Những người “giữ hồn” nếp nhà tranh đơn sơ quê Bác
16 năm giữ nếp nhà tranh quê Bác
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội Làng Sen,cứ vào tháng 3 hàng năm, đội thợ lợp tranh của ông Trần Đình Huệ (1958, trú xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) lại tổ chức thay mái tất cả những nhà tranh trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất chứa bao sự kỳ công, miệt mài kéo dài hàng tháng trời.
Ông Huệ kể, bản thân ông đã 16 năm gắn bó với công việc này.Từ lúc còn nhỏ, ông đã biết đan tranh. Bởi cuộc sống thời bấy giờ còn khó khăn, hầu hết các ngôi nhà đều được làm từ tranh lá nên ai cũng đan được tranh. Sau này, cuộc sống ngày càng được nâng cao, những mái nhà tranh được thay bằng nhà lợp ngói, tôn nên mọi người không còn đan tranh nữa. Năm 2008, trong một lần khu di tích có nhu cầu thay lại mái tranh cho những ngôi nhà, ông đã mạnh dạn nhận công việc này, rồi gắn bó đến nay.
“Mái tranh được làm từ tre và lá mía. Cây mía khi trưởng thành sẽ được những người thợ thu mua, tuyển chọn từng lá mang về phơi khô. Sau khi phơi khô, lá mía tiếp tục được đem phơi sương qua nhiều đêm để nở ra, có độ dai. Ngoài ra, muốn có được lá mía ưng ý, người thợ phải tự tay lựa chọn trong một thời gian dài. Lá phải vừa, không được già quá cũng không được non quá. Lá vừa đều thì tranh đánh lên sẽ bền hơn, sáng hơn”- ông Huệ cho hay.
Cũng theo ông Huệ, trong cách chọn tre, muốn có cây tre già, không bị mối mọt thì phải chặt vào tháng 3 hàng năm. Sau khi đo đạc kích thước cần dùng, người thợ sẽ chẻ tre thành từng thanh nhỏ đều tăm tắp. Thanh tre chẻ xong sẽ được đem hơ qua lửa rồi phơi khô, sau đó mới đem ngâm khoảng 15 ngày để chống mối mọt rồi mới vớt lên và đánh số theo thứ tự. Sau khi đan đủ số lượng khoảng 2.500 phiến tranh, ông và những người khác sẽ chọn ngày đẹp nắng để lợp mái.
Đây là công việc tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì.“Để thực hiện việc lợp tranh phải trải qua 4 công đoạn: chọn nguyên liệu, chẻ tre, đánh tranh và lợp tranh. Trong đó đánh tranh là công đoạn khó nhất bởi công việc đòi hỏi kỹ thuật khó, phải là những người 55 tuổi trở lên mới có thể làm được. Những người trẻ không làm được việc này vì không có kinh nghiệm, không biết đánh tranh. Bên cạnh đó, kỹ thuật chẻ tre cũng phải đều, đẹp, không dày quá cũng không mỏng quá, khi tranh lên khung mới đều, thẳng tắp. Hiện tại trong nhóm chuyên lợp tranh của tôi chỉ có 4 người có thể đánh tranh thì lại đều ở độ tuổi trên, dưới 70 tuổi. Hiện chúng tôi đang truyền nghề cho những người trẻ…”- ông Huệ chia sẻ thêm.
Dù đã 66 tuổi nhưng ông Trần Đình Huệ vẫn chưa có ý định nghỉ nghề đan tranh. Ông bảo “làm đến khi nào không còn sức thì nghỉ”. Bởi với ông, đây không đơn thuần là công việc mưu sinh mà là tấm lòng kính trọng, yêu quý vô bờ bến đối với Bác Hồ.
Phát huy, gìn giữ nét truyền thống trong Khu di tích
Hàng năm cứ vào dịp tháng 2, 3 là đội thợ ông Huệ (gồm 24 người) lại tất bật với công việc đan tranh và hoàn thành lợp mái trước 30-4. Đội thợ của ông Huệ phải mất cả tháng để lợp hết những mái nhà tranh trong khu di tích. Sau mỗi đợt lợp mái xong, họ chỉ nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi lại lao vào công việc thu mua lá mía, tích trữ những cây tre thẳng, dẻo lóng, dễ chẻ, không có đốt sâu, đem ngâm nước, sau một thời gian vớt lên chẻ thành nan để lợp tranh cho mùa sau.
Cũng bởi công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo nên dù trải qua gần 20 năm làm nghề này, ông Huệ không cho phép bản thân xuề xòa, cẩu thả. Bởi vậy, cán bộ di tích luôn dành cho ông sự tin tưởng. Mấy năm trở lại đây, do sự thay đổi cơ cấu cây trồng, ông phải đi lên các huyện miền núi Nghệ An như: Tân Kỳ, Con Cuông, Nghĩa Đàn tìm mua lá mía. Ông cho biết, lá mía ở đây đẹp, thẳng, khi đưa về lợp không bị nhô.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, trước đây, tầm 2 - 3 năm, Khu di tích mới thay mái tranh một lần. Nhưng gần 20 năm trở lại đây, do lá mía chịu nhiều hóa chất trong quá trình chăm sóc, chất lượng lá không còn đảm bảo như ngày xưa nên Khu di tích tổ chức trùng tu, thay mái tranh mỗi năm một lần vào trước dịp 30-4.Do các ngôi nhà trong khu di tích đều được làm từ gỗ, tre, lợp tranh lá mía nên khi chịu tác động của thời gian cùng khí hậu khắc nghiệt sẽ rất dễ hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy, công tác kiểm tra, tu bổ được Khu di tích triển khai thường xuyên.
Cũng theo ông Tuấn, hàng năm Khu di tích tổ chức hội thi đan tranh cho cán bộ nhân viên, mời những cụ cao niên trong nghề đến làm ban giám khảo và truyền đạt kinh nghiệm cho những người trẻ. Mục đích là để “sau này khi các cụ già không có khả năng làm thì sẽ có thế hệ trẻ tiếp nối việc đan và lợp tranh, đảm bảo công tác gìn giữ nét truyền thống trong Khu di tích” – ông Tuấn chia sẻ thêm.
Dương Hóa