Những nẻo đường “sa tặc” (Kỳ cuối: Căng mình chống “sa tặc”)

Thứ hai, 29/01/2018 14:14

Một trong những biện pháp mà tỉnh Quảng Nam áp dụng để hạn chế tình trạng cát tặc là bắt đầu từ ngày 1-7-2017, các tàu vận chuyển cát trên sông không được trang bị dụng cụ hút cát (gồm máy bơm và ống hút). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương này vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Cụ thể, ngành Giao thông- Vận tải, Công an và chính quyền các địa phương chưa có sự thống nhất trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với những phương tiện trang bị máy hút cát.

   Các mỏ cát đang khai thác dưới chân cầu Hòa Đông (TT Ái Nghĩa).  

Ngày 22-1- 2018, trao đổi cùng chúng tôi, ông Phan Minh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết: Qua làm việc cùng lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải đã xác định việc kiểm định cho tàu chở cát không có hạng mục máy hút cát. Vì vậy, UBND TX Điện Bàn thống nhất giao cho cơ quan CA  tổ chức kiểm tra, buộc chủ phương tiện tự tháo dỡ máy, đồng thời giao các địa phương lên phương án quy hoạch các bãi cát trên cơ sở kèm theo quy mô kinh doanh… nhằm quản lý quá trình kinh doanh và tránh thất thu thuế. Ngoài ra, kiên quyết cưỡng chế những điểm tập kết cát không có hoặc chưa có giấy phép để tránh việc các đối tượng kinh doanh cát lậu. Trong thời gian đến, TX Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh không cấp phép mới, trong số 7 mỏ cát còn lại nếu mỏ nào hết hạn sẽ kiên quyết đóng cửa.

Riêng tại H. Đại Lộc là địa phương có số lượng mỏ cát được cấp phép nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam, với 19 mỏ, trong đó có 13 mỏ đang hoạt động. Ngay khu vực cầu Hà Nha (xã Đại Đồng), trên khúc sông Vu Gia dài chưa đến 1km đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát, gồm: Cty Trường Lợi, Cty Nguyên Thành Phát, Cty Hồng Nguyên, Cty Thành Sơn. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, ngành TN & MT H. Đại Lộc đã hỗ trợ các chủ mỏ lắp đặt camera giám sát ngay tại khu vực mỏ. Ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc, cho biết: Năm 2017 hoạt động tại các mỏ cát còn một số hạn chế, như: khai thác sai vị trí, độ sâu cho phép dẫn đến tình trạng sạt lở; tình hình ANTT tại khu vực mỏ phức tạp; trong quá trình vận chuyển, môi trường chưa đảm bảo… Trong trường hợp phát hiện mỏ nào có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Về lắp đặt camera đã cơ bản hoàn thành và đảm bảo phải hoạt động 24/24 nhằm quản lý khối lượng thực tế cát được khai thác. Ngoài ra, Đại Lộc cũng yêu cầu chủ mỏ mở sổ cập nhật hằng ngày số lượng sản phẩm, phát hành hóa đơn theo hướng dẫn nhằm tránh thất thu thuế. Trường hợp nào vận chuyển sản phẩm tiêu thụ nhưng không có hóa đơn xuất bán sẽ bị xử lý nghiêm…

Theo Thiếu tá Mai Thanh Tâm- Phó trưởng CAH Đại Lộc, tại địa bàn huyện có tình trạng mỏ cát được chuyển nhượng tràn lan, các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, lực lượng CA khuyến cáo các chủ bãi không mua cát của các đối tượng hút trộm để tiến tới đẩy lùi nạn “sa tặc”. Đối với địa bàn H. Duy Xuyên, ông Nguyễn Bốn- Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Ngoài việc quản lý chặt chẽ việc mua bán ở các bến cát, Duy Xuyên còn tăng cường phối hợp với TX Điện Bàn và Đại Lộc trong công tác tuần tra, bắt giữ… các đối tượng khai thác trái phép trên sông Thu Bồn.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trước những hoạt động “không bình thường” của nạn khai thác cát lậu trên các sông tại Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra, làm rõ cán bộ bảo kê “sa tặc”. Cụ thể, kiểm tra, làm rõ các hành vi bảo kê, bao che, tiếp tay (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Các trường hợp khai thác cát trái phép phải xử lý nghiêm. Các tàu, thuyền không đăng ký, đăng kiểm, các thuyền gắn máy hút và vận chuyển cát, sỏi ngoài giờ quy định cần xử lý kiên quyết và không gia hạn giấy phép bến bãi tập kết cát, sỏi ngoài quy hoạch, yêu cầu giảm các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi ít hơn số lượng hiện nay để dễ quản lý… Đặc biệt, đến năm 2020 sẽ loại bỏ 10 bến bãi tập kết cát ra khỏi quy hoạch (từ 48 bến bãi xuống còn 38 bến bãi). Ngoài ra, yêu cầu  các doanh nghiệp hoạt động khai thác, mua bán khoáng sản cát thực hiện việc đăng ký phương tiện, số hiệu tàu thuyền, người lái…

Ngày 22-1-2018, đoàn công tác liên ngành do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam làm chủ công đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn H. Duy Xuyên, TX Điện Bàn và H.  Đại Lộc. Tại Duy Xuyên và TX Điện Bàn, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Thu Bồn đoạn chảy qua 2 địa phương này. Còn tại H. Đại Lộc, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn.      

Như vậy, có thể thấy, tỉnh Quảng Nam đã và đang có những động thái rất quyết liệt nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển khoáng sản. Hy vọng những nỗ lực ấy sẽ  đem lại một kết quả tốt đẹp nhằm tránh thất thoát tài nguyên của đất nước và đảm bảo được tình hình ANTT tại địa phương.

M.T