Những người bạn đồng hành kỳ diệu
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-4, Ban tổ chức cuộc thi “Viết về người bạn đồng hành” dành cho đối tượng là người khuyết tật (NKT) đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố do Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng phối hợp với Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức sau hơn một tháng phát động. Theo đó, 29 tác giả đã gởi 33 bài dự thi, có 20 bài đã qua vòng sơ khảo. Kết quả: Giải nhất: Nguyễn Thị Hải Giang (Hành trình “bạn” đến bên tôi); hai giải nhì: Nguyễn Hữu Minh (Thư gửi bạn–người biết lắng nghe), Lê Thị Dịu Châu (Người bạn ân tình); 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. Lễ trao giải dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 31-5.
Ban tổ chức cho biết, cuộc thi “Viết về người bạn đồng hành” chủ yếu tập trung vào tiêu chí: Hình ảnh người khuyết tật thể hiện qua bài viết phải tươi sáng, tích cực; toát lên được tác dụng của dụng cụ và nhờ có dụng cụ đã đem lại sự thay đổi tích cực cho bản thân người khuyết tật; Có tính lan tỏa, tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng.
Tác giả Nguyễn Thị Hải Giang qua bài viết “Hành trình “bạn” đến bên tôi” kể, từ nhỏ, sau một cơn bệnh, chị phải bước đi khập khễnh, người nghiêng hẳn một bên. Đến năm 14 tuổi chị được người thân giới thiệu đến Trung tâm chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP để làm nẹp cho đôi chân, nhưng do chưa hình dung được tầm quan trọng của chiếc nẹp, nhất là “mang vào sẽ không được đạp xe đi học cùng lũ bạn”, nên chị bỏ không theo. Về sau, cơ duyên đến với chị một lần nữa, đó là lúc chị đến Trung tâm chờ chụp phim với ý định phẫu thuật cho chân được thẳng, tình cờ gặp một đoàn bác sĩ nước ngoài đến khám và tư vấn miễn phí. Họ đề nghị chị không nên mổ và “lấy 2 chiếc nẹp gỗ bó vào chân chị, quấn băng lại bảo bước thử. Thật diệu kỳ và hạnh phúc, khi chị bước đi mà không cần nhờ đến cánh tay tì vào chân làm điểm tựa. Từ đó, “bạn ấy” đồng hành cùng chị, dù bước đầu phải chăm chỉ luyện tập... để rồi dần dần mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Sau đó chị lập gia đình và có những đứa con ngoan. Để cuộc sống mình thêm ý nghĩa, chị tham gia sinh hoạt văn nghệ, thể thao các Hội, CLB Người khuyết tật... Nhìn lại đoạn đường đã qua, chị cho rằng “Sẽ có người bảo rằng sử dụng những dụng cụ trợ giúp thì vướng víu khó đi lại. Nhưng theo tôi, nếu mình sử dụng sớm và đúng dụng cụ, đúng cách ắt hẳn nó sẽ góp phần mang “ánh sáng” đến cho chúng ta. Hãy vì sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp phía trước. Bởi việc gì làm được hôm nay xin chớ để ngày mai”. Tác giả Nguyễn Hữu Minh với “Thư gửi bạn– người biết lắng nghe”, cho biết, không biết chắc mình mất khả năng đi lại từ lúc nào, chỉ biết suốt tuổi thơ quanh quẩn trong nhà, phải di chuyển bằng mông và tay. Cho đến một ngày, khi mẹ bảo rằng “có cách để giúp tôi bước ra ngoài kia, ra khỏi 4 bức tường của ngôi nhà để khám phá thế giới...”. Vậy là anh đã vô cùng háo hức, mộng mị hằng đêm về một phép mầu có thật. Tác giả gọi đó là “Em”–một chiếc xe lắc 3 bánh mà mẹ đã cố xin từ Hội Chữ thập đỏ thành phố đem về. Vậy là nhờ “Em” mà lần đầu anh gần với biển, lần đầu thấy những con đường dài mênh mông, thấy mọi thứ màu sắc vô cùng mới mẻ... và gặp được những người bạn cùng cảnh ngộ, tập hợp thành CLB Ước mơ xanh. Giờ đây, sau một thời gian không ngừng nỗ lực hòa nhập cộng đồng, anh đã có riêng cho mình một mái ấm cùng người vợ hiền và cô con gái xinh. Tác giả nhắn gửi: “Lá thư của tôi hy vọng giúp những ai đang vui sẽ tiếp tục vui, những ai đang buồn sẽ vơi buồn đi nhé! Chúng ta phải tiếp tục sống bằng cách này hay cách khác và quan trọng phải sống thật có ích, nếu khó khăn quá thì xin đừng ngần ngại tìm kiếm một “người bạn đồng hành”, tin rằng khi đó chặng đường sẽ dễ dàng hơn...”.
