Những người Mẹ anh hùng ở đôi bờ Bến Hải
Nhà Mẹ VNAH Ngô Thị Mừng (81 tuổi) ở bắc dòng Bến Hải thuộc thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, H. Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ nơi cuối dòng sông lịch sử này ngó sang bờ nam thấy rõ làng Nam Sơn, xã Trung Giang, H.Gio Linh. Ở đó cũng có người mẹ anh hùng Trần Thị Liền (87 tuổi) chưa phút giây nào nguôi nhớ chồng con đã xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Đã gần 50 năm, Mẹ VNAH Ngô Thị Mừng vẫn mong mỏi tìm thấy hài cốt chồng. |
Chúng tôi đến Tân Mỹ thăm mẹ Mừng. “Cứ thấy khách lạ là Mạ (mẹ) tui liền nghĩ có người đưa tin về hài cốt chồng. Chưa kịp hỏi Mạ đã chảy nước mắt. Biết bao lần rứa, thinh lặng mà đau theo Mạ chứ biết răng đây chừ”, vợ anh Nguyễn Văn Nam, người con trai còn lại duy nhất của mẹ Mừng chia sẻ, dặn khéo chúng tôi tránh gợi nhắc nỗi đau thương chưa bao giờ cũ ấy. Đôi mắt đã mờ, lắm lúc lẫn chuyện nhưng nhớ thương về người chồng là Nguyễn Văn Tuân can trường vẫn vẹn nguyên trong ký ức mẹ. Gặp nhau ở bên bờ bắc con sông giới tuyến, lúc ấy mẹ là cô gái đôi mươi tham gia cách mạng tại xã Vĩnh Giang còn ông là chiến sĩ CA vũ trang làm nhiệm vụ ở Đồn Cửa Tùng. Tình yêu của người lính biên phòng với cô gái nết na, dũng cảm lớn dần theo tháng năm. Sau ngày cưới, ông tiếp tục được điều động lên Đồn Hiền Lương, nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn. Đến năm 1967, khi đứa con thứ 2 còn nằm nôi thì ông nhận được lệnh vào chiến đấu tại Quảng Nam. Thư ra, thư vào được đôi bận, đến năm 1969, mẹ nhận tin dữ chồng đã hy sinh tại Quế Sơn, Quảng Nam. Thương hai con còn nhỏ dại đã mồ côi cha, mẹ đau xé tâm can. Ngày đất nước thống nhất, nam bắc sum họp, nhiều lần mẹ lặn lội vô Quảng Nam tìm hài cốt chồng nhưng đều vô vọng. Năm 1979, khi con trai đầu là anh Nguyễn Văn Trung tròn 20 tuổi, mẹ lại tiễn con lên đường nhập ngũ vào biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc. “Cha con đã anh dũng chiến đấu, chừ con đi cũng phải rứa, nhưng nhớ giữ gìn để về với Mạ, với em nghe con”, mẹ nén nỗi lo lắng vào lòng để con mạnh bước lên đường. Ngày ngóng đêm mong, rồi chỉ một thời gian sau mẹ nhận được tin người con ấy cũng đã hy sinh ở đất rừng Tây Ninh. Mẹ ngã quỵ khi hay tin dữ, rồi lại gượng dậy khăn gói vào Tây Ninh tìm hài cốt con nhưng nào có thấy. Mãi tận năm 1993, hài cốt Liệt sĩ Trung mới được phát hiện, cất bốc đưa về quê an táng. “Lúc đó, Mạ ở nhà đợi chứ không còn sức để đi xa tới đó nữa”, người con dâu nghẹn ngào kể.
Vì mưu sinh, vợ chồng anh con trai út vào tận mỏ đá Tân Lâm (H. Cam Lộ) làm công nhân. Thương con vất vả, mẹ cũng muốn vào đó nhưng lại sợ có ai tìm đến báo tin tìm thấy về hài cốt chồng nên mẹ không rời làng nửa bước. 10 năm lại đây, vợ chồng anh Nam nghỉ việc về quê, con cháu sum vầy, mẹ Mừng khuây khỏa hơn. “Không biết tui có đợi được đến ngày đón ông ấy về...”, giọng mẹ buồn thẳm. Giọt nước mắt của mẹ Mừng khiến lòng chúng tôi như chùng xuống trên con đường sang bờ nam Bến Hải. Được biết, thời gian qua, Hội Phụ nữ CA tỉnh Quảng Trị đã dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc mẹ Mừng cũng như Mẹ VNAH Trần Thị Liền mà chúng tôi đang tìm đến.
Mẹ VNAH Trần Thị Liền vẫn chưa có ngôi nhà vững chãi để yên tâm mùa mưa bão về. |
Nếu như ngôi nhà mẹ Mừng vừa được tu sửa có phần khang trang hơn thì nhà mẹ VNAH Trần Thị Liền chật chội và xuống cấp nghiêm trọng. Mẹ từ vườn sau chạy vào khi nghe đứa cháu báo có khách, tưởng có người đến báo tin mong đợi từ lâu. “Hài cốt bác Dinh, con trai của Mạ hy sinh vào năm 1981 tại Tây Ninh đến chừ đã tìm thấy mô, Mạ cứ khắc khoải rứa đó”, chị Thủy, con dâu út mẹ Liền cho biết. Cũng như mẹ Mừng, chồng mẹ Liền là ông Hoàng Dỏ, xã đội trưởng hy sinh ngay tại quê nhà Trung Giang vào năm 1968. “Lúc đó mấy mạ con tui đang sơ tán ngoài Hà Tĩnh, bom đạn ác liệt có quay vô kịp mô. Cũng trước đó chưa lâu, bác Hoàng Ba, anh trai chồng cũng hy sinh rồi...”, mẹ Liền nhớ lại trong nước mắt và gợi thêm nỗi đau mà mẹ chồng là Đặng Thị Bân đã trải qua. Năm 2014, mẹ Đặng Thị Bân được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Cùng đợt này, mẹ Liền cũng được phong tặng danh hiệu cao quý ấy.
Hiện mẹ Liền sống với người con trai út là anh Lệ, người thờ phụng cả 3 liệt sĩ là ông nội, bác ruột và cha. Vợ chồng anh Lệ mưu sinh nơi cửa biển, đời ngư dân cũng lắm khó khăn. “4 đứa con đi học, muốn làm lại cái nhà mà đang bấn quá. Vừa rồi Nhà nước có hỗ trợ cho Mạ tui 40 triệu đồng nhưng vợ chồng tui tính chờ dành dụm thêm kinh phí rồi nhận một thể, sửa sang nhà cho đàng hoàng. Mùa nắng còn đỡ chứ mưa bão ri cứ thấp thỏm, thương Mạ tui lắm”, chị Thủy ngậm ngùi...
Chúng tôi chia tay ngôi nhà có 2 Mẹ VNAH khi cơn áp thấp đang hướng vào ven biển Quảng Trị. Gió, mưa dữ dội rứa, Mẹ lại chạy trú tránh nơi nao...
BẢO HÀ