Những người lưu giữ di sản Hán Nôm

Thứ năm, 25/02/2016 09:30

(Cadn.com.vn) - Với mong muốn tìm hiểu về lịch sử địa phương, gia đình, cội nguồn dòng họ qua các thư tịch cổ, qua câu đối, hoành phi... được thể hiện bằng chữ Hán Nôm, một nhóm  cựu chiến binh (CCB), cán bộ hưu trí, những người am hiểu và đam mê nghiên cứu Hán Nôm tại P. Hòa Thuận Tây (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã đứng ra thành lập “Nhóm tự học Hán Nôm”. Ban đầu chỉ có 4 thành viên, nhưng đến nay, qua 10 năm tồn tại và phát triển, nhóm đã quy tụ gần 100 thành viên và vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu, trở thành “Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng” (trực thuộc Hội Khuyến học thành phố). 10 năm qua, Trung tâm đã có đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa; thẩm định giá trị của các nguồn tư liệu cổ, quý hiếm của đất nước...

Đại tá Huỳnh Phương Bá (người chỉ tay), Giám đốc cùng các hội viên Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng sinh hoạt, trao đổi về câu đối bằng Hán Nôm nhân dịp Rằm Nguyên tiêu 2016.

Nơi hội tụ niềm đam mê Hán Nôm

“Hơn 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn trường tồn, không bị đồng hóa. Ta đã tiếp thu, sử dụng chữ Hán theo cách của ta. Đọc chữ Hán theo âm Hán Việt, tạo ra những từ mới, làm giàu tiếng Việt và biết dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm nhằm ghi âm tiếng Việt. Kho tàng văn học chữ Hán, chữ Nôm do cha ông ta để lại thật phong phú, không một dòng họ nào mà không có văn bản Hán Nôm. Là con cháu đời sau, ta phải biết nâng niu, trân trọng những tài sản vô giá mà cha ông ta để lại”, Đại tá Huỳnh Phương Bá (nguyên Phó Cục trưởng chính trị, Cục Kinh tế Quân khu V), Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng nhìn nhận. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học Hán Nôm, đầu năm 2006, 4 cán bộ hưu trí, CCB tại P.Hòa Thuận Tây đã tổ chức thành lập “Nhóm tự học Hán Nôm” do Đại tá Huỳnh Phương Bá làm nhóm trưởng. “Qua một năm sinh hoạt, học tập, nhận thấy đây là việc làm thiết thực và phát huy hiệu quả, Hội Khuyến học phường đã ra quyết định thành lập “Nhóm tự học Hán Nôm”, trực thuộc Hội Khuyến học phường, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 lần (vào mồng một và ngày rằm hàng tháng)”, Đại tá Huỳnh Phương Bá cho biết thêm.

Vì học chữ Hán Nôm rất khó, yêu cầu lớn nhất đó là phải có niềm đam mê nên thời gian đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau đó không lâu, việc dạy và học có kết quả, nhất là khi nhóm tổ chức tặng cho các trường học trên địa bàn các tác phẩm “Nam quốc sơn hà”, “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ” bằng cả chữ Hán, phần phiên âm và dịch nghĩa do học viên của Nhóm viết thì “tiếng tăm” của nhóm bắt đầu nổi lên. Qua theo dõi việc học tập, sinh hoạt của nhóm, Quận hội Khuyến học Q.Hải Châu thấy cần mở rộng việc tổ chức học tập ra phạm vi toàn quận nên ngày 11-3-2007 đã ra quyết định thành lập “CLB Hán Nôm” trực thuộc Quận hội Khuyến học Hải Châu. “Tiếng lành đồn xa”, ngay sau đó CLB đã tiếp nhận được nhiều thành viên mới, đến từ các Q.Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu..., thậm chí còn có sự tham gia của nhà viết thư pháp Phạm Đức Hồng ở Hội An, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Hà ở Thăng Bình, Nguyễn Hiền ở Duy Xuyên (Quảng Nam); các giáo viên dạy Hán Nôm và Trung văn tại các trường đại học, nhà nghiên cứu Hán cổ Nguyễn Đức Thắng tìm đến, càng tăng thêm chất lượng của CLB trong việc học tập, nghiên cứu, biên dịch...

Do phạm vi thu nhận hội viên mở rộng trong và ngoài thành phố, CLB không chỉ tổ chức sinh hoạt, trình bày các văn bản Hán Nôm mà còn tổ chức học tập theo các chương trình giảng dạy Hán Nôm ở các trường cao đẳng, đại học cho tất cả hội viên. Vì vậy, Hội Khuyến học thành phố do Chủ tịch Hội Phạm Đình Hảo cùng bàn bạc và đi đến thống nhất thành lập “Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng” vào ngày 9-7-2012.

Cô Đoàn Thị Đức Hạnh (1969), trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu cho biết: Vì rất thích học, nghiên cứu Hán Nôm nên khi biết đến Trung tâm này, cô đã xin theo học và trở thành thành viên tích cực của trung tâm. “Ban đầu học Hán Nôm rất khó, hơn nữa tuổi tác ngày càng cao, trí nhớ có phần giảm sút nên cũng có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, do niềm đam mê thôi thúc nên mới kiên trì cho đến ngày nay và chắc chắn nhiều năm sau nữa. Có học mới biết được ông cha ta đã để lại nhiều kho tàng, tư liệu quý báu, vô giá cho đời sau”, cô Hạnh thổ lộ.

Địa chỉ tin cậy

Ngay sau khi thành lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, cuối năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL mời chuyên gia Trung tâm thẩm định giá trị của nguồn tư liệu tuồng cổ của gia đình cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân; ký hợp đồng với Bảo tàng Đà Nẵng để dịch các văn bản Hán Nôm liên quan đến cụ Phạm Phú Thứ và gia đình... Công việc được các thành viên trung tâm tích cực triển khai và hoàn thành, được lãnh đạo thành phố ghi nhận, đánh giá cao. “Đặc biệt khi phát hiện một số sai sót về những trích dẫn, dịch thuật, thẩm định văn bản chữ Hán Nôm trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND H. Hoàng Sa phát hành vào năm 2012, trung tâm đã báo cáo cho UBND huyện và Hội Khoa học lịch sử thành phố. Ngay sau đó, UBND H. Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử đã tổ chức buổi làm việc với trung tâm và đi đến kết luận: Những nội dung mà trung tâm đưa ra đều có cơ sở và đã được sửa chữa, thay đổi trong lần tái bản Kỷ yếu vào năm 2014”, Đại tá Huỳnh Phương Bá tiết lộ.

Trong 10 năm thành lập đến nay, trung tâm đã tham gia dịch miễn phí hàng trăm gia phả, chúc thư, sắc phong, chiếu dụ của các gia tộc ở khắp các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mà dòng tộc có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung. Qua đó phát hiện ra nhiều điều lý thú về nguồn gốc gia tộc mà con cháu đời sau không ai đọc, hiểu được. Ngoài việc dịch thuật, nghiên cứu các văn bản cổ, đầu năm 2012, trung tâm đã mở lớp dạy Hán Nôm cho gần 40 học viên. Qua 3 năm học, lớp Hán Nôm đầu tiên đã bế giảng và hầu hết các học viên đều được trang bị những kiến thức cơ bản, thậm chí thành thạo trong việc đọc, viết và nghiên cứu các văn bản Hán Nôm được lưu truyền. Được biết, vào ngày 27-2 sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở lớp thứ hai nhằm dạy chữ Hán Nôm miễn phí cho tất cả các đối tượng có nhu cầu.

Doãn Hùng