Những "nhà báo áo xanh"
(Cadn.com.vn) - Chuyện làm báo đối với các nhà báo chuyên nghiệp trong lực lượng BĐBP đã vất vả, nhưng với những "nhà báo" không chuyên còn vất vả hơn nhiều. Để có bài viết hay, tin tức nóng hổi hay các phóng sự sinh động, các anh phải thức khuya dậy sớm, vượt đèo lội suối, "ăn rừng, ngủ núi", miệt mài tận tụy với công việc và trăn trở với từng con chữ... Tuy nhiên, với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết của những người lính Biên phòng, các anh đã vượt qua khó khăn, vất vả để mang đến cho bạn đọc những hình ảnh chân thực nhất, phản ánh sinh động đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên các vùng biên giới, biển đảo xa xôi của Tổ quốc.
Nhớ về những ngày đầu chập chững bước chân vào "làng báo", Thiếu tá Nguyễn Văn Huệ bộc bạch: "Mình vốn dĩ là một người lính Biên phòng, có biết viết lách gì đâu. Trong thời gian làm việc ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa, mình được cấp trên giao nhiệm vụ tổng hợp những nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo để tuyên truyền cho CBCS và ngư dân các xã, phường ven biển. Do hàng ngày được tiếp xúc với nhiều loại báo chí, tài liệu nên mình cũng học hỏi được chút ít kinh nghiệm. Từ đó mình rất thích viết. Tuy nhiên, do lúc đầu chưa biết cách viết tin, bài thế nào nên thường viết dài dòng và không đúng chủ đề, các báo đều không đăng. Nhưng mình vẫn không nản chí, tiếp tục viết và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những nhà báo chuyên nghiệp".
"Nhà báo" Nguyễn Văn Huệ đang tác nghiệp tại vùng biển Khánh Hòa. |
Đầu năm 1993, trong một lần xuống đơn vị cơ sở công tác, với những rung động và ghi nhận của mình, "nhà báo" Nguyễn Văn Huệ đã viết bài "Thăm đồn biên phòng ven biển" và được in trên báo Khánh Hòa. Cầm tờ báo có in bài của mình trên tay, anh chạy đi khoe khắp các phòng, ban cơ quan, người thân và gia đình. Và cũng từ bài báo đầu tiên đó, anh thấy mình như "mắc nợ" với nghiệp báo vậy. Chính sự tình cờ này đã tạo điều kiện cho anh học hỏi, tìm hiểu thêm về cách viết báo, chụp ảnh báo chí. Với anh, tuy không được đào tạo bài bản về báo chí nhưng đó chưa bao giờ là rào cản ngăn anh thể hiện tình yêu mãnh liệt với nghề báo. Hiện nay, "nhà báo" Nguyễn Văn Huệ không chỉ là cộng tác viên đắc lực của nhiều tờ báo.
Đối với Thiếu tá Nguyễn Văn Huệ, việc đến với nghề báo là một duyên nợ thì đối với với Đại úy Trần Quốc Vũ, Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa thuộc Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh Quảng Nam thật tình cờ. Cuối năm 1999, trong trận Đại hồng thủy nhấn chìm hầu hết làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn của người dân Quảng Nam, "Tổ công tác đặc biệt" của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam thành lập để kịp thời theo chân các đoàn quân của BĐBP tham gia cứu hộ cứu nạn nhân dân Quảng Nam. Vũ được Tổ trưởng "Tổ công tác đặc biệt" Trần Hoàng Anh (hiện là phóng viên Báo Biên phòng) chọn làm người chuyên chép lại các tin, bài, phóng sự để kịp gửi đi các tờ báo và Đài Truyền hình Việt Nam (do mưa lũ nên điện lưới bị cắt hoàn toàn, không thể trình bày bằng cách đánh máy vi tính). Thấy việc làm báo "hay hay", Vũ xin đi làm theo. Kể từ đó, anh say nghề lúc nào không biết và trưởng thành vượt bậc trong làng báo. Tuy là "nhà báo" không chuyên nhưng những tác phẩm của Vũ luôn đạt giải cao trong các cuộc thi do Quân đội, BĐBP và tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Hoàng Anh