Những mối tình xuyên biên giới

Thứ bảy, 03/12/2016 10:47

(Cadn.com.vn) - Dù có cách trở bao nhiêu, những trái tim đồng điệu vẫn đến bên nhau hòa cùng nhịp đập ở vùng biên viễn. Họ xây dựng tổ ấm trong sự bao bọc, che chở nhau của dân làng, của những người lính biên phòng. Dù còn đó nhiều khó khăn vất vả nhưng họ đã viết nên những câu chuyện tình đẹp xuyên biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia.

Nhờ sự đùm bọc, chở che của dân làng, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương, vợ chồng ông Ksor Soét và bà Rơ Châm Bre ngày càng khấm khá, hạnh phúc bên con, cháu. 

Chuyện tình cô gái nghèo

Cái nắng vùng biên viễn như thốc vào mặt, bên góc bếp trong căn nhà của đôi vợ chồng trẻ Rơ Châm Hươn và Ksor Đam (làng Kloong, xã Ia O, H. Ia Grai, Gia Lai) đang nhóm lửa chuẩn bị cơm trưa mời khách đặc biệt là đại gia đình của Hươn lặn lội từ xã Nhang (H. Đun Mia, tỉnh Rattanakiri, Campuchia) qua thăm con cháu. 5 năm qua, từ ngày Hươn theo tiếng gọi tình yêu với cô gái xinh đẹp ở xã Kloong, đây là lần đầu tiên cả gia đình nhà Hươn qua thăm, chơi. Ông Klu và bà Rơ Châm Im (bố, mẹ của Hươn) ôm 2 đứa cháu vào lòng cười tươi trong hạnh phúc...

Như bao cô gái Gia Rai lớn lên ở làng Kloong, đến tuổi cập kê, Đam cũng biết những ánh mắt của các chàng trai trong làng nhìn mình đầy si mê. Nhưng Đam cũng biết rằng, theo phong tục “bắt chồng” của người Gia Rai, có lẽ Đam không bao giờ lấy được chồng. Bởi mẹ mất sớm, bố bỏ về quê để mình Đam ở với bà ngoại đã già. Bà cháu đùm bọc nhau bằng củ mỳ, hạt bắp. Nhìn đứa cháu gái ngày càng phổng phao, ngoại chấm nước mắt nhìn ra bậu cửa xa xăm, bởi tục “bắt chồng” của người Gia Rai yêu cầu nhà gái phải có vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để làm sính lễ cho nhà trai. Biết thân phận, Đam lặng lẽ thu mình ở mọi lễ hội, vui chơi của dân làng. Thế nhưng, hình ảnh cô gái đẹp với ánh mắt u buồn nơi một góc làng lọt vào ánh mắt si tình của chàng trai người Campuchia –Rơ Châm Hươn trong một lần đưa mẹ qua khám bệnh tại Trạm quân y của Đồn Biên phòng Ia O.                

Tiếng sét ái tình khiến trái tim chàng trai Campuchia thổn thức bao đêm và cứ chiều sau ngày đi làm, Hươn lại lặn lội từ làng mình qua làng Kloong. 2 mùa rẫy đi qua, tình yêu của họ ngày càng nồng đậm và năm 2007, họ quyết định lấy nhau. Biết gia cảnh của Đam, nhà Hươn cũng không yêu cầu sính lễ gì, còn mang thêm heo, gà, rượu ghè cùng sang nhà gái. Hay tin cô gái Gia Rai lấy được chồng Campuchia, dân làng cùng tới chung vui lễ cưới, người góp ít gạo, người góp thêm ché rượu ghè, người góp con heo. Bà ngoại  nước mắt vắn dài, mừng đứa cháu gái mình “bắt” được chồng. Tình yêu của họ càng khăng khít khi 2 đứa con 1 gái, 1 trai lần lượt ra đời.

