Những nẻo đường hoàn lương... (Kỳ 1: Tìm lại chính mình)

Thứ hai, 02/04/2018 11:33

Với người bình thường, để có được cuộc sống yên ổn, gia đình đầm ấm, sum vầy, con cái học hành đến nơi đến chốn..., họ đã phải rất nỗ lực mới có thể đạt được như mong muốn. Còn với những người đã từng phạm tội, bị ám ảnh, dằn vặt bởi quá khứ lầm lỗi, thì con đường để họ tìm lại được cân bằng trong cuộc sống, trở thành như "người bình thường" thôi cũng đã khó gấp trăm lần. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được...

N.T.L đang giới thiệu sản phẩm gạch đầu tay của anh với cán bộ Hội LHPN P. Khuê Mỹ.

Thực tế, có không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, họ đã buông bỏ tương lai để trở về "lối cũ". Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người khác lại trở thành tấm gương về nghị lực và ý chí vươn lên để xóa bỏ định kiến, và cả đâu đó sự kỳ thị nhằm gây dựng lại trang đời mới, đẹp đẽ, sáng hơn cho mình! Trước khi tiếp xúc với N.T.L, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), tôi đã cố hình dung về một người trước đây vốn là "giang hồ cộm cán, chuyên bảo kê tại các quán nhậu, và có thể cho ai đó... no đòn nếu thấy khó chịu", đó là lời mà những người đã từng biết đến quá khứ của L. "căn dặn" tôi. Thế nhưng, khi nghe L. kể về quá khứ của mình, tôi lại thấy những lời "giới thiệu" về anh còn có phần hơi... khiêm tốn.

Trở về những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cái tên N.T.L không chỉ nổi như cồn ở cái đất Khuê Mỹ, mà thậm chí L. còn có "số má", tiếng tăm trên khắp địa bàn Đà Nẵng. Tôi không muốn đề cập sâu chuyện L. đã làm gì để gây dựng tiếng tăm, số má của mình trong giới "anh chị", chỉ biết rằng, với một bản án 6 năm tù về tội cố ý gây thương tích (1995-2000) và thêm một bản án 2 năm tù (2005-2007) cùng với tội danh trên cũng đủ để nói lên tất cả. L. của quá khứ là vậy, còn L. của hiện tại thì sao? Theo cảm nhận của riêng tôi, đó là một người khá điềm tĩnh, nhã nhặn, nói năng chừng mực và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi. Hình như khi đã trải qua những biến cố, sóng gió cuộc đời, nhất là những người từng một thời "ngang dọc" như L, đến khi lắng lại với những được mất, thua đủ để tìm cho mình một bến đỗ bình yên, họ trở nên... hiền như chưa từng như thế.

L. bảo, năm 2007, sau khi lần thứ hai chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, cuộc sống cũng mông lung, vô định lắm. Phải làm gì, bắt đầu từ đâu, và liệu mình có đủ kiên nhẫn, sự quyết tâm để làm lại hay không là những câu hỏi luôn canh cánh trong lòng. Đó là chưa kể bao nhiêu rào cản, bao nhiêu trở lực như muốn ngăn mình lại, không loại trừ có sự kỳ thị, xa lánh từ những người xung quanh! "Phải tự cứu lấy mình trước khi có ai đó dang tay ra", L. nhớ lại quãng thời gian chập chững bước vào giai đoạn "cải tổ" bản thân. Và với quyết tâm ấy, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền, ngành đoàn thể ở địa phương, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ P. Khuê Mỹ đã giúp L. vững tin hơn.

