KỶ NIỆM 20 NĂM ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Những nhịp cầu đưa Đà Nẵng "vươn mình"

Thứ hai, 26/12/2016 10:21

* Bài 1: Khát vọng "hóa Rồng"

(Cadn.com.vn) - Đã qua rồi thời Đà Nẵng với làng chài heo hút ven sông Hàn, những khu nhà "ổ chuột" nhếch nhác... Sơn Trà (quận 3), Ngũ Hành Sơn "nhà không số, phố không tên", giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới với những đô thị khang trang, hiện đại. Có được thành quả ấy, không chỉ người dân gốc Đà Nẵng, mà những ai từng sống, làm việc ở thành phố biển này đều hiểu rằng: gần 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thể hiện khát khao "vươn ra biển lớn", trong đó có việc phát lệnh xây dựng hàng loạt cây cầu...

Từ cây cầu Sông Hàn đầu tiên đến những cây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn
thể hiện khát vọng "hóa Rồng" của chính quyền, nhân dân thành phố.

Theo tương truyền, TP Đà Nẵng được hình thành bởi một quả trứng rồng. Ngũ Hành Sơn linh thiêng được hình thành bởi vỏ trứng rồng tách ra, còn chú Giao Long con nở ra đã tìm đường xuống biển, tạo nên dòng sông Hàn huyền thoại. Có lẽ từ truyền thuyết ấy, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng luôn ấp ủ khát vọng "hóa Rồng". Biến khát vọng thành hành động phải kể đến lễ khởi công xây dựng những nhịp cầu qua sông, tạo "cú hích" phát triển kinh tế...

Thời điểm này, Đà Nẵng đang chuẩn bị những phần việc cần thiết để năm 2017 chuẩn bị lễ kỷ niệm 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương. Gần 20 năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng rất nhiều cây cầu bắc qua sông. Mỗi cây cầu được ví như một "chú Rồng nhỏ", in đậm kiến trúc riêng. Cây cầu đầu tiên bắc qua sông - cầu Sông Hàn đã được chính quyền Đà Nẵng phát lệnh khởi công xây dựng năm 1997 sau khi trở thành TP trực thuộc Trung ương. Dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-2000), dòng người nô nức kéo tới đôi bờ chung vui lễ khánh thành, đưa công trình vào sử dụng, trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Đây cũng là biểu tượng của lòng dân, bởi có được cây cầu hiện đại có sự đóng góp công góp của của nhân dân. Đây là cây cầu quay đầu tiên kể đến thời điểm này do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công. Công trình ra đời  đánh dấu bước đột phá mới và là "cú hích" đầu tiên về quy hoạch của TP trên con đường phát triển.

Tiếp tục cho định hướng phát triển KT-XH, tạo đầu mối giao thương với các vùng lân cận, từ việc thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VI năm 2001, hàng loạt cây cầu mang dấu ấn riêng, độc đáo nối đôi bờ sông Hàn cũng lần lượt ra đời. Trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng TP cách đây 7 năm (29-3-2009), dự án cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Tiên Sa-cầu Thuận Phước cũng đưa vào sử dụng, trở thành "cánh tay" nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa, Trường Sa, như con "Giao Long" vươn mình, làm đòn bẩy cho sự phát triển của TP trên đường vươn ra biển lớn.

Cầu Thuận Phước ra đời, trở thành "cánh tay nối dài"
từ quận Hải Châu qua eo biển đến Sơn Trà.

Trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước, Đà Nẵng tiếp tục cho khởi công dự án cầu Rồng với mức dự toán lên đến 1.500 tỷ đồng. Công trình kết nối đô thị trung tâm xuyên tuyến biển Sơn Trà. Được thiết kế hình ảnh con rồng với cái đầu ngẩng cao kiêu hãnh, thân hình uốn lượn như đang "bay" ra hướng biển; có thiết kế đài phun nước, phun lửa kèm theo hệ thống đèn chiếu sáng, công trình được xem là điểm nhấn kiến trúc của TP, trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua cho du khách khi đến Đà Nẵng. Trong ngày khánh thành cầu Rồng (29-3-2013), dự án cầu Trần Thị Lý - một kiến trúc cầu độc đáo khác cũng được đưa vào sử dụng trước niềm vui bất tận của nhân dân TP. Công trình đẹp, lạ, như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển với dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam, trở thành đòn bẩy kích thích hơn sự phát triển của TP đang phát triển năng động; nối liền Q. Hải Châu, Q. Sơn Trà và Q. Ngũ Hành Sơn, cầu Trần Thị Lý góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng. Cây cầu ra đời, chỉ chưa đầy 10 phút đồng hồ từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng băng qua, du khách sẽ đón nhận được những làn gió biển mằn mặn, thả mình trên những bờ cát trắng miên man và đắm say trong biển sóng xanh rì rào trên bãi biển Mỹ Khê - một trong những bãi biển được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Gần 20 năm không phải là quãng thời gian quá dài khi hàng loạt cây cầu được xây dựng, nối đôi bờ Hàn Giang. Đó là những nhịp cầu đong đầy cảm xúc, có được sự đồng thuận của ý đảng, lòng dân. Hình ảnh những khu nhà "ổ chuột", "nhà chồ" với những kiếp người lầm lũi mưu sinh nơi cửa biển năm xưa, nay chỉ còn trong ký ức. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, tâm sự: Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá, và ngành GTVT vinh dự được TP giao nhiệm vụ triển khai và hoàn thành những công trình trọng điểm, có yêu cầu cao về kỹ thuật, kiến trúc tiên tiến, tạo những dấu ấn riêng, trong đó có dự án những cây cầu qua sông. "Khác xa hình ảnh của những năm trước giải phóng - phương thức tổ chức hoạt động giao thông ở Đà Nẵng của ông cha ta chỉ dựa vào sông, biển, gió mùa để làm tăng thêm tốc độ và năng lực vận tải của con người. Đường bộ thì chủ yếu là đường mòn, đường đất cho người đi bộ gánh gồng; trâu, bò, voi ngựa thồ kéo... Hôm nay, Đà Nẵng đã khoác trên mình một cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại với những cây cầu vượt sông, nối những con đường, đại lộ thênh thang, dài tít tắp. Mỗi công trình cầu đều để lại dấu ấn rất riêng về kiến trúc, làm say mê bao trái tim du khách đến tham quan, thưởng lãm" - ông Trung nói...

Công Hạnh
(còn nữa)