Những "sát thủ" máy bay không người lái

Thứ tư, 04/05/2016 10:21

(Cadn.com.vn) - Trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, máy bay không người lái (UAV) giúp hạn chế đáng kể những thiệt hại về tài sản trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, số lượng thương vong dân sự do những chiến cơ hiện đại này gây ra đã vấp phải vô số chỉ trích từ các nhóm nhân quyền.

Phát biểu tại trường Đại học Luật Chicago mới đây, Tổng thống Obama đã đáp trả mọi lời chỉ trích về việc sử dụng UAV. "Tôi có thể chắc chắn một điều, tỷ lệ thương vong dân sự do UAV gây ra thấp hơn nhiều so với những loại vũ khí thông thường khác", ông chủ Nhà Trắng khẳng định.

Vũ khí tấn công chính xác

UAV được xem là vũ khí ưu việt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama và nhiều lãnh đạo cấp cao của Mỹ cũng đánh giá cao lợi thế của chiến đấu cơ tối tân này.

Điển hình vào năm 2013, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tuyên bố để hạn chế những thiệt hại về tài sản, UAV là lựa chọn tối ưu hơn là một quả bom hoặc thậm chí là một loại vũ khí dẫn đường chính xác. 1 năm trước, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta tuyên bố, "tôi nghĩ rằng đây là một trong những vũ khí tấn công chính xác nhất trong kho vũ khí của mình". Quay ngược trở lại năm 2010, ông Harold Koh, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, từng chia sẻ những chiếc phi cơ không người lái giúp ngắm tiêu diệt mục tiêu chính xác hơn.

UAV X-47B  của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS George H .W.Bush.

"Sát thủ" thường dân

Giả định của chính quyền Tổng thống Obama về việc cho rằng, UAV ít gây thiệt hại về tài sản hơn so với máy bay có người lái là không đúng sự thật.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ tử vong dân sự trong các cuộc không kích bằng UAV ở Pakistan, Yemen và Somalia cao hơn gấp 35 lần so với con số thương vong ở Iraq, Syria, và Afghanistan do máy bay có người lái gây ra. Kể từ khi chiến dịch không quân chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan IS bắt đầu vào tháng 8-2014, lực lượng không quân liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành tổng cộng 41.697 cuộc không kích khiến 577 dân thường thiệt mạng. Trên thực tế, con số này được cho là không chính xác và gây nên tranh cãi giữa các phóng viên, tổ chức nhân quyền và giới chức chính phủ Mỹ.

Theo số liệu ước tính của Cục Báo chí Điều tra, tổ chức New America Foundation, và tạp chí Long War Journal, 462 cuộc không kích bằng UAV ở Pakistan, Yemen và Somalia giết chết 289 dân thường kể từ khi ông Obama vào Nhà Trắng. Tóm lại, UAV gây tỷ lệ tử vong cho thường dân cao hơn so với máy bay có người lái. Nguyên nhân của việc này có thể được hiểu là những mục tiêu khủng bố thường trú ẩn lẫn lộn cùng với thường dân vì vậy những cuộc tấn công vào những kẻ này cũng đồng thời gây ra cái chết oan uổng cho người dân. Theo khía cạnh khác, có thể hiểu là chính quyền Tổng thống Obama đang nối gót chính sách "thà giết nhầm hơn bỏ sót" của cựu Tổng thống George W. Bush khi truy sát những đối tượng vô danh bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động khủng bố. Phát biểu hôm 8-4, ông Obama thừa nhận sự thiếu sự minh bạch về số lượng thương vong dân sự nên khiến Washington không thể "biết được nguyên nhân của những sai lầm để khắc phục".

Nhà Trắng cam kết sẽ công khai số liệu tử vong dân sự phi chiến trường hàng năm. Tuy nhiên, việc công bố những dữ liệu này không quan trọng bằng một lời giải thích cho lý do tại sao Tổng thống Obama lại không muốn hiểu những hạn chế mà UAV gây ra trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuệ Khanh

                  (Theo Foreign Policy)