Những thách thức đối ngoại đón chờ ông Trump
Tổng thống Donald Trump bắt đầu năm mới 2020 với những thách thức đáng lo ngại trong chính sách đối ngoại, cùng với phiên tòa luận tội tại Thượng viện ở trong nước và quan trọng nhất là nỗ lực tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11.
Tổng thống Donald Trump sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2020. Ảnh: WSJ |
Lầu Năm Góc vẫn đang tham gia vào cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở Afghanistan. Bàn đàm phán hạt nhân với Triều Tiên vẫn bế tắc. Thêm vào đó là những căng thẳng sục sôi với Iran, quyết định của ông Trump về việc rút quân khỏi Syria, việc liên tục gây khó chịu với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và mối quan hệ thất thường với Châu Âu và các đồng minh phương Tây lâu năm khác.
Ông Trump không phải là nhà lãnh đạo được yêu thích hay có vị thế ở ngoài nước Mỹ. Thậm chí, ở trong nước, ông cũng đang bị luận tội. Chính ông Trump thừa nhận thách thức của mình trong năm 2020 trên Twitter ngày 26-12. Nhưng có một điều dường như chắc chắn, ông Trump sẽ không bao giờ bị kết tội bởi Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Vì vậy năm 2020 cũng có thể mang lại nhiều điều tương tự trong chính sách đối ngoại của Mỹ như năm 2019. Ông Trump từng gây chú ý và được ca ngợi khi tuyên bố quân đội Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr Al Baghdadi nhưng các nhà lãnh đạo quân sự vẫn lo lắng về sự hồi sinh của tổ chức cực đoan này. Ông được cho là đã dỗ dành các đồng minh NATO cam kết chi hàng tỷ USD cho quốc phòng, nhưng trên đường đi đến đó đã làm căng thẳng các mối quan hệ quan trọng.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của ông với Trung Quốc đã làm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Nhưng thỏa thuận phần lớn đặt ra cho các vấn đề phức tạp sau này xung quanh các khẳng định của Mỹ rằng, Trung Quốc đang gian lận để giành quyền tối cao về công nghệ và cáo buộc của Bắc Kinh rằng, Washington đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một cường quốc thế giới. Và cũng như năm 2019, 3 thách thức trong chính sách đối ngoại hàng đầu trên bàn làm việc của Trump khi năm 2020 đã bắt đầu:
Đàm phán hạt nhân với Triều Tiên
Mỹ đang theo dõi sát sao Triều Tiên để biết các dấu hiệu về khả năng phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân của nước này. Trong tuyên bố đưa ra ngày 1-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ trình làng một “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần, cáo buộc Mỹ đang trì hoãn thời gian để phục vụ chính lợi ích của họ, nhưng ông Kim Jong-un cũng ngừng tuyên bố về việc từ bỏ các cuộc đàm phán cùng Washington.
Hãng KCNA dẫn lời phát biểu của ông Kim Jong-un tại phiên họp Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền, khẳng định, mức độ Triều Tiên phát triển “phòng thủ hạt nhân” đến đâu là tùy thuộc vào thái độ của Mỹ. Trên thực tế, bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICM) nào hoặc vụ thử hạt nhân đáng kể sẽ càng đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao mà ông Trump đã mở với Kim vào năm 2018 xuống vực thẳm. Washington đã không chấp nhận tối hậu thư cuối năm của Bình Nhưỡng, nhưng Stephen Biegun, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại Triều Tiên, cho biết cửa sổ đàm phán với Hoa Kỳ vẫn mở.
Căng thẳng với Iran
Căng thẳng với Tehran gia tăng kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 mà Tehran đã ký với Mỹ và 5 quốc gia khác (P5+1). Ông chủ Nhà Trắng nói rằng, thỏa thuận này là một chiều và giúp Iran giảm nhẹ lệnh trừng phạt, nhưng lại không thể chấm dứt vĩnh viễn chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, ông Trump bắt đầu chiến dịch “gây áp lực tối đa”, khôi phục các biện pháp trừng phạt và bổ sung thêm nhiều điều làm tê liệt nền kinh tế của Iran. Mục đích của ông là buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ và các quốc gia khác vẫn còn trong thỏa thuận. Đáp lại, Iran đã đáp trả bằng việc tăng cường làm giàu uranium, tấn công các mục tiêu ở Saudi Arabia, làm gián đoạn vận chuyển thương mại qua eo biển Hormuz quan trọng, bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và tài trợ cho các nhóm ủy nhiệm quân sự.
