Những mùa xuân ở chiến trường K

Thứ năm, 07/01/2016 10:04

(Cadn.com.vn) - 37 năm sau ngày Phnom-Penh giải phóng (7-1-1979 - 7-1-2016), các cựu chiến binh (CCB)  ở thành phố Đà Nẵng vẫn không bao giờ quên những mùa xuân đặc biệt ở nước bạn.

Phnom Penh và bệnh xá độc đáo

Đại tá Lê Văn Cúc, nguyên Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 bồi hồi khi nhớ lại mùa xuân đầu tiên ở Campuchia:

Sau khi Trung đoàn trong đội hình tăng cường cho Quân đoàn 4 tham gia giải phóng thủ đô Phnom Penh (7-1-1979), đơn vị về đóng quân ở tỉnh Kandal, cách Phnom Penh 45km. Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng chẳng ai có tâm trạng đón xuân. Mọi người càng thêm đau lòng khi người dân thủ đô vui mừng kéo về quê cũ thì bọn Pôn Pôt ném lựu đạn làm chết 9 người, bị thương 39 người. Đơn vị khẩn trương đưa những người bị thương vào một trường học bỏ trống và cứu chữa. Quân y làm việc hết công suất vẫn không xuể, mà nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Đại tá Lê Văn Cúc với những kỷ niệm về chiến trường K.

Chính ủy Cúc suy nghĩ rất lung. Phải tìm những người Khơme biết nghề y để họ giúp đỡ lẫn nhau. Vậy là ông đi tìm. Thấy một tốp phụ nữ đi qua cầu, rì rầm trao đổi, ông mạnh dạn tiến lại hỏi: “Các chị có biết tiếng Việt không, có người dân bị thương cần cứu chữa gấp?”. May quá, một phụ nữ chừng 40 tuổi, gương mặt đượm buồn, se sẽ gật đầu. Bà hỏi lại ông có nói được tiếng Pháp không. Ông nói có. Vậy là hai người trao đổi bằng tiếng Pháp. Kalian, được học tiếng Pháp từ bé, sau này là bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam thời chính quyền Sài Gòn. Cả chồng và hai con bà bị Pôn Pôt giết hại, bà không muốn lộ tung tích là trí thức nên sống lặng lẽ với những người nông dân. Để bà Kalian có điều kiện cứu chữa bệnh nhân, Trung đoàn lấy trường học làm bệnh xá, kiếm về hàng chục chiếc giường, tủ, bàn ghế, ủng hộ một cái máy nổ, hàng trăm lít xăng dầu, 58m vải và nhiều cơ số thuốc dự trữ của đơn vị, lại san sẻ số lương thực ít ỏi của mình cho y, bác sĩ và bệnh nhân. Với bàn tay khéo léo, chẳng mấy chốc, trường học được cải tạo thành bệnh xá thực sự. Cả đơn vị vui cứ như vừa chiến thắng ở một trận đánh.

Khi những người bị thương đã tạm thời yên ổn, bà Kalian mời Ban chỉ huy Trung đoàn ra gặp mặt. Bà kiếm đâu ra bó hoa rực rỡ và tặng những người lính tình nguyện. Bài diễn văn bà đọc bằng tiếng Pháp hôm đó rất xúc động, biết ơn sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam và sẽ không bao giờ quên hành động cao quý này. Bài cảm ơn ấy, bà trao cho Chính ủy Cúc. Ông giữ mãi sau này và trong một dịp về  đơn vị, đã tặng lại cho Nhà truyền thống Trung đoàn. Rất tiếc là qua nhiều lần di chuyển, kỷ vật quý giá đó đã không còn. Khi tổng kết chiến dịch giải phóng Phnom Penh, đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã biểu dương việc làm đầy tình nghĩa của Trung đoàn 1. Những năm sau, trở lại Campuchia, đọc báo bạn, Đại tá Lê Văn Cúc bắt gặp cái tên Kalian quen thuộc đã trở thành cán bộ cao cấp của Bộ Y tế. Không biết ai để hỏi cho kỹ, nhưng Đại tá Lê Văn Cúc tin rằng đó chính là bà Kalian can đảm năm nào.

