Những tác động kinh tế từ chính sách phong tỏa tại Trung Quốc

Thứ bảy, 09/04/2022 15:09
Lệnh hạn chế áp đặt trên nhiều thành phố tại Trung Quốc đã gây ra những ách tắc về logistics, đe dọa gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế.

Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải, logistics trên khắp cả nước, làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực về kinh tế trong bối cảnh Bắc Kinh kiên định chính sách "không Covid" (zero-Covid) khi số ca nhiễm mới liên tục xác lập những mốc kỷ lục.

Tác động đứt gãy đặc biệt nổi rõ trong ngành vận tải, lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các thành phố, kết nối với các cảng biển lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là do ngành này phải chịu những quy định hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động di chuyển của lái xe, giao hàng tại những điểm có ca nhiễm COVID-19. "Vận tải là điểm nghẽn chính mà chúng tôi gặp phải", Mads Ravn - Phó Chủ tịch điều hành DSV, một trong những công ty cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới, cho biết. Theo ông, việc đặt chỗ dịch vụ vận tải đường bộ gần như không thể thực hiện được, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa đến sân bay Phố Đông tại Thượng Hải hiện chỉ bằng 3% so với tháng trước, do hàng vận chuyển chỉ giới hạn trong phạm vi đồ thiết yếu, như thuốc y tế.

Tại Thượng Hải, nơi có cảng vận chuyển container lớn nhất thế giới, các giới chức đã bắt đầu phong tỏa vào ngày 28-3 và vẫn chưa thông báo khi nào các hạn chế sẽ được dỡ bỏ. Bettina Schoen-Behanzin, một quan chức của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, ước tính khối lượng vận chuyển hàng hóa tại cảng Thượng Hải đã giảm khoảng 40% so với tuần trước. Bà Schoen-Behanzin lưu ý mặc dù cảng Thượng Hải đang hoạt động như bình thường về mặt kỹ thuật, song công tác hậu cần vẫn phải đối mặt với những thách thức từ tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải. Theo bà Schoen-Behanzin, người dân Thượng Hải đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, những phong tỏa liên tục và nỗi lo bị đưa đến các trung tâm cách ly.

Trong khi đó, tại thành phố Thẩm Dương, miền Bắc Trung Quốc, người dân địa phương đã bị giữ chân trong nhà hơn hai tuần. Đối với doanh nghiệp, liên doanh của hãng chế tạo ô-tô BMW tại thành phố ban đầu có thể duy trì hoạt động sản xuất, nhưng sau đó đã phải tạm dừng vì không thể duy trì chuỗi cung ứng. Hãng chế tạo ô-tô Volkswagen, có nhà máy ở ngoại ô Thượng Hải và Cát Lâm cũng đang bị đóng cửa cả hai địa điểm sản xuất. Dù vậy, các nhà phân tích của tổ chức tài chính Citi dự báo chính sách phong tỏa sẽ có tác động đáng kể đến tiêu dùng, nhưng có ảnh hưởng ít hơn đối với sản xuất và đầu tư. Một cuộc khảo sát gần đây đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho thấy 54% số doanh nghiệp được hỏi đã hạ dự báo doanh thu năm 2022 do đợt bùng phát COVID-19 mới nhất.

Khi số ca nhiễm tăng vọt, các nhà kinh tế học tại ngân hàng ANZ ước tính nửa nền kinh tế và dân số tại Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh sẽ chịu thêm sức ép tung kích thích để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay. Trong số các nhà sản xuất, hơn 80% doanh nghiệp cho biết sản xuất chậm lại hoặc giảm, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng. Một vấn đề khác có thể có tác động lâu dài đối với Trung Quốc là việc giữ chân nhân tài. Đại diện Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc lưu ý quy định về nhập cảnh và kiểm dịch không khuyến khích các nhân viên nước ngoài mới nhận việc tại nước này.

Trong một báo cáo hồi tháng 3, các nhà phân tích tại Citi cho rằng đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng quý I của nước này giảm ít nhất 0,5%. "Nếu tính cả tác động lan truyền đến các vùng khác, chúng tôi cho rằng các chính sách phong tỏa và cách ly lần này có thể làm giảm 0,5 - 0,8% tăng trưởng GDP quý I, trong trường hợp không có phản ứng chính sách để kích thích".

KHẢ ANH