Những nẻo đường lạc lối...

Thứ hai, 19/10/2015 10:39

* BÀI 1:  Khi trẻ lạc lối

(Cadn.com.vn) - Trên con đường xây dựng cuộc đời của mỗi con người, không phải ai ai cũng tìm được ngay cho mình một lối đi đúng hướng. Có người, phải trải qua vài lần lạc lối mới  tìm ra con đường mà mình cần phải đi, nhất là khi còn trẻ dại...

Đưa tôi xem lá đơn mà vợ chồng anh N.(đã đổi tên, trú P.Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhờ một người dân viết hộ ngày 5-10-2015 với nội dung xin gửi con trai vào cơ sở giáo dưỡng, thiếu tá Nguyễn Công Hà- Phó CAP Hòa Khánh Nam- xót xa nói: “Hôm mời anh N. lên thông báo về việc cháu S. (2000)- con trai của họ- lại tái phạm, trộm cắp với số tiền rất lớn, tôi có hỏi ảnh: “Biết hết thuốc chữa, sao vợ chồng anh không làm đơn đề nghị đưa đi cơ sở giáo dưỡng để giáo dục”, ảnh thú thiệt, vợ chồng ảnh không biết chữ. Nếu biết chữ, họ đã làm đơn từ lâu rồi! Nhiều năm công tác trong ngành CA, lần đầu tiên tôi nghe một người cha thật thà thú nhận như thế”. Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ đọc lá đơn và tự hỏi: còn nỗi đau nào lớn hơn? Ai đã làm cha, làm mẹ mới hiểu nỗi đau giằng xé khi không thể dạy được con mình, bất đắc dĩ phải nhờ cơ quan chức năng đưa con đi cơ sở giáo dưỡng...

10 phút sau, anh N. có mặt. Đó là một người đàn ông có gương mặt cương nghị. Khi tôi gợi chuyện về đứa con trai thứ hai “bất trị”, anh lúng túng đưa tay quẹt nhanh giọt nước mắt sắp trào: “Nói thiệt, đi làm vất vả, mệt đến mấy tôi cũng chịu được. Nhưng về đến nhà, nghe chuyện của con là tôi chỉ muốn bỏ đi đâu đó. Tôi làm việc dữ lắm. Ban ngày đi thợ hồ, tối về nghỉ một chút là lại đến lò mổ làm thuê, kiếm tiền nuôi mấy đứa con. Vậy mà nó không biết thương tui. Tui dỗ dành đủ kiểu vẫn chẳng ăn thua chi. Hết cách rồi mới đành làm vậy. May ra mới giáo dục, cảm hóa nó nên người!”...

Có lẽ, với nhiều người dân ở P.Hòa Khánh Nam cái tên S. không còn mấy xa lạ. Mới 15 tuổi đầu, nhưng S. đã nếm gần như đủ món ăn chơi: từ vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, chát, lập cả facebook với cái tên “chờ người nơi ấy” để...tán gái. Để có được tiền “nướng” vào những thú vui tiêu khiển này, hễ có cơ hội là S. không từ bất kỳ vụ trộm cắp lớn nhỏ nào. Thậm chí, khi cần, cu cậu cũng đem luôn áo quần ba mẹ sắm cho bán lấy tiền để cùng chúng bạn đi bar, vũ trường... Không chỉ trộm cắp, có hơi men vào, cu cậu có thể “coi trời bằng vung”. Không ít lần, S. rủ bạn bè về nhậu trước cửa nhà mình lúc nửa đêm. Lực lượng CAP cùng dân phố, dân phòng tuần tra đến cương quyết yêu cầu giải tán, S.mới thôi không quậy phá...Thật khó tin, mới ngần ấy tuổi mà chỉ chưa đến 4 ngày, S.cùng 1 đối tượng nữa đã “nướng sạch” số tiền gần 14 triệu đồng mà nó cùng bạn lấy trộm của một hộ dân ở tổ 117 Hòa Khánh Nam ngày 30-9. Khi CAP Hòa Khánh Nam điều tra làm rõ vụ việc, đưa S. về trụ sở hỏi số tiền đó dùng vào việc gì, S.trả lời gọn tưng: đi vũ trường, quán bar và nhà nghỉ...Thiếu tá Nguyễn Công Hà cho biết thêm, mỗi lần bỏ nhà đi hoang đến khi hết tiền, S.thường tìm đến khu đền thờ, miếu mạo làm chỗ nghỉ chân...

