Những sự kiện đáng nhớ của Thể thao Việt Nam 2014

Thứ năm, 01/01/2015 09:40

(Cadn.com.vn) - 2014 là năm khá nhiều sự kiện với thể thao Việt Nam (TTVN). Đáng vui khi TTVN đã có nhiều tiến bộ nhất định, thể hiện qua những dấu ấn lịch sử, song cũng có nỗi buồn, nỗi thất vọng đọng lại. Báo CATP Đà Nẵng xin điểm lại những điểm nhấn nổi bật trong một năm qua của TTVN.

XIN RÚT KHÔNG ĐĂNG CAI ASIAD 18

Tại cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019 diễn ra vào ngày 17-4-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định không đăng cai giải đấu này, cho dù trước đó Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn do Ủy ban Olympic Châu Á tổ chức. Một quyết định dù có thể khiến uy tín của TTVN giảm sút nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, thể hiện sự thẳng thắn, lắng nghe ý kiến người dân của Chính phủ trong thời điểm mà kinh tế nước nhà đang đối mặt với muôn vàn khó khăn và việc đăng cai tổ chức ASIAD sẽ thành một gánh nặng cho quốc gia.

 

CHỈ GIÀNH 1 HCV TẠI ASIAD 17

Đại hội thể thao Châu Á luôn là thước đo đích thực cho một nền thể thao. Với 36 tấm huy chương (1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ), xếp hạng thứ 21 toàn đoàn tại giải đấu trên đất Hàn Quốc, đoàn TTVN không đạt được mục tiêu đề ra trước ngày lên đường (chỉ tiêu giành 2-3 HCV). Tuy nhiên, có thể nói đây là giải đấu thành công của TTVN. Bởi tuy thất bại về con số huy chương nhưng thành tích của TTVN được đánh giá là thực chất hơn, phù hợp với xu thế của thể thao thế giới hơn khi các VĐV Việt Nam đã có thể giành được huy chương hoặc đạt thành tích cao ở những môn Olympic như bơi lội, điền kinh, cử tạ, TDDC, đấu kiếm... chứ không phải ở những môn mang tính đặc thù, ít phổ biến như Wushu, lặn, đá cầu, cầu mây...

Ở môn bơi, nữ kình ngư Ánh Viên làm nên lịch sử khi lần đầu mang về cho TTVN một tấm huy chương tại đường đua xanh, môn thể thao mà Việt Nam luôn ở nhóm kém phát triển của thế giới. Hay Phan Thị Hà Thanh cũng làm được điều tương tự với tấm HCB ở nội dung Nhảy chống môn TDDC; Nguyễn Thị Thật về đích thứ nhì ở môn đua xe đạp, Nguyễn Tiến Nhật giành HCĐ ở môn đấu kiếm hay Thạch Kim Tuấn trở thành kỷ lục gia ASIAD ở nội dung cử tạ... Sau đó, tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Châu Á, đoàn VĐV người khuyết tật Việt Nam cũng thi đấu cực kỳ thành công khi giành được 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, xếp hạng 10 toàn đoàn.

 

XẠ THỦ HOÀNG XUÂN VINH TRỞ THÀNH KỶ LỤC GIA THẾ GIỚI

Bắn súng luôn là môn thế mạnh của TTVN và cũng là môn thể thao hiếm hoi VĐV chúng ta có thể vươn lên đỉnh cao thế giới. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã minh chứng cho điều ấy khi giành HCV Cúp bắn súng thế giới tổ chức ở Mỹ vào tháng 3-2014 ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Thậm chí với 202.8 điểm, xạ thủ người Việt Nam đã xô đổ kỷ lục thế giới cũ 202,3 điểm do nhà vô địch Olympic Pang Wei (Trung Quốc) nắm giữ.

