Những mô hình thư viện giúp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" triển khai tại tỉnh Gia Lai cho kết quả khả quan sau 5 năm thực hiện.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số tại Gia Lai. |
Kỹ năng nói, đọc, viết Tiếng Việt có nhiều tiến triển
Kỹ năng nói, đọc, viết Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương có nhiều tiến triển. Để có những thành tích trên, ngành Giáo dục tỉnh triển khai nhiều phương pháp nhằm tăng cường sự tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhân rộng các mô hình thư viện trong trường, lớp.
Trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh Gia Lai có gần 300 trường TH, hơn 700 điểm trường lẻ với gần 6.000 lớp, hơn 165.000 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, ít có cơ hội tiếp cận với xã hội tiên tiến nên việc phát âm, học tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc trẻ em thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ (tại Gia Lai đa số là tiếng Jrai, Bahnar), ít tham gia học Mầm non trước khi bước vào cấp Tiểu học cũng gây khó khăn trong việc tiếp nhận bài giảng, kiến thức của giáo viên truyền đạt.
Qua 5 năm thực hiện, để tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là những lớp đầu cấp tiểu học, ngành Giáo dục đã đồng bộ triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học phù hợp với chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025. Các trường học đã tổ chức trang trí các góc trong lớp, trang trí cảnh quan trường học gần gũi với học sinh, tăng cường hình ảnh, từ ngữ, khẩu hiệu có ý nghĩa. Các trường phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để tạo sân chơi và môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh như tổ chức thi văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa đọc, phát triển thư viện thân thiện trong các trường tiểu học (thư viện đa năng, thư viện ngoài trời, thư viện góc lớp). Các cuộc giao lưu tiếng Việt cấp trường và tham gia cấp huyện; ngày hội đọc sách hằng năm đã được các trường tổ chức, tạo cơ hội nói, viết tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Những điểm trường "nóng"
Là một trong những trường làm tốt công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tại tỉnh Gia Lai, Trường TH Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa có 5 điểm trường, gần 600 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 98%.
Cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, để học sinh hứng thú với việc đến lớp hơn, nhà trường không ngừng sáng tạo, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp, đặc biệt là việc đầu tư các mô hình thư viện. Việc luân phiên, đổi các các đầu sách, truyện tranh mới cũng là điểm thu hút học sinh tìm đến đọc, từ đó, tăng cường vốn tiếng Việt cho các em. Qua 5 năm triển khai Đề án, nhà trường nhận thấy vốn tiếng Việt của các cháu đã phát triển tốt, chất lượng học sinh tăng lên qua từng năm. Em Ksor H'Bươi, lớp 4A, Trường TH Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai) cho hay, ngoài thời gian học trên lớp, em và các bạn thường xuyên tranh thủ giờ ra chơi để đến thư viện đọc sách. Nhiều bạn của em đọc nhanh hơn, viết giỏi hơn nhờ đọc sách, truyện trong thư viện. Em hy vọng nhà trường sẽ có thêm nhiều cuốn sách, truyện hay hơn nữa để chúng em có thêm kiến thức bổ ích.
Điểm trường Ia Jip, một trong 5 điểm lẻ của Trường TH Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai) với gần 300 học sinh dân tộc Jrai hiện rất khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhiều học sinh đi học phải đi bộ hơn 2km để đến trường. Điểm trường Ia Jip cách điểm trường chính hơn 10km, xa khu dân cư, chưa có mạng internet, cũng không có các mô hình thư viện, nguồn sách, truyện hạn chế nên học sinh rụt rè, không dám nói chuyện với người lạ, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (Jrai).
Ông Chu Sỹ Lin, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pa (Gia Lai), cho biết: Qua 5 năm triển khai, đề án này đã mang lại những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo ông, các điểm trường lẻ vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nguồn sách nên ngành Giáo dục địa phương thường xuyên vận động xã hội hóa, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ sách, truyện cho các em.
B.T