N.V.S (ảnh nhỏ) và lá đơn nhờ viết hộ của gia đình xin gởi S.
vào trường giáo dưỡng. Ảnh: P.T

Được biết, gia đình anh N.từ TT-Huế vào lập nghiệp tại Đà Nẵng từ năm 2003. Họ có 5 người con, S.là con thứ 2. Cu cậu bắt đầu hư khi lên lớp 6. Theo chúng bạn xấu, S. tập tành ăn chơi. Ban đầu là mê game sau thì đi hoang. Học hết lớp 6, S.nói không học nổi chữ, đòi đi học nghề. Anh chở con đến xin học nghề làm inox. Được nửa tháng thì S. bỏ. Lần này, đoàn  thể địa phương phải “ra tay”, xin cho S. vào học nghề tại một cơ sở sửa xe. Sợ con không theo học, anh bỏ việc cả tuần để đưa S. đến chỗ học việc. Nhưng không thể cứ bám theo con mãi, lấy ai chạy tiền ăn hàng ngày cho cả nhà, vợ chồng anh mua chiếc xe đạp 600.000 đồng để S. đi làm. Dặn dò, thủ thỉ, cứ tưởng con đã thông, nào ngờ, sáng hôm sau, S.dắt xe ra khỏi nhà rồi đi luôn một hơi. Vài ngày sau, nó trở về tay không. Vợ chồng anh lại phải bỏ tiền ra để chuộc lại chiếc xe...Hôm gặp S, thấy tôi nhìn chăm chăm vào những hình xăm vằn vện trên cánh tay, thằng bé giải thích đó là hình mặt quỷ và hình con cá mặt người. Tôi hỏi sao không xăm hình gì đẹp đẹp, xăm chi mấy cái hình gớm ghiếc đó, S.đáp cộc lốc: “Mấy đứa bạn xăm, biết mô!”. Nhìn sang bên cánh tay phải, thấy xăm chữ cha mẹ, tôi hỏi: “Ai xăm con mấy chữ này?”. “Con chứ ai!”. “Biết nghĩ đến cha mẹ, sao lại khiến cha mẹ buồn khổ hoài vậy?”. Lần này, nó không nói gì, cúi mặt xuống bàn. Nhìn con với ánh mắt xót xa, anh N.lắc đầu thở dài...

Không đến nỗi như S., nhưng L.(1999- đã đổi tên) ở P.Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cũng là một trong những đứa trẻ khó dạy. Nhiều vụ trộm cắp vặt khi CAP Hòa Hiệp Nam điều tra ra đều có tên của L.trong đó. Cha mẹ L.hầu như không quan tâm, chăm sóc đến em. L.bỏ nhà đi lang thang hoặc sang nhà bạn ngủ nhờ mấy ngày liền, gia đình cũng không hay biết. Tìm hiểu, mới biết, gia đình L.nghèo lắm. Mẹ mắc nợ tiền của người ta nên phải trốn khỏi địa phương. Cha làm thợ hồ, không có rượu thì hiền khô, có rượu vào thì...ôi thôi. Thằng bé từ nhỏ thiếu vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình, nên khi gặp chúng bạn hư hỏng, lêu lổng, nó tiêm nhiễm rất nhanh, thường xuyên trốn học để đi bụi. Trưởng CAP Hòa Hiệp Nam tâm sự: “Thằng bé vừa đáng giận, vừa đáng thương. Hoàn cảnh vậy, bảo sao nó không dễ bị lôi kéo. Có lần nó trộm cắp vặt bị bắt, hỏi nó sao cứ trộm hoài vậy, nó nói không đi trộm vặt thì lấy chi mà ăn...”! Đầu năm học này, L.đã bỏ học.

Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện CT 24 của Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9 vừa qua, tham luận của CATP cho biết: Từ năm 2009 đến hết năm 2014, trên địa bàn TP xảy ra 1.215 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có 1.865 đối tượng nam, 62 đối tượng nữ, trong đó chủ yếu là trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng. Hầu hết các đối tượng này đều có trình độ học vấn thấp (1.410 học sinh THCS, 346 học sinh THPT, 97 học sinh tiểu học và 12 em không biết chữ)... Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên hư, nguyên nhân từ gia đình luôn được xem là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều bậc cha mẹ khi được mời đến trụ sở CA để bảo lãnh con về tâm sự rằng, họ đã dùng đủ cách để dạy con nhưng cuối cùng cũng đành bất lực. Thực tế cho thấy, không ít gia đình do bố mẹ mải lo mưu sinh, làm giàu nên không dành nhiều thời gian quan tâm, hoặc quan tâm không đúng cách đến cuộc sống, sự thay đổi tâm sinh lý con trẻ. Trong khi đó, những cám dỗ và mặt trái của cuộc sống thời đại CNTT bùng nổ cộng với tư tưởng thích hưởng thụ đã, đang ngày càng xâm nhập vào đời sống của một bộ phận không còn nhỏ thanh thiếu niên hiện nay chính là mảnh đất màu mỡ để tội phạm ở độ tuổi này có thêm cơ hội sinh sôi...

P.Thủy
(còn nữa)