Những người con Khu 5 anh hùng

Thứ hai, 10/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày  26-7-2012, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho 29 cá nhân, trong đó có 3 đồng chí nguyên là Tư lệnh Quân khu 5 qua các thời kỳ: Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Phan Hoan và Trung tướng Nguyễn Trung Thu.

Lồng lộng giữa bình minh Ba Tơ

Chúng tôi đến kiệt số 32 Phan Đình Phùng (Đà Nẵng), một căn nhà Pháp cổ xưa, khá giản dị và yên tĩnh, nơi ở của Trung tướng Nguyễn Đôn, nguyên Tư lệnh Quân khu 5; Thứ trưởng BQP, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Phó ban Thanh tra Chính phủ; Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam khóa III, đại biểu Quốc hội khóa IV, Huân chương Hồ Chí Minh. Ông, chỉnh tề trong bộ đại lễ đón Bộ Tư lệnh Quân khu 5 do Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh và Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy đến tặng hoa chúc mừng.

 Trong ảnh: Trung tướng Phan Hoan (mặc lễ phục) với các cựu chiến binh Sư đoàn 350.

19 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt, đày lên căng an trí Ba Tơ. Tại đây, ông cùng với những đồng chí trung kiên lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945) và sau đó lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi (tháng 8-1945). Ở nơi bị giam lỏng, người thanh niên mới 24 tuổi đã sáng tạo in tài liệu cho Đảng bằng cách qua mắt địch, sắm chiếc thuyền con trên sông Liên, tự mày mò in hàng trăm trang tài liệu kêu gọi yêu nước. Cũng người cộng sản gầy yếu vì đói ăn và bệnh tật ấy đã nhìn xa trông rộng, thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, lặn lội lên núi Cao Muôn cắt máu ăn thề với già làng người Thượng, thuyết phục đồng bào nơi đây ủng hộ Việt Minh, xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên dậu vững vàng phía Tây Quảng Ngãi.

Là bậc “công thần khai quốc”, vị Trung tướng này lúc nào cũng toát lên sự giản dị, gần gũi, chí tình, chí nghĩa. Ông có sức thu hút rất lớn với người xung quanh. Những năm ông thôi chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để làm Trưởng ban Công tác miền Tây của T.Ư Đảng, người ta thấy đồng chí Kaysone Phomvihane, nguyên Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào coi ông như người thân thiết, thường xuyên đến thăm ông ở căn nhà 30-Lý Nam Đế, Hà Nội. Chuyện ông được Bộ Quốc phòng tặng chiếc Von-ga, một tài sản rất lớn lúc đó khi rời quân ngũ, nhưng ông đã tặng lại cho Quân khu 5 vẫn được nhiều người nhắc tới. Ông luôn dành nhiều thời gian thăm đồng đội, thăm các miền quê đã cưu mang ông trong chiến tranh. Những ai ở bên khi ông làm Tham mưu trưởng Liên khu 5 trong chống Pháp hay Tư lệnh Quân khu 5 sau này đều hết mực kính trọng ông, xem ông là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và đạo đức cao đẹp của người cộng sản. Người lính già trường chinh tuổi 94 nay vẫn là biểu tượng kỳ vĩ của bình minh Ba Tơ, in bóng dài trong tâm thức của nhiều thế hệ mai sau.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu (thứ 3 từ phải sang) với các nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2. 

Học ở chính quy và học ở “trường đời”

Nếu Trung tướng Nguyễn Đôn anh hùng với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, thì công trạng Trung tướng Phan Hoan được khẳng định bằng mốc son rực rỡ trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà. Dẫu rằng cả cuộc đời ông, từ khi làm Huyện đội trưởng Điện Bàn (Quảng Nam) trước năm 1954 đến Chủ nhiệm thông tin, Tham mưu phó Mặt trận B3 (Tây Nguyên), Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà, hai lần làm Tỉnh đội trưởng (Đắc Lắc và Quảng Nam - Đà Nẵng), hai lần làm Tư lệnh Mặt trận 579, làm quyền Tư lệnh Binh chủng Thông tin - liên lạc rồi làm Tư lệnh Quân khu 5 là một bản hùng ca tuyệt đẹp.

Đôi chân chắc nịch, dẻo dai của người trai vùng cát Điện Nam, Điện Bàn từng sải những bước dài trên dặm đường thiên lý của đất nước và xứ sở bạch dương nay đã phải di chuyển bằng sự trợ giúp của người thân. Cơn bạo bệnh năm 2005 ngỡ đã cướp đi tính mạng, vậy mà ông đã chiến thắng. Chiến thắng này có sức đề kháng từ những năm tháng gối đất nằm sương, từ nghị lực phi thường của người chiến sĩ cách mạng, của tình đồng đội đồng chí thủy chung, của sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền địa phương dành cho ông. Còn nhớ tháng 7-2005, khi ông bị tai biến mạch máu não, thập tử nhất sinh, trong hoàn cảnh Bệnh viện Quân y 17 không đủ điều kiện cứu chữa, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo thành phố thuê ngay một chuyến chuyên cơ để chở ông cùng các thầy thuốc và gia đình ra Bệnh viện 108 – Hà Nội phẫu thuật. Nhiều năm nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cử quân y thường xuyên túc trực, chăm sóc ông.

