Những mô hình “khơi thông” sức dân
Kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) là hàng trăm mô hình được xây dựng khắp TP Đà Nẵng, huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân cùng phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT tại khu dân cư.
Đội dân phòng tuần tra đêm bảo vệ ANTT tại địa bàn P. An Khê. |
Kể từ khi triển khai mô hình “Xóm đạo bình yên” gắn với xây dựng nông thôn mới thì tội phạm giết người, trộm cắp, cố ý gây thương tích ở xã Hòa Sơn (H. Hòa Vang) giảm rõ rệt. Trong đó, tội phạm giết người 3 năm qua không xảy ra, các tệ nạn xã hội khác cũng giảm, từ đó nhân dân yên tâm làm ăn phát triển kinh tế. Ở P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, đội nữ dân phòng được tự nguyện thành lập nhằm theo dõi phản ánh kịp thời những vấn đề liên quan đến ANTT, quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng, tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Kể từ khi có “đội quân tóc dài” này, ANTT trên địa bàn chuyển biến tích cực, người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Tại P. Xuân Hà (Q. Thanh Khê) mô hình “Camera an ninh” đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tổng cộng có 131 camera tại các khu dân cư do người dân tự nguyện đóng góp, nhiều tổ dân phố lắp đặt từ 2-4 camera. Những camera này được ví như “mắt thần” giám sát, canh giữ 24/24 hỗ trợ tích cực trong đảm bảo ANTT.
Đây chỉ là một số trong hàng trăm mô hình đã triển khai tại Đà Nẵng nhằm phát huy sức mạnh, đồng thuận của người dân trong đảm bảo ANTT. Điểm chung của các mô hình này là sự vận dụng thực tiễn địa bàn khéo léo, sáng tạo, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng. Khi người dân tham gia tích cực thì hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT tại địa bàn có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn mô hình “Xóm đạo bình yên” ở Hòa Sơn xuất phát từ đặc điểm địa bàn có đông người công giáo, việc tuyên truyền tự giác phòng chống, tố giác tội phạm được thực hiện sinh động, thiết thực trong các cuộc họp hằng tháng của thôn. Từ đây, ý tức bảo vệ ANTT trong người dân được nâng lên, qua 3 năm CAX đã tiếp nhận 64 tin có giá trị, giúp xử lý 51 vụ việc như đánh nhau, xâm hại sức khỏe, đánh bạc... Cũng nhờ thực hiện tốt mô hình này đã giúp CAH điều tra, đề nghị khởi tố hình sự 7 vụ, giúp Đồn CA bắc Hòa Vang 6 vụ liên quan tới đánh bạc trái phép.
Đội nữ dân phòng cơ động ở P. Khuê Mỹ tuyên truyền trong khu dân cư. |
Có thể thấy, nếu mô hình sát thực với đặc điểm địa bàn, gần gũi với người dân, dễ thực hiện thì sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia. Ở đâu người dân tham gia đông, tính cực thì phong trào bảo vệ ANTT ở đó mạnh, tội phạm, tệ nạn xã hội không có “đất” để hoạt động. Với phương châm gần dân, sát dân, tuyên truyền liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã giúp mô hình toàn dân BVANTQ ở nhiều địa phương trở thành điển hình, có kết quả nổi trội. Chẳng hạn ở P. Thanh Bình (Q. Hải Châu), hàng chục ngàn tờ rơi, hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được triển khai tại cơ sở, đặc biệt là các khu nhà trọ có nhiều sinh viên lưu trú. Kiên trì, bền bỉ tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm lâu” vì thế ý thức phòng chống tội phạm của người dân ở Thanh Bình được nâng cao, luôn nêu cao cảnh giác với tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản... Nhờ mô hình thiết thực, cách làm sáng tạo, P.Thanh Bình đã nhận được Bằng khen của Bộ CA với thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVANTQ và nhận Cờ thi đua của UBND TP Đà Nẵng.
Trung tá Cao Lê Duy Hùng- Trưởng CAP Hòa Thuận Đông (Q. Hải Châu) cho biết, để xây dựng hiệu quả phong trào toàn dân BVANTQ ở địa bàn thì việc phân tích đặc điểm địa bàn, đối tượng dân cư để đưa ra mô hình phù hợp rất quan trọng. Kế tiếp, để mô hình đó hoạt động hiệu quả, được người dân hưởng ứng tích cực thì từng Cảnh sát khu vực (CSKV) phải bám sát dân cư, từng hộ dân, vừa tuyên truyền, vừa kiểm tra, và đặc biệt trước tiên mỗi CBCS phải gương mẫu, để lại uy tín, hình ảnh đẹp trong lòng người dân. Có như vậy, người dân mới tin tưởng, hưởng ứng tích cực. Đơn cử như mô hình “2 phòng 2 quản” ở Hòa Thuận Đông, Trung tá Hùng cho biết xuất phát từ đặc điểm địa bàn nhiều kiệt hẻm, dân lao động nhiều, tệ nạn ma túy phức tạp, do vậy khi xây dựng mô hình phải nhấn mạnh đến công tác phòng chống cháy nổ, giám sát chặt địa bàn để đẩy lùi tệ nạn xã hội. Bằng cách giao CSKV liên tục xuống từng nhà dân tuyên truyền, nắm đặc điểm, kiểm tra điều kiện, nguy cơ cháy nổ kịp thời đưa ra giải pháp phòng tránh, nhờ vậy thời gian qua địa bàn không xảy ra vụ cháy nào, tệ nạn ma túy được kiểm soát, đẩy lùi, tình hình ANTT được đảm bảo giữ vững. Tương tự tại P.An Khê (Q. Thanh Khê), Trung tá Trương Quang Bình- Phó trưởng CAP cho biết, xuất phát từ đặc điểm địa bàn có nhiều gia đình cùng chung dòng họ, dòng tộc sinh sống vì thế đã triển khai mô hình “Ông bà gương mẫu, con cháu hiếu thảo, gia đình không có người vi phạm pháp luật”. Thông qua việc thường xuyên vận động, tuyên truyền đến các bậc cao niên, trưởng họ, trưởng tộc để từ đó giáo dục ý thức, khuyên bảo con cháu tuân thủ các quy định pháp luật. Bằng cách làm này, các gia đình luôn giữ gìn uy tín, danh tiếng, không để con cháu vi phạm pháp luật, góp phần tích cực vào đảm bảo ANTT tại địa phương.
Có thể nói, trong suốt 15 năm thực hiện phong trào toàn dân BVANTQ, hàng trăm mô hình sáng tạo, điển hình đã được triển khai khắp Đà Nẵng, nhất là những điểm nóng, địa bàn trọng điểm. Những mô hình thiết thực, gắn với đặc điểm địa bàn, dân cư, được CBCS thực hiện linh hoạt, sáng tạo cùng với việc gương mẫu chấp hành, hình ảnh CBCS thân thiện, gần dân... đã tạo niềm tin, thu hút người dân tham gia, hưởng ứng tích cực, nhờ vậy ANTT ở địa bàn luôn có chuyển biến tích cực.
THÀNH NAM