Đội K52, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai chia tay đồng đội lên đường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở nước bạn Campuchia.

Bó lá vông đổi mạng chiến sĩ

Nếu như cái tết đầu tiên của Trung đoàn 1 ở bắc Phnom Penh chỉ có lương khô, bánh mì, thịt hộp và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì cái tết thứ hai của Trung đoàn ở tỉnh Karchê, đông bắc Campuchia, bộ đội đã có thể thư thái hơn để đón xuân. Nếp, đậu xanh, thịt từ trong nước đưa sang, đơn vị gói bánh chưng tại chỗ, lại có thêm thịt tươi để cải thiện. Tuy nhiên, do tình hình nhiều nơi phức tạp, để đảm bảo an toàn, Sư đoàn thông báo các đơn vị không được đi quá xa để lấy lá vông. Tiểu đoàn 2 đóng ở ngã ba Karchê loay hoay vẫn không tìm được lá gói bánh chưng. Thế là 9 chiến sĩ bí mật đi tìm. Những bó lá vông chưa đưa về được đơn vị nhưng cả nhóm lọt vào ổ phục kích của Pôn Pôt và cả 9 đồng chí đều hy sinh. Lá vông hoang dại thấm đầy máu. Nghe tiếng súng nổ, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Châu giật thót người, biết điều không may đã xảy ra. Lên trực tiếp làm lễ mai táng và đưa các liệt sĩ về Tổ quốc, lòng ông không khỏi quặn thắt khi nhìn những gương mặt trẻ măng còn nét thư sinh nhưng đã từng chịu đựng quá nhiều gian khổ.

 Trung đoàn qua nước bạn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh quân đội, heo của dân thả rông, cá trong hồ dày đặc, trái cây chín đầy vườn, nhưng không ai tơ hào, vẫn cơm muối, lương khô hàng ngày. Hôm chia tay Trung đoàn trưởng Trương Hồng Anh về nước đi học, các chiến sĩ công vụ chỉ dám ra cái đìa nhỏ, sánh bùn, tát những con cá nhỏ xíu về làm bữa liên hoan tiễn người chỉ huy yêu quý của mình. Còn nhớ lần đánh trên đường số 10, đơn vị gặp cặp bò kéo đang rất sung sức, không có chủ, chẳng dám giết thịt mà chỉ dắt theo vận chuyển lương thực. Xong trận đánh, gặp những người dân đội lúa trên đầu, trở về quê cũ, bộ đội đã tặng lại cặp bò cho họ. Khỏi phải nói những người nông dân đã mừng vui như thế nào. Lại nhớ ở sân bay Pôchentông đầu tháng 4-1979, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cả Trung đoàn về nước theo đường hàng không. Khi chứng kiến cảnh soạn hành lý để cảnh vệ Quân đoàn kiểm soát trước khi lên máy bay, các phi công quân sự Nga đã rất khâm phục và thốt lên: “Bộ đội Việt Nam thật tuyệt vời” bởi không có cái gì cả trong túi hàng trăm người lính Trung đoàn 1. Tại hội nghị tổng kết giai đoạn giải phóng Phnom Penh, Chính ủy Lê Văn Cúc đã nói trong xúc động: “Chúng tôi đi nón lành, về nón cời”. Ông nói vậy vì qua hai năm giữ biên giới tây nam và giúp bạn (1978-1979) gần 800 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh và thương vong. Danh hiệu anh hùng LLVTND Nhà nước tặng cho Trung đoàn năm 1979 lần thứ 3 là sự ghi nhận công lao ấy của đoàn 1- Ba Gia. Trung đoàn được bổ sung thêm quân và tiếp tục hành trình 10 năm chiến đấu trên đất bạn.

Những mùa xuân đầu tiên ở Campuchia sau giải phóng được khắc ghi trong ký ức các CCB Đà Nẵng như thế đó.

Hồng Vân