Những “người” chiến thắng trong thương chiến Mỹ - Trung

Thứ tư, 10/07/2019 08:20

Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) Bangladesh và Hàn Quốc đang trở thành những “người” chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Người Mỹ đang mua hàng Trung Quốc ít hơn. Nhưng thay vì dựa vào các nhà sản xuất Mỹ, họ đang tránh lệnh áp thuế của Tổng thống Donald Trump bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp ở các nước Châu Á khác. Xu hướng này, đã xuất hiện trong suốt hơn 1 năm đàm phán thương mại không có hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh. Trong 5 tháng đầu năm qua, Mỹ nhập khẩu ít hơn 12% hàng hóa từ Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian 1 năm trước. Nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 36% và từ Đài Loan tăng 23%, Bangladesh tăng 14% và từ Hàn Quốc 12%. Mức thuế quan của ông Trump khiến hàng hóa tiêu dùng như mũ bóng chày, hành lý, xe đạp và túi xách được sản xuất tại Trung Quốc đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu Mỹ. Các loại thuế cũng đã đánh vào nhiều loại máy móc và hàng công nghiệp, bao gồm các bộ phận cho máy rửa chén, máy giặt, máy sấy và bộ lọc nước.

Tổng thống Trump, hồi tuần trước đã nói rằng, các cuộc đàm phán đã “trở lại đúng hướng” và mức thuế mới chưa được áp dụng sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản. Nhưng các chủ doanh nghiệp Mỹ vẫn lo ngại khi ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, vốn sẽ đánh vào điện thoại thông minh, đồ chơi, giày dép và cá. Tổng thống Trump đã đề nghị Bắc Kinh đồng ý thỏa thuận vì thuế mà ông áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc đang đẩy lùi hoạt động kinh doanh.

Nhưng không rõ liệu các Cty đang chuyển sản xuất vĩnh viễn ra khỏi Trung Quốc hay chỉ đơn giản là định tuyến lại hàng hóa để xử lý vấn đề tối thiểu trước khi được chuyển đến Mỹ. Cap America có trụ sở tại Missouri nhập khẩu phần lớn mũ bóng chày từ Trung Quốc. Cty đang thử một nhà cung cấp mới ở Bangladesh để tránh thuế quan, nhưng những đơn hàng đó sẽ chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nhập khẩu trong năm nay khi họ kiểm tra chất lượng. Khoảng 40% các Cty được Phòng Thương mại Mỹ và đối tác tại Thượng Hải khảo sát vào tháng 5 cho biết họ đang xem xét hoặc đã chuyển một số nhà sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vì thuế. Đối với những bên đã chuyển sản xuất, khoảng 1/4 chuyển sang Đông Nam Á. Ít hơn 6% cho biết họ đã tái định cư hoặc đang xem xét chuyển đến Mỹ.

Trong khi nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã tăng đáng kể trong năm nay, một số nhà sản xuất đã chuyển ra đến những nơi có mức lương thậm chí thấp hơn từ lâu trước khi ông Trump bắt đầu áp dụng thuế quan. Nhập khẩu của Mỹ từ các nước như Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua khi các nước này tăng cường sản xuất hàng may mặc và điện tử.

THANH VĂN