"Khi biết nguyện vọng của L. là được vay một ít vốn để làm ăn, thế nhưng, mọi chuyện không hề đơn giản, nói trắng ra là có một số người chưa thực sự tin L. có quyết tâm làm lại cuộc đời. Chỉ đến khi Hội LHPN phường đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm làm hồ sơ, thủ tục thì L. mới có cơ hội vay được số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra Hội còn giới thiệu học nghề làm nấm, trồng cây cảnh những mong L. sớm ổn định cuộc sống", bà Huỳnh Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN P. Khuê Mỹ nhớ lại. Đồng thời cho biết, sự giúp đỡ của chính quyền, ngành đoàn thể là một chuyện, quan trọng hơn là nỗ lực tự thân của L. "Vay vốn mở quán nhậu được thời gian đành bỏ cuộc vì thua lỗ. Không nản chí, L. quyết chí học nghề trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh. Với sự chịu khó học hỏi, ngoài việc học ở các lớp dạy nghề, L. còn tìm mua rất nhiều sách hướng dẫn cách chăm sóc để áp dụng trong thực tế. Và kết quả sau nhiều ngày miệt mài, L. đã thành công", bà Bình vui mừng cho biết.

Cuộc sống dần đi vào ổn định, có công ăn việc làm đã triệt tiêu quan niệm "nhàn cư vi bất thiện" của L., quan trọng hơn L. đã cho thấy nếu quyết tâm thì không gì là không thể. "Điều đáng mừng là sau những nỗ lực, cố gắng ấy, 3 năm trở lại nay, L. là một trong những thành viên rất tích cực của Đội dân phòng P. Khuê Mỹ, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT tại địa phương", bà Bình nói. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, L. cho biết, anh đang bắt tay vào công việc mới là đúc gạch bê tông để phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. "Do làm thủ công nên hiệu quả chưa cao, vì vậy tôi đang đặt mua một máy đúc gạch để có năng suất cao hơn, và có thể tạo công ăn việc làm cho người khác nữa", L. kể. Dự định là vậy, và mặc dù anh không nói ra nhưng theo chúng tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay của anh vẫn là nguồn vốn...

Tương tự như N.T.L., câu chuyện của T.M.S (trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) cũng là một thước phim quay chậm về "cuộc trường chinh quay về nẻo thiện". S. từng được biết đến như một "đại ca" trong giới bảo kê karaoke, quán nhậu trên địa bàn Đà Nẵng những năm 2008. Năm 2010, với hành vi "cưỡng đoạt tài sản", S. phải chịu bản án 18 tháng tù treo (thử thách 24 tháng). Quãng thời gian bị tạm giam, cũng là cơ hội để S. nhìn lại mình, và động lực thôi thúc anh quyết chí "dừng bước giang hồ" có lẽ là hình ảnh người mẹ đang ngày ngày trông ngóng, âu lo. Vì thế, được trở về, S. quyết tâm làm lại cuộc đời. Không chỉ tìm cho mình hướng đi đúng, S. còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội bằng cách thành lập CLB Công tác xã hội Teen Đà Nẵng. Để gây quỹ hoạt động, S. mở quán cà-phê tại số 15 An Xuân (Q. Thanh Khê) với khẩu hiệu "Uống một ly cà-phê là bạn đã quyên góp 500 đồng vào quỹ từ thiện". Từ hành động thiết thực này, quán cà-phê trở thành cầu nối cho những tổ chức, cá nhân tìm đến các địa chỉ cần giúp đỡ. Hiện nay, nhóm có khoảng 30 thành viên, mỗi tháng 2 lần nấu thức ăn phân phát tại các bệnh viện, nhà chùa.

Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, CLB Công tác xã hội Teen Đà Nẵng đã được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng tiếp nhận làm hội viên. Đến nay, các hoạt động của CLB được Hội định hướng rõ ràng hơn, hỗ trợ cơ sở pháp lý để đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp về tinh thần lẫn vật chất. Không chỉ phục vụ các suất ăn từ thiện, CLB của Sỹ còn tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Không chỉ L, S mà hiện trên địa bàn P. Khuê Mỹ nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung đang có hàng trăm trường hợp điển hình về tái hòa nhập cộng đồng sau khi được đặc xá tha tù trở về địa phương. Mỗi người có một cách "về" khác nhau, nhưng tựu trung lại, ở họ luôn có khát vọng cháy bỏng để làm lại cuộc đời. Và tất nhiên, họ không bơ vơ, lạc lõng trên con đường tìm lại chính mình!

Doãn Nguyên Hưng

(còn nữa)