Những mảnh đời khắc khổ trên “thánh địa vàng” (Kỳ 1: Nghèo trên những mỏ vàng?)
Xã Phước Thành, H. Phước Sơn (Quảng Nam) được xem là “thánh địa vàng”, bởi nơi đây là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm qua, địa phương này luôn có hơn 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng, chưa kể hàng trăm hầm hố, lán trại của “vàng tặc” mọc lên khắp nơi. Thế nhưng nhiều năm qua, địa phương này luôn đối mặt với một thực tế đáng buồn, đó là đa số người dân không có việc làm, số hộ nghèo luôn ở mức trên 60%, hủ tục lạc hậu còn đeo bám dai dẳng.
Trụ sở mỏ khai thác vàng của một Cty ở xã Phước Thành. |
Trung tâm xã Phước Thành nằm trên lưng chừng đồi, bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao. Mới sáng, những chiếc xe máy hiệu Win, Minsk… gầm rú lao lên những con dốc ở trung tâm xã để “đóng hàng” chở vào bãi vàng. Theo những chủ tiệm tạp hóa ở đây, những năm gần đây đa số những bãi có vàng đều do các Cty quản lý, khai thác nên tình trạng “vàng tặc” có phần ít hơn. Những người dùng xe máy chở hàng vô núi đa phần là người dân địa phương. Họ tìm kiếm những khu vực có vàng rồi chung nhau mua sắm máy móc để làm sống qua ngày. Nơi đây nương rẫy khô cằn, ruộng lúa rất ít, việc làm không có nên đa số người dân đều làm “vàng tọ mọ” để sống qua ngày.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Phức- Phó Chủ tịch xã Phước Thành cho biết, là địa phương vùng cao nên toàn xã chỉ có 405 hộ với 1.875 khẩu, trong đó có đến 259 hộ nghèo, chiếm 62,41% hộ dân toàn xã. “Do địa hình đồi núi, không có các nhà máy, xí nghiệp nên người dân không có việc làm ổn định. Địa phương hiện có 5 Cty khai thác vàng, nhưng các Cty này đều tuyển lao động các tỉnh phía Bắc vào làm. Không có việc làm nên đa số lao động ở địa phương đi tọ mọ ở những khu vực bãi vàng mà các Cty đã bỏ để đào mót kiếm sống qua ngày; những phụ nữ khác thì thỉnh thoảng được thuê cõng hàng vào bãi cho các Cty”, ông Phức chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo xã Phước Thành, tuy mang tiếng là địa phương có nhiều mỏ vàng nhưng nguồn thu cho ngân sách địa phương không được gì. “Những loại phí tài nguyên, phí môi trường các Cty đều đóng ngân sách cho tỉnh, chứ xã không được hưởng lợi gì. Lâu lâu những ngày lễ, Tết trong năm Cty nào có lòng hảo tâm thì họ mua gạo, mì tôm hỗ trợ cho người dân vậy thôi. Do vậy, những năm qua cuộc sống người dân luôn khó khăn, học sinh bỏ học giữa chừng nhiều, tình trạng tảo hôn cao, trong năm 2018 địa phương có đến 13 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống”- ông Phức thông tin thêm.
Phụ nữ xã Phước Thành gùi hàng vào bãi vàng. |
Theo chỉ dẫn của ông Phức, chúng tôi tìm đến nhà em Hồ Thị H. (thôn 4A, xã Phước Thành). Sau khi học hết lớp 8, H. dừng việc học rồi ở nhà lấy chồng. Ở tuổi 14, cuộc sống của Hồ Thị H. là những chuỗi ngày buồn tủi. Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn hơn 20m2 nhưng có đến 11 con người sinh sống, từ bố mẹ, anh chị em chồng và cả vợ chồng H. Để có được bữa cơm, không riêng gì vợ chồng Hồ Thị H. mà cả gia đình phải vất vả làm thuê, đầu tắt mặt tối mới đủ cái ăn nên vợ chồng H. chẳng dám mơ về ngôi nhà riêng như nhiều cặp vợ chồng khác. Lao động cực nhọc, làm mẹ khi còn quá trẻ, thiếu kiến thức chăm sóc con, sau khi sinh chưa đầy ba tháng đứa con gái bé bỏng của vợ chồng H. đã chết. Thương con cũng thương cho chính số phận của mình, H. ngày càng lầm lũi, sống khép mình.
Tâm sự với chúng tôi, H. rơm rớm nước mắt và cho biết cuộc sống hiện tại của em rất khổ. Em rất hối hận vì đã lấy chồng sớm, giờ em chỉ muốn được đi học như trước đây nhưng tất cả đã muộn. Đáng buồn hơn, ở xã vùng cao này, Hồ Thị H. không phải là trường hợp cá biệt bỏ học lấy chồng sớm.
Được biết, xã Phước Thành là địa phương có tỷ lệ tảo hôn thuộc loại cao nhất của H. Phước Sơn. Khi hỏi tại sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm, tại sao kết hôn với người cùng dòng họ? Những câu trả lời chúng tôi nhận được là “để có thêm người phụ giúp gia đình”, hay hồn nhiên như “thấy thích nhau thì lấy thôi”, hoặc “các con nó tự đưa nhau về thì cho cưới”… và thực tế các em còn quá nhỏ, không có kiến thức chăm sóc con cái nên dẫn đến những thảm cảnh đau lòng.
“Nhiều khi chỉ chai rượu, con gà là hai bên gia đình có thể cho con em về chung sống với nhau mà không cần đăng ký kết hôn. Với nhiều người làm cha làm mẹ, việc cưới gả con là việc của gia đình họ nên chính quyền không nên can thiệp, khiến việc đẩy lùi và ngăn chặn việc tảo hôn ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn”- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành Hồ Văn Phức tâm sự.
BÃO BÌNH
(còn nữa)