Ông là một trong những tướng lĩnh của Quân khu 5 được đào tạo khá bài bản và cả cuộc đời ông là một tấm gương học tập. Sinh năm 1927, bị áp bức bất công, đói khổ, ông vẫn theo học trường tỉnh, đỗ Primaire (đỗ tiểu học). Vào quân đội, ông được học ở Trường Lục quân Khu 5  rồi sau đó được cử sang Liên Xô học ở Học viện Thông tin. Ông học rất giỏi, năm nào cũng là học viên xuất sắc, được treo bảng vàng ở nhà trường nước bạn. Học chính quy chưa đủ, ông học “trường đời”, học thực tiễn, học đồng đội, đồng thời say mê nghiên cứu khoa học quân sự để phục vụ chiến trường. Nhờ được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng, có ý chí học hỏi không ngừng “không chỉ về quân sự, chính trị mà trong mọi lĩnh vực” nên Trung tướng Phan Hoan là người chỉ huy có kiến thức khá toàn diện. Không phải ngẫu nhiên, ông là người làm Tư lệnh Quân khu lâu nhất – 10 năm.

Cây xương rồng trên cát

Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), xã ba lần anh hùng, mảnh đất đã đi vào huyền thoại trong đánh Mỹ không phải quê gốc của Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Tư lệnh Quân khu 5. Quê gốc ông ở P. Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Nhưng Bình Dương là nơi ông đã sống cả quãng đời ấu thơ rồi sau đó vào bộ đội. Bằng phong tặng anh hùng LLVTND, thành tích của ông được ghi “nguyên du kích xã Bình Dương” là vì thế. Trong ký ức của nhiều người thì ông là cậu bé gầy ốm, mang cây súng AK bết đất, 11 tuổi mà đã mưu trí lấy lựu đạn của lính Mỹ mang về cho du kích. Năm 12 tuổi, trong một đêm, cậu bé ấy đã khôn khéo mở đường máu cứu sống 20 cán bộ chủ chốt của xã. Hai năm làm du kích, cậu bé Thu đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, cùng đồng đội tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ-Ngụy, nhiều lần bắn cháy máy bay, rồi xe tăng địch, vinh dự có mặt trong đoàn dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm miền Bắc, được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội... Khi là Chỉ huy Đoàn 5503 làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông luôn căn dặn chiến sĩ của mình giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm sao để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân nước bạn, thực sự là “đội quân nhà Phật” như đồng bào vẫn yêu mến gọi. Có lẽ vì thế mà bà mẹ Campuchia Phiu Ma Ly đã coi ông như con đẻ, thương yêu hết mực. Và câu chuyện về Tư lệnh Quân khu 5 tặng gia đình bức tượng bà mẹ Phiu Ma Ly bằng đá trắng Non Nước đã làm cho không chỉ nhân dân thành phố Strung-cheng cảm động mà nhiều người dân Campuchia biết đến.

Từ tuổi niên thiếu đã ngưỡng mộ bao hành động phi thường của những nữ du kích, giao liên Bình Dương đến khi vào bộ đội Sư đoàn 2, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Trung Thu được sống cùng các chị là nữ y tá, nuôi quân, tải đạn, càng cảm nhận hết sự hy sinh của họ cho tự do, độc lập của Tổ quốc. Điều đó, thôi thúc ông sau này có điều kiện phải đặc biệt quan tâm, tri ân các chị. Từ mô hình gặp gỡ và làm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2, Tiểu đoàn vận tải Bà Thao 232 do Tư lệnh Nguyễn Trung Thu khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt, đến nay tất cả các tỉnh trong Quân khu đều đã tổ chức gặp mặt và giúp đỡ các nữ cựu quân nhân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiếp tục dòng chảy ấy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã gặp mặt 300 nữ cựu quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng, với số tiền vận động, ủng hộ các chị lên đến 2,7 tỷ đồng, trở thành sự kiện lớn của cả năm 2011.

 Nguyễn Trung Thu- hoa xương rồng của mảnh đất Bình Dương, vẫn thế, khiêm nhường mà gan góc, lặng lẽ nở giữa cuộc đời quân ngũ, để lại dấu ấn không thể nào quên trong lòng CBCS lực lượng vũ trang Quân khu 5.

Bài, ảnh: Hồng Vân