Những người bạn nước ngoài của nạn nhân chất độc da cam

Thứ sáu, 05/08/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng hiện có 4.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1.400 trẻ em. Nhiều năm qua, với sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, các tổ chức quốc tế, cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Đồng hành đặc biệt cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng không thể không kể đến các nhà hảo tâm nước ngoài là Chuck Palazzo và Harold Chan Soo York.

Ông Harold Chan Soo York (ngồi) với các cháu ở nhà nội trú.

Nỗi ám ảnh suốt cuộc đời

8 năm ở Đà Nẵng là thời gian không dài nếu so sánh với hơn 45 năm nay ông Chuck Palazzo luôn bị ám ảnh bởi chiến tranh. Tham chiến ở Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam 13 tháng, ông đã thất vọng khi nhận ra cuộc chiến phi nghĩa và vô nhân tính của nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ. Điều khiến ông bất bình đó là sự dối trá đến mức trắng trợn của một số công ty hóa chất Mỹ. Họ nói rằng chất độc dioxin không hề gây tác hại, chỉ là những hóa chất làm rụng lá cây để quân giải phóng không còn nơi ẩn nấp, giúp lính Mỹ dễ dàng tìm mục tiêu từ máy bay. Vậy mà chất độc này đã tàn phá cơ thể người Việt Nam nhiều thế hệ. Công việc kinh doanh phần mềm của ông ở New York và Florida đang tốt đẹp nhưng ông đã từ bỏ tất cả để qua Việt Nam giúp đỡ những đứa trẻ chất độc da cam, góp phần chuộc lại lỗi lầm mà nước Mỹ để lại cho đất nước này. Vậy là năm 2008, ông trở thành người bạn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của thành phố Đà Nẵng. Những lần đi cùng bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đến thăm các cháu bị chất độc da cam ông đã bị sốc khi thấy các cháu chịu nỗi đau tột cùng. Thương tâm hơn nữa là cha mẹ những đứa trẻ gần như hy sinh bản thân mình để lo cho con cái bất hạnh..., tất cả làm trái tim ông như bị ai bóp nghẹt, giấc ngủ luôn mộng mị. Vậy là ông dành phần lớn thời gian đi vận động các tổ chức cá nhân nước ngoài hợp tác giúp đỡ nạn nhân da cam hàng trăm triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi bò, heo rất hiệu quả với người nông dân, ông cùng với Hội mua bò, lợn giống và tặng cho các hộ bị chất độc da cam. Nhờ sự vận động của ông, hàng chục hộ nghèo ở Hòa Vang có được "cần câu" vượt qua khó khăn.

Những ngày gần đây, khi tuổi càng cao, ám ảnh về những sai lầm trong quá khứ lại ngày càng hiện về trong ký ức của ông (theo cách gọi là Hội chứng Việt Nam như nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam mắc phải), và khi sức khỏe không còn như xưa cũng là lúc nỗi ám ảnh mình sẽ không làm được gì nữa cho trẻ da cam bùng phát, khiến ông lâm bệnh phải nhập viện. Không người thân bên mình cũng là lúc ông nhận ra sự chí tình chí nghĩa của Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đà Nẵng. 7 anh em trong Hội thay nhau trực mỗi đêm, theo dõi bệnh, lo cơm cháo, đỡ đần vệ sinh, nói chuyện để ông khỏi cô đơn. Ông nói rằng, một lần nữa ông lại mắc nợ với Việt Nam và không biết đến bao giờ mới trả hết.

Ông Chuck Palazzo (ngoài cùng bên phải) với các cháu nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Từ trái tim đến trái tim

Nếu như các cựu binh Mỹ có lý do chính đáng để trở lại và giúp đỡ nạn nhân da cam Việt Nam thì ông Harold Chan Soo York, 73 tuổi, một doanh nhân người Singapore lại chỉ biết đến nạn nhân da cam một cách tình cờ. Đó là khi ông đọc một bài báo về chiến tranh Việt Nam. Quá tò mò, ông dành nhiều ngày lục trên máy tính để tìm hiểu về cuộc chiến tàn khốc này.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đà Nẵng Phan Thành Tiến kể lại những kỷ niệm về người bạn đặc biệt của Hội với lòng kính trọng: "Ông ấy giúp nạn nhân da cam bằng sự quan sát tinh tế. Và đã giúp là giúp đến nơi đến chốn". Đến thăm Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đà Nẵng, ông không khỏi ái ngại khi thấy văn phòng Hội 7 người làm việc trong căn phòng chật chội chưa đến 20 m2, không điều hòa, bàn ghế sơ sài. Nhưng ông rất thán phục bởi điều kiện khó khăn như thế, từ lãnh đạo đến nhân viên vẫn cần mẫn đem hết tâm huyết làm tốt trách nhiệm. Đặc biệt có lần khi nghe ông ngỏ ý muốn đưa các cháu bị chất độc da cam nặng về sống tập trung để cha mẹ chúng đỡ vất vả, Hội đã nhanh chóng dành một phần nhà bán trú để nuôi. Thấy có thể tin tưởng được, lần sau trở lại, ông quyết định tặng 7 tỷ đồng để Hội xây nhà nội trú. Bây giờ 10 cháu bị chất độc da cam và gia đình đã có căn nhà chung khang trang, ăn ở miễn phí, được các cô giúp vận động, phục hồi tứ chi. Số tiền 700 - 800 triệu đồng ông tài trợ hàng năm là để giúp duy trì nhà nội trú này. Ông tài trợ Bệnh viện Đà Nẵng máy chụp MRI trị giá 33 tỷ đồng cùng 4 tỷ đồng mua các máy móc phụ trợ để ưu tiên các nạn nhân da cam khi được khám bệnh, điều trị ở đây. Ông hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ 10 máy thở để giúp nạn nhân da cam khi vào cấp cứu.

Ít ai biết rằng doanh nhân hào phóng từ thiện này là người sống rất tùng tiệm. Dịp đến thăm một trung tâm nuôi dưỡng các cháu thiệt thòi ở miền Trung, ông không hài lòng khi thấy các cháu ngủ dưới đất và nhân viên nói rằng do giường hỏng chưa đóng lại được. Lại có lần nhìn các cháu ăn uống còn sơ sài nhưng có một đơn vị nọ lại mời ông đi ăn nhà hàng rất sang, ông từ chối luôn bữa trưa đó. Ông nói với chị Hiền rằng, bây giờ ông yếu rồi, không thể hàng tháng qua thăm các cháu khu nội trú như trước, nếu có kế hoạch phải làm ngay để ông có thể giúp đỡ. Harold Chan Soo York là vậy, chưa lúc nào thôi nghĩ đến các cháu dù bản thân mình đang cần chăm sóc...

Chính những nhà hảo tâm như ông Chuck Palazzo và Harold Chan Soo York đã làm cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng như được tiếp thêm sức mạnh để hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh ở thành phố biển.

Hồng Vân