Những nẻo đường lạc lối (2)

Thứ ba, 20/10/2015 10:54

* Bài cuối:  Nẻo về nào cho em!

(Cadn.com.vn) - Tuổi trẻ nếu không được nhận thức đầy đủ, lại thiếu sự quan tâm, dạy dỗ đúng cách sẽ rất dễ lạc lối, mắc sai lầm. Nhiều người đã phải trả giá bằng tù tội hoặc nhẹ hơn thì đưa đi giáo dục, giáo dưỡng, xử phạt hành chính, quản lý tại xã phường. Khi đã đi qua thời tuổi trẻ lầm lạc ấy, họ không bao giờ muốn nhắc lại quãng thời gian đã qua. Với họ, quá khứ không lấy gì đẹp đẽ ấy chính là rào cản lớn nhất trên con đường làm lại cuộc đời. Nếu không đủ nghị lực cũng như sự giúp đỡ và cái nhìn thiện chí từ xã hội, không phải ai cũng dễ dàng bước qua quá khứ lầm lạc...

Đà Nẵng tổ chức đưa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, chưa ngoan đi thăm trại giam
để thông qua đó cảm hóa, giáo dục. Ảnh: C.Khanh

Trước khi đưa tôi đến nhà anh T. (đã đổi tên), chị Huỳnh Thị Bình- Chủ tịch Hội Phụ nữ P. Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) dặn lui, dặn tới: “Chuyển qua cũng đã lâu rồi, nên khi đến nhà ảnh, em đừng giới thiệu mình là nhà báo nghe. Cái gì mà họ đã muốn quên, tìm cách quên, mình cũng không nên khơi gợi chi cho họ mặc cảm, em à! Gặp nhân vật này, chị tin, em sẽ thấy được nghị lực vượt lên quá khứ lầm lỗi để trở thành người tử tế rất đáng được ghi nhận”.

Chị Bình kể, anh T. giờ cũng đã trên 40 tuổi. Thời còn trẻ dại, anh từng có “thành tích” đáng gờm ở địa phương. Với 3 hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và đánh bạc, năm 1995, T. bị tòa án kết án 4 năm tù giam. Ra tù một thời gian, năm 2006, với hành vi cố ý gây rối trật tự, anh lại bị kết án 18 tháng tù giam. Lần này, do cải tạo tốt nên tháng 10-2007, T. được mãn hạn tù. Có lẽ, những ngày tháng ngồi bóc lịch trong tù đã giúp anh nhận rõ hơn sự lạc lối trên con đường đi của mình. Trở về cuộc sống đời thường, anh quyết chí phải thay đổi cuộc đời để mẹ không phải buồn khổ vì mình nữa. Sau nhiều lần kinh doanh không thành công, trong lúc đang loay hoay tìm hướng khác để mưu sinh, anh được Hội Phụ nữ phường (đơn vị nhận giúp đỡ) giới thiệu đi học lớp tập huấn về trồng trọt. Rồi từ những thông tin tìm hiểu thêm trên mạng, anh quyết định chọn nghề trồng nấm. Được Hội Phụ nữ phường giúp đỡ anh được vay 7 triệu đồng làm vốn ban đầu. Từ đó anh chí thú, chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ vợ nấu chè đi bán.  Hỏi ra mới biết, họ đến với nhau sau khi anh ra trại. Tuy chưa hẳn vượt qua được giai đoạn khó khăn, nhưng nhờ sự chí thú làm ăn nên số tiền vay mượn từ Hội Phụ nữ anh đã trả xong. Mới đây, anh lại được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay thêm vốn để mở rộng việc trồng nấm. Anh bảo, cuối năm này, khi kết thúc xong vụ thu hoạch nấm đợt cuối của năm, anh sẽ trả số tiền vay này. Chỉ về phía vạt đất sau lưng đang được cải tạo để trồng hoa cho vụ tết, anh bảo, sẽ xoay xở đủ hướng để cuộc sống khấm khá lên. Với người đàn ông từng có một thời tuổi trẻ quậy phá này, quá khứ buồn đã khép lại…

Khi còn trẻ, anh P. (đã đổi tên) ở Q.Ngũ Hành Sơn cũng từng vào tù, ra tội. Trở về địa phương, đoàn thể giao cho Hội Phụ nữ P.Khuê Mỹ giúp đỡ anh. Ban đầu, việc tiếp xúc với P. cũng không mấy thuận lợi, bởi bản tính nóng nảy, khó gần, lại thêm mặc cảm không muốn tiếp xúc với ai. Bằng sự mềm mỏng với những lời khuyên thấu tình, đạt lý, cuối cùng anh P. cũng mở lòng. Hiện nay, đời sống của vợ chồng anh cũng tạm ổn định. Mới đây, anh được Hội Phụ nữ P. tham mưu với UBMTTQVN P. vận động một doanh nghiệp là con em quê hương đang lập nghiệp ở TPHCM hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương. Chính những việc làm thiết thực, đầy nghĩa tình này đã giúp P. tự tin hơn trong việc hòa nhập với cuộc sống…

Trong những ngày đi tìm gặp những người từng lầm đường, lạc lối, giờ đã là những công dân tử tế, tôi vô cùng ái ngại và cảm thấy có lỗi khi vô tình khiến họ phải nhớ lại quá khứ đáng buồn đã qua. Có người “khó chịu” nói bóng, nói gió rằng: “cây” đã muốn lặng thì xin “gió” cũng hãy ngừng. Họ cho rằng, trong xã hội, không phải ai cũng đều biết cảm thông và nhìn nhận đúng về những người từng lầm lỗi đã tiến bộ. Tôi phải giải thích mãi, họ mới thôi không khó chịu nữa và tâm sự rằng, nếu có thể quay ngược được thời gian, họ muốn thời trẻ dại của mình sẽ tốt hơn nhiều. Tôi cứ nghĩ, mọi sự giáo dục, giúp đỡ, cảm thông sẽ trở lên vô nghĩa một khi chính bản thân mỗi cá nhân họ không tự vượt lên chính mình...

P.Thủy