đồng nghiệp đã có kinh nghiệm” – anh Viết Lam chia sẻ.  

Luôn có mặt sớm tại các “điểm nóng”

Trong quãng thời gian làm báo của mình, nhà báo, Đại úy Nguyễn Viết Lam không nhớ được mình đã tác nghiệp bao nhiêu lần tại các “điểm nóng”. Anh luôn là người có mặt gần như rất sớm ở những nơi có sự kiện nóng này. Đó là các trận bão, lũ lụt, sạt lở đất... trên dải đất miền Trung, nơi mà năm nào cũng oằn mình gánh chịu thiên tai, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Năm 2020, các tỉnh miền Trung liên tục phải gánh chịu nhiều đợt bão, lũ nặng nề. Cùng với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, nhà báo Viết Lam đã có gần 1 tháng trời bám địa bàn, xông pha tác nghiệp để đưa thông tin đến bạn đọc cả nước. Đầu tháng 10-2020, khi nghe cảnh báo có thể xuất hiện đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa to kéo dài dẫn đến lũ lụt ở địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, anh đã báo cáo cơ quan di chuyển vào các địa phương trên để chủ động tác nghiệp.

“Tôi gần như có mặt từ rất sớm ở các vụ sạt lở đất ở xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị); Rào Trăng (H. Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) và Trà Leng (H. Nam Trà My, Quảng Nam). Quá trình tiếp cận hiện trường, tôi và đồng nghiệp cũng như lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, bởi thời điểm đó đất đá ở mọi nơi đều có thể sạt xuống, đường sá đi lại khó khăn. Mưa lũ kéo dài khiến cho những khu vực hiện trường các vụ sạt lở đất đều bị mất điện, mất sóng điện thoại nên khi có thông tin ban đầu chúng tôi lại tìm cách di chuyển nhanh nhất ra khu vực có sóng để truyền thông tin về tòa soạn. Đó là chuyến tác nghiệp đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của mình”, Viết Lam chia sẻ.

Nhà báo Viết Lam tác nghiệp tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Tác nghiệp trong nước mắt

Ngày 8-10, sau khi đặt chân đến TP Đông Hà (Quảng Trị), Viết Lam nhận được thông tin một số phương tiện hàng hải đang neo đậu biển Cửa Việt bị lũ cuốn đứt dây đánh chìm. Hiện lực lượng chức năng đang tập trung, khẩn trương cứu hộ 14 thuyền viên trên tàu Vietsip 01 bị mắc cạn cách bờ biển Cửa Việt khoảng 800m trong điều kiện mưa to, gió lớn.

“Khu vực lực lượng cứu hộ triển khai cứu nạn nằm sát bờ biển nên mưa, gió rất lớn, đặc biệt là cát. Chứng kiến cảnh lực lượng cứu hộ, cứu nạn nỗ lực làm nhiệm vụ trong điều kiện sóng to, gió lớn đó, nhiều lần mình phải thót tim, lo lắng. Bởi họ đang phải chạy đua với thời gian, tính mạng của các thuyền viên bị mắc kẹt đang bị đe dọa với những con sóng lớn”, Viết Lam chia sẻ.

Sau 4 ngày triển khai phương châm 4 tại chỗ không hiệu quả, khi thời tiết cho phép, Bộ Quốc phòng đã điều động máy bay trực thăng và đặc công nước nhanh chóng tổ chức cứu hộ thành công tất cả các thuyền viên trên tàu Vietsip 01.

Sau chuyến tác nghiệp ở Quảng Trị, Viết Lam lại lên đường vào Thừa Thiên - Huế, nơi mưa lũ đang hoành hành. Anh là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại xã Phong Xuân, H. Phong Điền và nắm được thông tin 13 cán bộ, chiến sĩ quân đội, chính quyền địa phương gặp nạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu dân. 

“Thực sự khi tiếp nhận thông tin này, tôi và đồng đội đã không tin vào tai mình. Vừa tìm cách di chuyển đến hiện trường nhưng ai cũng thầm cầu mong sẽ có một phép mầu sẽ tìm được đồng đội khi các anh còn sống. Dù có mặt tại hiện trường rất sớm nhưng chúng tôi luôn tìm cách đưa thông tin một cách phù hợp nhất. Những ngày ở Rào Trăng 3 là những ngày tác nghiệp trong nước mắt của tôi và các đồng nghiệp. Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, tôi và đồng nghiệp được lệnh rút khỏi địa bàn, rời Rào Trăng 3 và trở lại Quảng Trị”, Viết Lam nhớ lại.

Tranh thủ ăn vội miếng lương khô dọc đường tác nghiệp.

Ngày 17-10-2020, mưa lũ khiến nhiều địa phương ở Quảng Trị bị chia cắt hoàn toàn, Viết Lam bám theo ca nô của lực lượng cứu hộ tác nghiệp hơn 23 giờ đêm mới về Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị. “Đêm đó, tôi không thể chợp mắt, đến khoảng 3 giờ sáng ngày 18-10, anh em nghe chuông báo động toàn đơn vị. Tôi nói với một đồng đội nằm cạnh chắc có việc gì nguy cấp rồi và sau đó xin tham dự họp để nắm thông tin. Nghe chỉ huy thông báo vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4 bị vùi lấp, tôi và đồng đội ai cũng sững người. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị hành trang hành quân vào hiện trường”, Viết Lam cho biết.

“Để tiếp cận được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vào thời điểm đó, lực lượng chức năng phải vượt qua rất nhiều điểm sạt lở nguy hiểm. Mưa lâu ngày, đất nhão nhoẹt, kết cấu đất yếu, có thể sạt bất cứ lúc nào. Trong quá trình tiếp cận hiện trường, chúng tôi đã gặp một vụ sạt lở đất nhưng may mắn đã kịp chạy thoát nạn. Hiện trường sạt lở thật là kinh khủng, một khối lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống tạo nên bãi bùn đất khoảng 6ha, với khoảng 2 triệu khối đất đá, xô đổ 4 dãy nhà kiên cố của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng. Lực lượng chức năng đã huy động 3 chó nghiệp vụ ra hiện trường để thực hiện nhiệm vụ tìm nguồn hơi xác định vị trí nghi có người bị vùi lấp. Nhờ vậy, công tác tìm kiếm thi thể đồng đội được nhanh hơn và công tác tìm kiếm kết thúc, thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn ở xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị”, Viết Lam nhớ lại.

Rời Quảng Trị, nhà báo Viết Lam lại di chuyển ra Quảng Bình phản ánh tình hình lũ lụt, rồi tiếp tục được tòa soạn điều động vào Đà Nẵng phản ánh công tác phòng, chống bão số 9. Sau đó, khi nhận thông tin một ngôi làng ở Trà Leng bị vùi lấp, anh lại di chuyển đến hiện trường để tác nghiệp về công tác cứu hộ, cứu nạn tại đây… Phải tới những ngày đầu tháng 11 anh mới được rút ra khỏi địa bàn bão, lũ. 

DƯƠNG HÓA