Những "ông lớn" trong cuộc đối đầu Mỹ – Iran
Khi căng thẳng sôi sục kéo dài giữa Mỹ và Iran ở Trung Đông, hãy nhìn vào các nước hoặc các nhóm có liên quan, và những gì có thể xảy ra.
Các tay súng Houthi tuần hành trong một cuộc huy động lực lượng chiến đấu chống lực lượng thân chính phủ ở Sanaa, Yemen. |
Mỹ
Mỹ có hàng chục ngàn binh sĩ nằm rải rác trên các căn cứ quân sự ở Trung Đông. Gần đây, Washington điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln và các đơn vị tấn công tới khu vực, cũng như máy bay ném bom B-52. Lực lượng này bổ sung cho các tàu chiến của Hạm đội 5 ở Bahrain, các binh sĩ của Quân đội Mỹ ở Kuwait, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ tại Qatar.
Tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công hủy diệt Iran nếu Tehran mở cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ trước. Tuy nhiên, ông Trump cũng đã có lúc tìm cách dịu giọng trong chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Tehran, đi kèm với các biện pháp trừng phạt bổ sung mà Washington áp đặt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đạt được với các cường quốc thế giới. Các nhà phân tích lo ngại, những tính toán sai lầm của Iran hoặc Mỹ trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay. Washington hiện cũng đang phát triển khả năng chiến tranh mạng.
Israel
Mặc dù Israel im lặng giữa những căng thẳng gần đây, nhưng nước này đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy khu vực rơi vào tình huống như hiện nay.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người coi Iran là kẻ thù lớn nhất hoan nghênh việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và khuyến khích các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Tehran. Các quan chức Israel cho rằng, bế tắc là vấn đề chính đang tồn tại giữa Iran và Mỹ, nhưng nếu chiến sự nổ ra, Israel có thể bị nhắm đến bởi các nhóm ủng hộ Iran trong khu vực, như Hezbollah ở Lebanon hoặc nhóm Islamic Jihad ở Gaza. Israel có quân đội mạnh nhất và tiên tiến nhất ở Trung Đông, với máy bay chiến đấu F-15 và F-16, cũng như máy bay chiến đấu F-35 thế hệ tiếp theo. Tel Aviv cũng có tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa tầm xa. Israel được cho là có kho vũ khí hạt nhân, điều mà nước này không khẳng định cũng không phủ nhận. Tel Aviv hiện cũng đang phát triển khả năng chiến tranh mạng.
Saudi Arabia
Là đối thủ của Iran, Saudi Arabia từ lâu đã theo dõi Teheran với đầy sự nghi ngờ kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Quan hệ nguội lạnh có lúc đã ấm lên trong 4 thập kỷ qua. Việc Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 khiến Saudi Arabia tức giận. Kể từ khi Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman đầy quyết đoán nắm quyền cai trị đất nước, vương quốc này có một đường lối chiến đấu xa hơn. Riyadh phát động cuộc chiến ở Yemen, nhắm vào phiến quân Houthi, đồng minh của Iran. Thái tử Mohammed từng so sánh lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei với Adolf Hitler của Đức Quốc xã. "Chúng tôi sẽ không chờ đợi trận chiến diễn ra ở Saudi Arabia. Thay vào đó, chúng tôi sẽ nỗ lực để trận chiến dành cho họ ở Iran, chứ không phải ở Saudi Arabia", Thái tử cho biết trong cuộc phỏng vấn với MBC vào năm 2017. Một nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia cho biết vương quốc này không muốn chiến tranh nhưng sẽ không ngần ngại tự bảo vệ mình trước Iran. Riyadh có một hạm đội gồm hơn 250 máy bay chiến đấu có khả năng thực hiện một cuộc tấn công vào Iran.
UAE
UAE có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Iran, nhưng quan hệ ngoại giao giữa Abu Dhabi và Tehran đã xấu đi trong những năm gần đây.
Các nhà phân tích tin rằng, thái tử quyền lực của Abu Dhabi, Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, phần lớn điều hành công việc hàng ngày và chiến lược quân sự. Trong các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ do WikiLeaks công bố, Sheikh Mohammed đã vẽ ra một bức tranh tàn khốc về Iran trong nhiều cuộc họp. Ông nói với các nhà ngoại giao Mỹ vào năm 2009 rằng, ông tin "địa ngục sẽ vỡ ra" nếu Iran chế tạo được bom nguyên tử, cùng với việc Ai Cập, Saudi Arabia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, điều này sẽ kích động cuộc xung đột giữa người Sunni và Shiite trên toàn thế giới. UAE dưới thời Sheikh Mohammed đã nhanh chóng hiện đại hóa và mở rộng quân đội, các lực lượng đặc nhiệm của nước này có được kinh nghiệm khi chiến đấu ở Afghanistan.
