Những tín hiệu tích cực cho mối quan hệ Mỹ- Iran
Các cuộc đàm phán và diễn biến mới trong khu vực báo hiệu bước đột phá giữa Mỹ và Iran có thể xảy đến nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Một buổi đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna. Ảnh: AFP |
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-5 cho biết mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, song có thể Washington và Tehran sẽ đạt được một sự đồng thuận về cách thức để cùng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trước kỳ bầu cử tổng thống ở Iran vào giữa tháng 6 tới. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ có đồng thuận bước đột phá tại vòng đàm phán mới, được khởi động trong ngày 7-5 tại Vienna (Áo).
Phát biểu trực tuyến, quan chức trên cho biết ba vòng đàm phán gián tiếp vừa qua giữa Mỹ và Iran tại Vienna (Áo) dù chưa đạt được một giải pháp cụ thể, nhưng đã giúp tìm ra được một số giải pháp lựa chọn về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo quan chức trên, nếu Iran đưa ra quyết định thực sự mong muốn trở lại JCPOA như đã đàm phán, mọi việc có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Quan chức này nhấn mạnh mọi việc phụ thuộc Iran có muốn hay không. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến các bên nhất trí về các biện pháp trừng phạt, các bước hạt nhân, cũng như trình tự và thời gian biểu cần thiết để cùng thực hiện.
Về phần mình, nhà đàm phán cấp cao của Iran Abbas Araqchi tuần trước đánh giá dù vẫn tồn tại những khác biệt, nhưng các bên đã đạt được "lập trường chung trong một số vấn đề". Trước đó, ngày 29-4, Chánh Văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi cũng cho biết cuộc họp nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna đạt "những bước đi rất tốt". Ông Mahmoud Vaezi nêu rõ dù nội dung thảo luận phức tạp nhưng những gì đã làm được đến nay đầy hứa hẹn và cuộc đàm phán đạt được những bước đi rất tốt. Trong khuôn khổ các nguyên tắc của Iran, các bên đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quan trọng. Ông Vaezi nhấn mạnh: "Việc dỡ bỏ sớm nhất các lệnh trừng phạt Iran có lợi cho tất cả mọi người, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đang vội vàng". Ông lưu ý chính sách của Chính phủ Iran trong các cuộc đàm phán tại Vienna là không vội vàng song cũng không lãng phí các cơ hội.
Chạy đua với thời gian
Cả Mỹ và Iran đều biết rằng họ đang phải gấp rút chuẩn bị cho các vòng đàm phán sắp tới. Nếu để lỡ thời hạn đó, cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6 sẽ tạo ra trở ngại lớn hơn nữa. Trước thời điểm của cuộc bầu cử tổng thống Iran vào ngày 18-6, đồng thuận về việc quay trở lại JCPOA đối với cả Mỹ và Iran sẽ dễ dàng hơn.
"Chính trị nội bộ tại Iran đang nóng lên từng ngày. Những người có quan điểm cứng rắn ủng hộ các ứng cử viên bảo thủ, phản đối việc khôi phục thỏa thuận và can dự của Mỹ", Suzanne DiMaggio, thành viên cấp cao chuyên nghiên cứu Iran của Carnegie Endowment for International Peace, nhận định. "Ngay cả Quốc hội Mỹ cũng cố gắng tạo ra trở ngại. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều muốn ngăn cản con đường đưa Mỹ trở lại thỏa thuận". "Có những lý do rõ ràng để đẩy nhanh tiến độ đàm phán", bà DiMaggio nhận định.
Các ứng cử viên cánh hữu, bảo thủ và cứng rắn có khả năng chiếm ưu thế trong lá phiếu trong cuộc tranh cử để kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani. Mặc dù lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei toàn quyền quyết định hành động của chính phủ, quan điểm của các quan chức sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ông.
Cần nhượng bộ lẫn nhau
Washington và Tehran hiện còn bất đồng về các bước đi cần thiết để từng bên trở lại tuân thủ điều khoản có trong JCPOA. Điểm mấu chốt nhất vẫn là yêu cầu đặt ra với Mỹ về dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, đổi lại Iran giảm quy mô chương trình hạt nhân. Ở chiều ngược lại, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran tỏ ra thận trọng trước khả năng đạt được đột phá trong đàm phán. "Không thể xác định hay dự đoán về thời điểm hoàn tất đàm phán. Nhiều bất đồng lớn vẫn tồn tại và cần phải được giải quyết thông qua đàm phán", Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi phát biểu tại Vienna ngày 6-5.
Phát biểu khi ở thăm Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, Iran không nên mong đợi những nhượng bộ lớn mới từ Mỹ khi vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp mới giữa các bên được nối lại. Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Theo đó, thành công hay thất bại giờ phụ thuộc vào việc Iran có đưa ra quyết định chính trị để chấp nhận những nhượng bộ đó và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hay không.
Trong khi đó, Iran cũng chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ giải quyết bất cứ điều gì trừ khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các quan chức Iran trong những tuần gần đây cho biết, Mỹ đã đưa ra các biện pháp giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, nhưng chừng đó là chưa đủ để Iran đánh đổi lại việc quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán mới nhất giữa các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 7-5. Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh đại diện Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đều lên tiếng khuyến khích tất cả các bên nắm bắt cơ hội ngoại giao đang có tại Vienna và lên án bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho những tiến bộ đã đạt được. Hiện bất đồng vẫn là việc Mỹ và Iran, bên nào sẽ hành động trước để gỡ "nút thắt" trong đàm phán. Các cuộc đàm phán sắp tới được dự báo diễn ra không hề dễ dàng và chưa biết kéo dài trong bao lâu. Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định, tiến trình đàm phán tại Vienna vẫn là cơ hội tốt để làm sống lại JCPOA nếu các bên nhượng bộ lẫn nhau.
AN BÌNH