Kể từ tháng 5, gần 14.000 nhân viên quân sự Mỹ được triển khai đến khu vực để ngăn chặn Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các chuyên gia hạt nhân của đất nước ông đang thử nghiệm một loại máy ly tâm tiên tiến mới. Iran gần đây bắt đầu vượt quá kho dự trữ uranium và nước nặng vốn nằm trong mức yêu cầu của thỏa thuận hạt nhân và đang làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết vượt quá mức cho phép. Các hành vi vi phạm của Tehran, được cho là có thể đảo ngược, là một nỗ lực nhằm khiến Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga - các quốc gia khác đã ký Kế hoạch hành động toàn diện chung (JPCO)- đưa ra các khuyến khích kinh tế mới để bù đắp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nền kinh tế Iran đang sụp đổ, lạm phát cao. Việc nghiền nát các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn Iran bán dầu thô ra nước ngoài giúp thúc đẩy các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Đầu tháng này, đã có một bước đột phá ngoại giao hiếm hoi khi một học giả Princeton người Mỹ gốc Trung Quốc, Xiyue Wang, người đã bị bắt giữ ở Iran trong 3 năm, đã được trả tự do để đổi lấy một nhà khoa học người Iran bị giam giữ tại Mỹ. Ông Trump cho biết việc trao đổi tù nhân có thể là “tiền thân cho những gì có thể làm được” trong khi Iran nói rằng, việc trao đổi tù nhân khác có thể được sắp xếp, nhưng sẽ không có cuộc đàm phán nào khác giữa Tehran và chính quyền ông Trump.
Cuộc chiến ở Afghanistan
Thực tế, ông Trump muốn cuộc chiến tranh ở Afghanistan kết thúc càng sớm càng tốt, nhưng đã có những chỉ trích về việc Washington đưa ra quá nhiều nhượng bộ cho Taliban.
Sau đó, trong một bước tiến đột phá, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Taliban đã đồng ý ngừng bắn tạm thời trên toàn quốc, nhưng không nói khi nào nó sẽ bắt đầu hoặc sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, một lệnh ngừng bắn có thể mở ra một thỏa thuận hòa bình Taliban với Mỹ sẽ cho phép ông Trump đưa quân đội trở về nhà sau 18 năm chiến đấu ở Afghanistan. Mỹ muốn bất kỳ thỏa thuận nào bao gồm cam kết từ Taliban rằng, Afghanistan sẽ không được sử dụng làm căn cứ của các nhóm khủng bố. Một phần quan trọng của hiệp ước sẽ bao gồm việc Taliban đồng ý tham gia các cuộc đàm phán để quyết định một Afghanistan sau chiến tranh sẽ như thế nào. Các cuộc đàm phán như vậy sẽ gây tranh cãi và chạm đến quyền của phụ nữ, tự do ngôn luận và thay đổi hiến pháp Afghanistan. Chính nó cũng sẽ xác định số phận của hàng chục ngàn phiến quân Taliban và các dân quân được vũ trang mạnh mẽ do các lãnh chúa Afghanistan điều hành, những người đã tích lũy của cải và quyền lực kể từ khi Taliban bị lật đổ sau sự kiện tấn công khủng bố 11-9.
“Chúng tôi sẽ xem xét nếu họ muốn thực hiện một thỏa thuận”, đó là điều ông Trump đã nói với các binh sĩ Mỹ vào ngày Lễ Tạ ơn khi ông lần đầu tiên bất ngờ đến thăm họ ở Afghanistan. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đã từ chức vì phản đối quyết định rút quân đội ở Syria về nước của ông Trump, nói rằng, Taliban đã không chứng minh được sự đáng tin cậy của họ nên thay vì “tin tưởng và xác minh”, Mỹ nên “xác minh và xác minh” rồi “tin tưởng”. Nhưng ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng tổng thống đã đúng khi bắt đầu các cuộc đàm phán với Taliban và tôi nghĩ ông ấy đã đúng khi hủy bàn đàm phán vì các vụ đánh bom kinh hoàng của Taliban”.
Tổng thống Trump đã hủy các cuộc đàm phán với Taliban vào tháng 9 khi bạo lực leo thang. Và ngay cả khi các phiến quân đồng ý ngừng bắn, vẫn xảy ra các cuộc tấn công ở miền bắc Afghanistan. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người đã đến Kabul trong tháng này, cho biết ông Trump có thể tuyên bố rút quân Mỹ từ Afghanistan trong năm 2020.
KHẢ ANH