Những phát hiện mới ở di chỉ Khuê Bắc

Thứ hai, 01/06/2015 10:49

(Cadn.com.vn) - “Chúng tôi đã khai quật được 5 rìu đá, 3 bàn mài, các vật liệu chế tác và nhiều mảnh gốm khác. Tôi rất vui, bởi đây là những hiện vật hết sức ý nghĩa” -ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Trung tâm quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng không giấu được niềm vui khi thông báo với chúng tôi về kết quả ban đầu, trong cuộc khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn). Quả thật đây là tin vui đối với những người làm công tác khảo cổ khi di tích Khuê Bắc một lần nữa được khai quật và những hiện vật được phát hiện lần này hé lộ nhiều thông tin thú vị về di chỉ văn hóa độc đáo này.

Thạc sĩ Phạm Văn Triệu–Viện Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp chỉ đạo cuộc khai quật cho biết, đã tiến hành mở 2 hố khai quật, trên diện tích 100 m2. “Ngoài các hiện vật như rìu đá, bàn mài, chúng tôi còn phát hiện được tiền đồng các loại, mộ chum và nhiều mảnh gốm từ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm. Điều này chứng tỏ, di chỉ Khuê Bắc còn ẩn giấu nhiều bí mật” –ông Triệu nói.

Hiện trường lần khai quật thứ 2 ở di chỉ Khuê Bắc.

Di chỉ văn hóa Khuê Bắc được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào tháng 5- 2001. Lúc đó khi đi điền dã tại các vùng lân cận quanh núi Ngũ Hành Sơn, Giáo sư Trần Quốc Vượng phát hiện một số mảnh gốm thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh được phân bố quanh vườn đình Khuê Bắc nên đã tiến hành khai quật. Kết quả khai quật đã thu được nhiều hiện vật giá trị như một số gốm Chăm, mảnh bình hình trứng Chăm, tiền Ngũ Thù Tây Há, hạt cườm thủy tinh màu xanh, nhiều công cụ đá đa dạng như rìu có vai, bàn mài và một số mộ, dạng mộ nồi.

Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, di chỉ Khuê Bắc có hai lớp văn hóa riêng biệt, đó là lớp văn hóa Chăm sớm, có niên đại thế kỷ II, III sau công nguyên. Có nhiều nét tương đồng với lớp dưới Trà Kiệu và Gò Cấm (Duy Xuyên – Quảng Nam).  Lớp thứ 2 thuộc giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh-Sơ kỳ kim khí. Những hiện vật cho thấy, văn hóa tiền Sa Huỳnh ở di chỉ Khuê Bắc có phần sớm hơn Bãi Ông (Cù Lao Chàm) hay Long Thạch (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và điều kiện, tầng văn hóa Chăm sớm bị phá hủy nặng nề. Tầng văn hóa thuộc giai đoạn Sơ kỳ kim khí-Tiền Sa Huỳnh với tính chất di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng, vẫn còn nhiều hiện vật. Kết quả lần khai quật thứ nhất cho thấy, trên mảnh đất này cách đây khoảng 3.000 năm đã có con người sinh sống.

Đình làng Khuê Bắc đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo.

Nói về mục đích của lần khai quật này, ông Triệu cho biết: “Lần khai quật này chúng tôi mong muốn tìm kiếm, phát hiện và bổ sung tư liệu, hiện vật cho lần khai quật trước của Giáo sư Trần Quốc Vượng và khẳng định lại giá trị văn hóa độc đáo, hiếm có của di chỉ văn hóa Khuê Bắc. Tôi cho rằng, có khả năng di chỉ Khuê Bắc có tính chất chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chăm. Muốn khẳng định được điều này thì cần tiếp tục nghiên cứu và mở rộng khai quật”. Việc tiến hành khai quật lần thứ 2 ở di chỉ Khuê Bắc nằm trong kế hoạch phối hợp nghiên cứu các di tích văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giữa Trung tâm Quản lý di tích thành phố và Viện khảo cổ học Việt Nam.

Ông Hồ Tấn Tuấn cho biết, từ nay đến năm 2020 sẽ khai quật nhiều di tích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó đánh giá lại diện mạo, xây dựng lại bản đồ di tích khảo cổ học và tránh việc di tích bị xâm hại trong quá trình đô thị hóa. Về di chỉ Khuê Bắc, ông Tuấn nói: “Chúng tôi quyết định cho khai quật di chỉ Khuê Bắc đầu tiên, bởi đây là di tích văn hóa Sa Huỳnh hiếm có ở Đà Nẵng và chứa đựng nhiều thông tin giá trị về khảo cổ học. Sau này nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục khai quật ở di chỉ Khuê Bắc”.

Song song với việc khai quật, thì hiện đình làng Khuê Bắc–một trong những ngôi đình cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn, có kiến trúc độc đáo cũng đang được trùng tu, tôn tạo. Điều đó cho thấy, di chỉ Khuê Bắc có một ý nghĩa to lớn về văn hóa và khảo cổ mà nhất thiết chúng ta phải giữ lấy.

Minh Hà