“Chúng em làm ruộng, đi làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học, cuộc sống còn vất vả thì càng yêu thương nhau, động viên nhau chăm lo cho con cái. Chồng em từ ngày qua đây giờ cũng biết nhiều tiếng Việt Nam rồi!”, Đam cười tươi. “Ơ, phải biết tiếng Việt chứ, để còn giao tiếp với dân làng, với lại vợ mình nó có la mình cũng biết nó la cái gì chứ!”, Hươn cười phụ họa theo. Cũng như Đam và Hươn, ở xã Ia O hiện cũng có 16 cặp vợ chồng người Việt Nam–Campuchia từ những mối tình nồng cháy xuyên biên giới như thế.

Đôi vợ chồng Rơ Châm Hươn – Ksor Đam hạnh phúc chuẩn bị bữa cơm mời nhà trai từ Campuchia qua chơi.

Chọn đất này là quê!

Ở làng Bi (xã Ia Dom, H. Đức Cơ, Gia Lai) có mối tình bền chặt của vợ chồng ông bà Ksor Soét (1958) và Rơ Châm Bre (1960). Trong căn nhà khá khang trang ngay trên Quốc lộ 19B, ông Soét tiếp đón chúng tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh... Lớn lên ở xã Pó Nhầy (H. Ozadav, Rattanakiri), cuộc sống khó khăn khiến chàng thanh niên Ksor Soét sớm phiêu bạt làm ăn khắp nơi. Một lần qua xã Ia Pnôn (H. Đức Cơ) dự đám cưới của người quen, Soét gặp và yêu cô bé Rơ Châm Bre.

Sau nhiều lần lặn lội từ Campuchia qua lại thăm nhà và tìm hiểu người yêu, tình yêu của đôi trẻ đã được vun đắp bởi sự chân thành, yêu thương của hai bên gia đình. Năm 1989, họ tổ chức lễ cưới dù còn bộn bề khó khăn. “Ngày mới lấy nhau về, khổ lắm! 2 vợ chồng phải vào rừng đào củ mài, xuống suối bắt con cá mới có cái ăn! Cực nhất là mỗi lần đi mua muối, có lúc xin được xe của bộ đội đi cả 60-70 cây số mới mua được muối, có lúc phải đi 2 ngày trời mới đưa được muối về”, ông Soét kể.

Rồi từng đứa con ra đời khiến đôi vợ chồng trẻ càng vất vả nhưng vẫn động viên nhau làm lụng nuôi con. “Ngày đó, đói lắm, chồng mình toàn nhường nhịn bát mỳ, bát cơm cho vợ, cho con. Có lần ra rẫy đói quá đào rể cây lên ăn và bị say, nằm bất tỉnh ở ngoài rẫy, may có người thấy đưa về. Mình bảo chồng về Campuchia đi, bên đó sướng hơn nhưng nó không chịu. Nó bảo khổ mấy nó cũng ở với vợ, con thôi”, bà Bre rưng rưng kể. Cuộc sống dần cũng đỡ đi phần nào khi 6 đứa con dần lớn lên. Năm 2007, khi dọn nhà về làng Bi, trong một trận hỏa hoạn, toàn bộ căn nhà cũng như tài sản bị lửa thiêu rụi. Vợ chồng cùng những đứa con ôm đống tro tàn ngồi khóc. Cuộc sống của họ tưởng chừng như rơi vào bế tắc. May mắn họ lại được dân làng, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương bao bọc, giúp đỡ. Mái nhà tạm cũng được dựng lên bên cạnh. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc sống dần cũng khấm khá lên, nay đã xây nhà khang trang.  “Gia đình mình bên Campuchia giờ không còn ai nữa. Bố, mẹ đều mất cả rồi, anh chị em cũng không còn ai. Gia đình giờ đây của mình là vợ, là con là 5 đứa cháu nội, ngoại. Cả đời gắn bó với mảnh đất này, giờ có chết cũng mãn nguyện chết trên đất này!”, ông Soét chia sẻ.

Cũng như đôi vợ chồng Rơ Châm Hươn – Ksor Đam, Ksor Soét – Rơ Châm Bre, nhiều đôi trai gái giữa miền biên ải của 2 nước đã và đang nên duyên vợ chồng. Dù còn đó nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa nhưng với những trái tim đồng nhịp đập họ lại đến bên nhau xây tổ ấm trong sự bao bọc, chở che của dân làng và của chính quyền 2 nước Việt Nam – Campuchia.

Minh Tân