 

DẤU ẤN CỦA ÔNG MIURA VỚI BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

Không được kỳ vọng, thậm chí là nghi ngờ trong những ngày đầu ông thầy người Nhật trở thành HLV trưởng ĐTQG Việt Nam bởi bản lý lịch quá kém ấn tượng, thế nhưng HLV Toshiya Miura đã đem lại hết bất ngờ này đến bất ngờ khác với dấu ấn quá lớn. Ông gây ấn tượng với giới chuyên môn bằng phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học và đã thực sự làm một cuộc cách mạng cho ĐTQG Việt Nam lẫn Olympic Việt Nam bằng một lứa cầu thủ trẻ măng, đầy nhiệt huyết. Điều mà ông Miura làm được đã khiến giới chuyên môn tin rằng, nếu có thêm thời gian, bóng đá Việt Nam sẽ thành công với ông thầy người Nhật này. Bên cạnh đó là dấu ấn của lứa cầu thủ trẻ U19 Việt Nam tại các giải trẻ và trở thành một cơn sốt của bóng đá nước nhà.

 

V.LEAGUE CÓ NHÀ TÀI TRỢ MỚI

 Sau 3 năm gắn bó, trước sức ép của các cổ đông lớn, Eximbank rút lui thôi không tài trợ cho V-League, đẩy giải đấu hàng đầu Việt Nam vào chỗ khốn khó về kinh phí. Tuy nhiên trước giờ khởi tranh, VFF, VPF đã tìm được đối tác mới là tập đoàn ô-tô hàng đầu Nhật Bản: Toyota, với khoản tài trợ 30 tỷ đồng/năm. Đây là tín hiệu vui cho V-League bởi với sự góp mặt của người Nhật, hy vọng V-League sẽ quy củ hơn, hấp dẫn hơn để níu chân nhà tài trợ lớn này như Thái Lan đã rất thành công.

 

TAN MỘNG WORLD CUP

Không phải thầy trò ông Miura, cũng không phải U19 Việt Nam mà các cô gái đá bóng Việt Nam mới là những người biến giấc mộng World Cup của bóng đá nước nhà đến gần hiện thực nhất khi họ chỉ còn cách chiếc vé tới Canada 2015 chỉ 1 trận đấu play-off. Rất tiếc, mặc dù thi đấu ấn tượng nhưng bóng đá nữ Việt Nam đã thua Thái Lan trong trận đấu quyết định. Càng tiếc hơn khi sau đó, ĐT nữ Việt Nam còn vào đến bán kết môn bóng đá nữ tại ASIAD 17. Đáng nói hơn là sau thất bại này, những lời hứa của VFF về việc quan tâm hơn, đầu tư quyết liệt hơn đến bóng đá nữ cũng... bay theo gió.

 

ĐẠI HỘI TDTT TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII DIỄN RA TRONG... LẶNG LẼ TẠI NAM ĐỊNH

Được xem là một cuộc tổng rà soát lực lượng của ngành thể thao, được tổ chức 4 năm một lần nhưng một lần nữa, Đại hội TDTT toàn quốc bị đặt dấu hỏi về tính hiệu quả cũng như ý nghĩa của nó. Một ĐH quy mô, tốn kém nhưng lại bị phàn nàn quá nhiều, từ nơi tổ chức, điều kiện, công tác tổ chức dàn trải, cho đến những scaldan trong thi đấu như HLV, VĐV tấn công trọng tài, chất lượng chuyên môn kém... ĐH lại được tổ chức sau khi ASIAD kết thúc càng khiến giải đấu quy mô này trở nên nhạt nhẽo và ít thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ.

 

 TIÊU CỰC TRONG BÓNG ĐÁ BÙNG PHÁT

Trong lúc nền bóng đá càng ngày càng đi xuống, niềm tin sụt giảm thì liên tiếp những vụ tiêu cực, dàn xếp tỷ số bị phanh phui với sự tham gia của hơn chục cầu thủ. Vụ ở CLB V.Ninh Bình với 9 cầu thủ tham gia chưa lắng xuống thì đến lượt 6 cầu thủ Đồng Nai bị bắt giữ... 2 vụ việc động trời, gây bàng hoàng cho dư luận nhưng với nhiều người thì đấy mới chỉ là những vụ việc như vỏ bọc bên ngoài chiếc bánh bởi tiêu cực dường như đã ăn quá sâu vào bóng đá Việt Nam.

 

Mai Hàn