Những năm tháng không thể nào quên
(Cadn.com.vn) - Sáng 17-7, Bộ CHQS tỉnh Bình Định tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội Đặc công Đ10. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ của đơn vị qua các thời kỳ đã về dự, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời trận mạc không thể nào quên.
Đại đội đặc công Đ10 thuộc Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định được thành lập tháng 9-1960 tại xã Ân Nghĩa, H. Hoài Ân, tỉnh Bình Định, làm nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị tập trung của tỉnh đánh hậu cứ địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiến hành tiến công tiêu diệt địch trên chiến trường Bình Định. Gần 15 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị đã đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 4.987 tên địch, làm bị thương 245 tên (riêng quân Mỹ và Nam Triều Tiên bị tiêu diệt 107 tên, bị thương 32 tên), bắt sống trên 700 ngụy quân, ngụy quyền, đốt cháy 6 kho xăng làm thiệt hại gần 40 triệu lít xăng dầu, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 50 máy bay khác, 6 khẩu pháo, thu gần 4 ngàn súng và phương tiện chiến tranh các loại, phá hủy hàng chục “ấp chiến lược”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đại đội đã được tặng thưởng 20 Huân chương Chiến công Giải phóng (2 hạng nhất, 11 hạng nhì, 7 hạng ba); 1 cờ thưởng “Trung dũng, kiên cường tạo nên chiến công lịch sử”; 2 cờ đơn vị khá nhất; có 3 cá nhân được tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, trong đó liệt sĩ Lê Văn Quý (tức Võ Mười) đã được đặt tên cho một con đường của thành phố Quy Nhơn. Ngày 16-12-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trao bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND của Đại đội đặc công Đ10 cho Bộ CHQS tỉnh Bình Định. |
Trong buổi lễ đón danh hiệu Anh hùng của đơn vị, Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim được mọi người tìm gặp và hỏi chuyện nhiều nhất. Nhắc đến ông, đồng đội lại nhớ trận đánh ngày 9-2-1963. Đại đội phối hợp với một trung đội địa phương huyện Phù Mỹ tiến công vào Tổng đoàn dân vệ và đoàn xây dựng “ấp chiến lược” của địch ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ). Khi ta tiềm nhập, tiếp cận bị lộ, địch ở lô cốt bắn ra như mưa. Trước tình hình đó, chi ủy kêu gọi đảng viên, đoàn viên xông lên tiêu diệt địch. 23 chiến sĩ nhất loạt lao lên như mũi tên. Trong giờ phút quyết định, chiến sĩ Nguyễn Kim đạp phải một bàn chông sắt, đã mang cả bàn chông, ôm bộc phá lao vào trận địa diệt lô cốt, dập tắt hỏa điểm địch, tạo điều kiện cho đồng đội xung phong, diệt 65 tên địch, bắt sống 5 tên, thu 25 súng.
CCB Ngô Hồng Khánh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Đặc công Đ10 giai đoạn 1968-1969 lại khắc ghi trong tâm trí trận đánh đêm 23-2-1969, đơn vị phối hợp với đại đội đặc công Đ30 và tự vệ mật tiến công sân bay Quy Nhơn, đốt cháy hơn 6 triệu lít xăng tại kho khu I của địch. Ông bảo, ngày ấy, đi vào nơi hòn tên mũi đạn mà lòng chúng tôi luôn thanh thản. Không ai nghĩ đến sự sống chết của bản thân, mà dồn hết tâm trí để trận đánh giành thắng lợi. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, bộ đội Đặc công Đ10 đã phối hợp cùng biệt động, tự vệ mật thị xã Quy Nhơn đánh chiếm đài phát thanh, quân vụ thị xã, bắt hơn 200 tên địch, giải thoát 22 đồng chí cán bộ và cơ sở của ta. Sau đó bám trụ chiến đấu kiên cường tại khu vực Đài phát thanh, chiến đấu đến người cuối cùng và đã loại hàng trăm tên địch, đẩy lùi 4 đợt phản công của địch, làm chủ Đài phát thanh 7 ngày liền.
Đại tá Lê Xuân Ngân, nguyên Chính trị viên Đại đội Đặc công Đ10 năm 1974-1975, trao tặng Bộ CHQS tỉnh Bình Định bản đồ các trận đánh của đơn vị xuân 1975. |
Còn CCB Lê Vân Canh, nguyên Đại đội phó Đ10 từ tháng 1 đến tháng 7-1974, hiện là thương binh 3/4 với 2 mảnh đạn còn găm trong người, bồi hồi kể về trận tiến công điểm cao 338 đêm 20-7-1974. Ông chỉ huy mũi 2 với 12 cán bộ, chiến sĩ. Khi vừa tiếp cận, phá được lớp hàng rào đầu tiên, ông bị dính mảnh đạn, nhờ đồng đội băng bó tạm rồi tiếp tục chiến đấu. Khi trận đánh kết thúc thắng lợi, ông mất rất nhiều máu phải điều trị ròng rã hàng tháng thời tại bệnh xá. Ấn tượng sâu đậm nhất của ông là tấm lòng của người dân các địa bàn nơi đơn vị công tác. Bà con là tai mắt cung cấp thông tin tình hình địch, nhường cơm, xẻ áo, đào hầm nuôi giấu bộ đội, tiếp lương tải đạn, chăm sóc thương binh, lo chôn cất chu đáo các liệt sĩ... Ông nghẹn lời: Nếu không có những tấm lòng thơm thảo ấy, sẽ không có những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” làm nên huyền thoại về Đ10.
CCB Võ Lụa, nguyên Chính trị viên Đ10 giai đoạn 1973-1974 không giấu nổi niềm tự hào: Chúng tôi là lực lượng đặc công chủ công của tỉnh, luôn được giao những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ mưu trí dũng cảm, vận dụng nhuần nhuyễn cách đánh của binh chủng đặc công, đánh tập kích, đánh “nở hoa trong lòng địch” nhờ vậy đơn vị “đã ra quân là đánh thắng”. CCB Lê Xuân Ngân, nguyên Đại đội trưởng Đ10 giai đoạn 1974-1975, hàng chục năm qua luôn giữ bên mình tấm bản đồ địa bàn chiến đấu của đơn vị Xuân 1975. Khi bàn giao lại kỷ vật này cho Nhà truyền thống LLVT tỉnh Bình Định, ông gửi gắm mong muốn những thành tích, cống hiến của Đ10 sẽ được thế hệ trẻ “tiếp lửa”, noi theo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngọc Diệp