Kỷ nguyên du lịch Nam Đàn
Bài 1: Chuyển mình
Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hóa, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trở thành “điểm sáng” của tỉnh, mở kỷ nguyên mới về du lịch.
Những lợi thế “vàng”
Nam Đàn được mệnh danh là “Mảnh đất trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”. Là huyện nằm ở phía đông của tỉnh Nghệ An, ở hạ lưu sông Lam - vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng địa thế sơn thủy hữu tình với hệ thống sông, núi, hồ đập đa dạng. Đặc biệt, nơi đây có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng như: Sông Lam, hồ Tràng Đen, hồ Thanh Thủy, núi Đại Huệ gắn với chùa Đại Tuệ và khu mộ bà Hoàng Thị Loan, núi Thiên Nhẫn, thác Hồ Thành gắn với thành đá chạy dài hàng trăm mét gọi là Thành Lục Niên... Bên cạnh đó, với diện tích rừng bao phủ tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là lợi thế để Nam Đàn khai thác du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm vườn đồi, trang trại.
Hiện Nam Đàn vẫn còn lưu giữ được 173 di tích, danh thắng, trong đó có 162 di tích lịch sử văn hóa. Trong số đó, có 41 di tích đã xếp hạng bao gồm 3 di tích cấp Quốc gia Đặc biệt là Khu di tích Kim Liên, Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu và Đình Hoành Sơn; 13 di tích cấp Quốc gia và 25 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài hệ thống di tích đã được xếp hạng, trên địa bàn huyện còn có hệ thống các chùa lớn vừa được bảo tồn như chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, chùa Hà, chùa Vĩnh Phúc... Đặc biệt là đền Chung Sơn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia tiên của Người vừa được khánh thành tạo thành điểm đến không thể thiếu khi du khách về với Nam Đàn.
Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử Nam Đàn cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó có những nghề nổi tiếng như: Tương Nam Đàn, Bún gạo Quy Chính, Mộc Tây Hồ, nghề nuôi tằm dệt vải, nghề làm bánh đúc, bột sắn dây, tinh bột nghệ Nam Anh. Đặc biệt, các sản phẩm được chế biến từ sen tại Kim Liên đã trở thành điểm nhấn của Nam Đàn. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, phát triển, người dân Nam Đàn đã tự tạo cho mình những món ăn trở thành đặc sản mang thương hiệu nổi tiếng như: me thui Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, Hến, cá mòi sông Lam, gà Nam Thái, nghé thui cầu Mưng...
Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể huyện Nam Đàn cũng là nơi sản sinh và lưu giữ hệ thống văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Nam Đàn là một trong những nơi khởi nguồn của làn điệu dân ca Ví, Giặm - di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó hàng năm trên địa bàn huyện diễn ra nhiều lễ hội lớn nhỏ như: Lễ hội đền Vua Mai, lễ hội đền Nhạn Tháp, lễ hội đình Trung Cần, lễ hội đền Tồng Tất Thắng...
Bởi vậy, mỗi điểm dừng chân trong chuyến hành trình về với Nam Đàn sẽ là một khám phá thú vị, tạo nên nét hấp dẫn, lắng đọng khó phai trong lòng du khách.
Bước chuyển mình
Với những tiềm năng đa dạng, phong phú, thời gian qua, Cấp ủy huyện Nam Đàn đã ban hành các Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện cho từng giai đoạn. Trong đó quan tâm giá trị phát triển du lịch bền vững, mà điểm nhấn là đảm bảo các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với môi trường sinh thái, phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, dịch vụ, tạo sinh kế cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa và an ninh quốc phòng tại các điểm du lịch trọng tâm.
Cùng với việc được Chính phủ thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, Nam Đàn còn phối hợp với tổ chức phi chính phủ JICA Nhật Bản, tiến hành đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục cho Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm; nghiên cứu, khảo sát các sản phẩm nông nghiệp sản xuất thành hàng hóa phục vụ du khách.
Để tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh trong việc phát triển du lịch, Sở Du lịch tỉnh, huyện Nam Đàn, TP Vinh, thị xã Cửa Lò đã ký kết Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến và môi trường du lịch trong đó chú trọng các nội dung như: Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, phối hợp tuyên truyền quảng bá điểm đến, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, phối hợp giao lưu văn hóa và tổ chức các sự kiện, xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, mến khách. Sự phối hợp trên với mục đích xây dựng các điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng.
Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, hiện huyện đã xây dựng quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch các vùng điểm du lịch theo 4 cụm chính gồm: Vùng Liên – Giang – Cát tập trung chủ yếu đón khách du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng và tâm linh; Vùng Anh – Thanh – Nghĩa tập trung chủ yếu là du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm; Vùng Thị trấn và các điểm phụ cận theo hướng du lịch tâm linh, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực; Vùng hữu ngạn sông Lam tập trung khai thác du lịch cộng đồng gắn với chiêm ngưỡng các di sản văn hóa vật thể.
Hiện Nam Đàn đang hướng tới mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp; hệ thống phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch phong phú, có thương hiệu, uy tín; xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Với những quyết tâm trên, Nam Đàn đang trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến mang tầm quốc gia.
(còn nữa) Dương Hóa