Iran
Iran có cả quân đội thường trực và Lực lượng bảo vệ cách mạng bán quân sự. Ước tính lực lượng quân đội của nước này có tới hơn 500.000 quân, cùng với hàng trăm nghìn quân dự bị.
Không quân Iran, đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, hiện có một phi đội máy bay chiến đấu chủ yếu có từ trước năm 1979. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì một kho tên lửa đạn đạo có khả năng vươn ra khắp Trung Đông, cũng như hạm đội máy bay không người lái ngày càng hiện đại. Iran đã thực hiện các cuộc tấn công bằng con người trong cuộc chiến năm 1980 với nước láng giềng Iraq. Iran cũng mở rộng phạm vi thông qua các lực lượng ủy quyền trong toàn khu vực và đó là lợi thế của nước này trong những năm qua. Tehran cũng đang phát triển khả năng chiến tranh mạng.
Hezbollah
Hezbollah, nhóm mạnh nhất và hiệu quả nhất trong số các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực, đã giữ im lặng trong những ngày gần đây khi căng thẳng Mỹ- Iran tăng đột biến.
Tuy nhiên, lãnh đạo của nhóm, Hassan Nasrallah, từng nói rằng, Iran sẽ không đứng một mình trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai với Mỹ. Hezbollah, được thành lập để chống lại Israel sau cuộc xâm lược Lebanon năm 1982, hiện có hàng chục ngàn tên lửa và rocket có thể tiến sâu vào Israel, cũng như hàng ngàn chiến binh cứng rắn và dày dạn chiến đấu. Hezbollah đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng chính phủ ở Syria trong hơn 6 năm, có đầy kinh nghiệm và mở rộng phạm vi hoạt động. Iran có thể huy động Hezbollah tấn công vào Israel, điều này sẽ mở rộng đáng kể chiến trường nhưng có khả năng sự trả đũa sẽ tàn phá Lebanon. Hezbollah nói rằng họ không tìm kiếm một cuộc chiến khác với Israel và không muốn tham gia vào bất kỳ cuộc đối đầu nào trong khu vực - ít nhất là không phải trong giai đoạn đầu - trừ khi bị khiêu khích. Hezbollah đã mất hàng trăm tay súng chiến đấu ở Syria, gây ra tổn thất nặng nề cho cộng đồng người Shiite hỗ trợ nhóm từ trước tới nay. Nhóm cũng đang cảm thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đang làm tê liệt Iran, nhà tài trợ của nhóm.
Dân quân Shiite ở Iraq
Iran có thể tin tưởng vào lòng trung thành của hàng chục ngàn dân quân Shiite ở Iraq, được gọi chung là Lực lượng Huy động phổ biến.
Được đào tạo, tài trợ và trang bị bởi Iran, các chiến binh chiến đấu chống Mỹ trong những năm sau cuộc xâm lược năm 2003 và nhóm cực đoan IS một thập kỷ sau đó. Các nhóm bao gồm Asaib Ahl al-Haq, Kataeb Hezbollah và Badr Organisation, cả ba đều được lãnh đạo bởi những thủ lĩnh có quan hệ mật thiết với Tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Quds ưu tú của Iran và là kiến trúc sư các chiến lược khu vực của Tehran. Các dân quân đã được hợp nhất vào các lực lượng vũ trang của Iraq vào năm 2016. Hơn 140.000 tay súng chiến đấu này thuộc thẩm quyền quản lý của thủ tướng Iraq, đồng minh hàng đầu trong liên kết chính trị với Iran. Các lực lượng Mỹ và Iraq sát cánh chiến đấu chống IS sau khi quốc hội Iraq mời Mỹ trở lại nước này vào năm 2014. Nhưng bây giờ, khi cuộc chiến kết thúc, một số lãnh đạo dân quân đang kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi nước này, đe dọa trục xuất họ bằng vũ lực nếu cần thiết.
Houthi ở Yemen
Lực lượng nổi dậy Houthi của Yemen đã chiếm thủ đô Sanaa vào năm 2014.
Sau đó, nhóm gần như đã đẩy chính phủ được quốc tế công nhận xuống biển Aden trước khi một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành cuộc chiến chống lại nhóm vào tháng 3-2015. Kể từ đó, Houthi đã sử dụng hiệu quả các tay súng chiến đấu du kích cùng với vũ khí nhỏ, cũng như đã phóng tên lửa đạn đạo vào nước láng giềng Saudi Arabia. Họ đã dùng máy bay không người lái điều khiển từ xa mang theo bom tấn công một cuộc diễu hành quân sự và một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia. Các chuyên gia LHQ cho biết, máy bay không người lái mới nhất của Houthi có tầm bắn lên tới 1.500 km.
AN BÌNH