Tác giả Nguyễn Hữu Minh bên “người bạn đồng hành” của mình. |
Lê Thị Dịu Châu qua bài viết “Người bạn ân tình”, kể lại, từ nhỏ lớn lên đôi mắt chị đã không có khả năng cảm nhận ánh sáng, hình dạng. Năm 1992, chị may mắn được vào trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng, khi trường vừa thành lập. Nơi đây, chị được học thêm về kỹ năng hòa nhập, kỹ năng tự chăm sóc phục vụ bản thân, kỹ năng định hướng di chuyển với dụng cụ là chiếc gậy dò đường. Đến nay, chiếc gậy đã trở thành thân quen, gắn bó với chị như người bạn không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh chiếc gậy, chị xác định con đường duy nhất để thay đổi số phận chỉ có thể là con đường học tập. Chị học hết cấp 3 rồi thi trúng tuyển vào khoa Ngoại ngữ Đại học Duy Tân. Cuối niên khóa 2007, chị tốt nghiệp Cử nhân Anh văn loại khá cùng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm loại giỏi. Tại Đại hội Đại biểu Hội Người mù TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2007-2012, chị được đề cử vào Ủy viên Thường vụ Thành hội Người mù Đà Nẵng. Năm 2013, chị được đề bạt giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2012-2017.
Dù vậy, theo chị Dịu Châu: “Với tôi, niềm vui không nằm ở thành tích hoặc chức vụ mà ở chỗ tôi đã đủ năng lực để đem lại lợi ích tinh thần, vật chất cho mình và nhiều người cùng cảnh ngộ...”...
Ở những bài viết khác như “Cái chân tre” (Phạm Văn Vinh) viết câu chuyện của ông Nguyễn Chước, người đã lớn lên gắn liền cùng cái chân làm bằng tre, về sau gặp cơ hội may mắn anh được giúp chiếc xe lắc 3 bánh, nhờ vậy công việc sinh sống thuận lợi hơn rất nhiều. Hoặc “Những người bạn bên tôi” (Trần Thị Tố Trinh), “Nẹp và tôi” (Hoàng Thị Hiền), “Chiếc hài vạn dặm” (Nguyễn Thị Đăng), “Ai giúp tôi thành công–các bạn Xe lăn, Nạng và Nẹp” (Huỳnh Đức Trọng), “Người bạn của anh” (Nguyễn Thị Yến Ly)..., ở mỗi bài viết của mỗi tác giả là một câu chuyện đời chân thật với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết là những tấm gương đầy nghị lực, vượt khó đi lên. Bên cạnh những nỗ lực bản thân, sự may mắn đến với họ kể từ khi gặp được người bạn đồng hành–dụng cụ trợ giúp người khuyết tật. Nhiều người khẳng định, chính “người bạn đồng hành” ấy đã đem đến cho họ một phép lạ kỳ diệu, mở ra một chân trời mới lạc quan...
Trần Thị Tố Trinh trong ngày hạnh phúc. |
Nhìn chung, cuộc thi “Viết về người bạn đồng hành” bước đầu đã tạo được một sân chơi ý nghĩa để những NKT có dịp chia sẻ, tâm sự về “những người bạn đồng hành” đã và sẽ dìu nhau bước đi hướng về cuộc đời tươi sáng.
Trần Trung Sáng