Những trái tim nhân hậu ở "Khoa nóng"

Thứ năm, 01/02/2018 09:51

Khoa Hồi sức Nhi của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là "cửa ngõ", nơi tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhi nặng, nguy kịch tính mạng đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì thế, để có thể chiến đấu thành công với "thần chết", ngoài việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự thân thiện, gần gũi, tận tâm cứu chữa bệnh nhi, các y bác sỹ nơi đây luôn chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, ứng dụng và triển khai có hiệu quả các kỹ thuật khó, hiện đại trong công tác khám chữa bệnh.

Y bác sỹ Khoa Hồi sức Nhi, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang tích cực cứu chữa một ca bệnh rất nặng. 

Đứa cháu gái vừa mới 20 tháng tuổi bị bệnh viêm phổi, gia đình vội đưa lên chuyến tàu vượt sóng rời đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Sau 4 giờ trải qua 2 chặng đường biển - bộ với gần 200 km, đứa cháu cũng đến được BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Qua thăm khám, các bác sỹ nhận định cháu bị viêm phổi nặng, tổn thương các bộ phận nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng… nên lập tức chuyển vào Khoa Hồi sức Nhi để được điều trị kịp thời. Tiếp nhận bệnh nhi, các y bác sỹ nhanh chóng vận dụng những kỹ thuật, máy móc và kiến thức của mình để tích cực cấp cứu. Nhìn ánh mắt đầy lo lắng của người bố trẻ, Bs Võ Hữu Hội, Bs Trần Long Quận và các y bác sỹ khác của Khoa vội trấn an: "Anh hãy yên tâm và bình tĩnh, chúng tôi sẽ cố gắng vận dụng hết sức những điều tốt nhất để cứu chữa kịp thời cho cháu". 

Tranh thủ lúc đứng phía ngoài cửa kính chờ thông tin từ các bác sỹ, tôi trò chuyện với người mẹ trẻ đến từ tỉnh Bình Định. Chị cho biết: "Do con bị bệnh nặng nên được chuyển ra BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để điều trị. Gần 2 tháng ở Khoa Hồi sức Nhi, điều tôi nhận thấy là dù lượng bệnh nhi đông, cường độ làm việc cao nhưng các bác sĩ, điều dưỡng lúc nào cũng giữ thái độ ân cần, thân thiện, gần gũi; khám, cấp cứu và tư vấn kỹ cách chăm sóc cho bệnh nhi". Chung suy nghĩ với người mẹ trẻ, anh Trần H.S. (quê Quảng Ngãi) tâm sự: "Trong thời gian nằm điều trị tại Khoa Hồi sức Nhi, đứa con nhỏ của tôi luôn được các y bác sỹ chăm sóc, thăm hỏi, động viên ân cần và kịp thời. Gia đình chúng tôi cảm kích và biết ơn trước tấm lòng nhân hậu và sự cứu chữa tận tình của đội ngũ y bác sỹ nơi đây".

Hơn 1 giờ chiến đấu với "thần chết", các y bác sỹ Khoa Hồi sức Nhi đã kéo đứa cháu tôi về được với thực tại, vượt qua cơn nguy kịch trước niềm hạnh phúc của người thân. Một ca bệnh nặng mới đến từ Quảng Nam, các y bác sỹ tiếp tục cuộc đua với thời gian trước sự lo lắng tột đỉnh của người thân… 22 giờ 30, cánh cửa Khoa Hồi sức Nhi được mở theo quy định, tôi bước vào thăm đứa cháu. Do đặc thù của phòng bệnh nên mỗi bệnh nhi chỉ có một người nhà vào thăm, chăm sóc. Để tránh vi khuẩn, vi trùng từ bên ngoài lọt vào phòng ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhi, nhân viên y tế hướng dẫn từng người mặc áo và mang dép chống khuẩn. Cử chỉ và lời nói nhẹ nhàng của nhân viên y tế nơi đây khiến tôi yên tâm và trân quý… Tận tâm, nhiệt tình, thương yêu và đồng cảm với bệnh nhi, người nhà bệnh nhi là vậy nhưng khi tôi đặt vấn đề viết bài tuyên truyền, các y bác sỹ của Khoa lại xua tay, chỉ nói mỗi câu: "Có gì đâu, đó là nhiệm vụ của người thầy thuốc mà".

Đứa cháu được xuất viện sau gần 2 tháng được các y bác sỹ Khoa Hồi sức Nhi điều trị, chăm sóc tích cực với một tấm lòng nhân ái, gần gũi và đồng cảm. Do đặc thù công việc, tôi có dịp thường xuyên lui tới Khoa Hồi sức Nhi. Tại đây, tôi tiếp tục thấy và nghe được những điều tốt đẹp cả về chuyên môn lẫn y đức. Người nhà của một bệnh nhi đến từ Quảng Ngãi cho rằng: BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Khoa Hồi sức Nhi không chỉ có những máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sỹ giỏi về chuyên môn, tận tình, hết lòng, hết sức chăm sóc bệnh nhân mà họ còn luôn gần gũi, thấu hiểu, ứng xử nhân văn với bệnh nhi và người nhà. Đối với những trường hợp gia cảnh khốn khó, các y bác sỹ còn đứng ra kêu gọi giúp đỡ về vật chất. Tất cả điều đó đã trở thành "liệu pháp" hữu hiệu giúp bệnh nhi vượt qua bệnh tật và giúp người nhà có niềm tin vững chắc để vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Vốn là "Khoa nóng" nên hầu hết trẻ vào đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch tính mạng và cần phải được điều trị, theo dõi 24/24 giờ. Trẻ ít nhất thì nằm điều trị tại Khoa từ một đến vài tháng, trẻ nhiều thì có thể năm này sang năm khác. Vì thế, người có con nhỏ bệnh nặng, nhất là bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào Khoa luôn có tâm lý mặc cảm, mệt mỏi, thậm chí hoảng loạn, không giữ được bình tĩnh. Nhận thấy rõ điều đó, lãnh đạo Khoa luôn phân công nhiệm vụ cho y bác sỹ hợp lý, phù hợp với chuyên môn, năng lực. Bởi nơi đây, chỉ một sơ sẩy nhỏ xảy ra trong quá trình điều trị, hậu quả khôn lường. Và, "cuộc chiến" cứ diễn ra từng phút, từng giây, giữa một bên là "thần chết" luôn rình rập với một bên là các bác sĩ, điều dưỡng, ông bà, cha mẹ và chính bản thân các cháu. Để rồi, niềm hy vọng cứ lớn dần mỗi giờ, mỗi ngày, khi các bé dần khỏe mạnh, ăn uống được nhiều hơn…

Thời gian qua, ngoài việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, bảo đảm tốt công tác chống nhiễm khuẩn, theo dõi sát diễn biến bệnh của từng bệnh nhi, xử lý nhanh các tình huống phát sinh, các y bác sỹ của Khoa còn luôn quan tâm thấu hiểu tâm lý, hoàn cảnh, nguyện vọng của mỗi gia đình để họ hợp tác tích cực trong quá trình chăm sóc các cháu đúng cách, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh khỏi bệnh. Nhờ đó, Khoa đã liên tục cứu chữa thành công nhiều ca bệnh rất nguy kịch, đem đến niềm vui cho mọi người, mọi nhà… Một điều dưỡng của Khoa tâm sự: "Hằng ngày, nhìn các cháu khỏi bệnh, lần lượt xuất viện, chúng tôi thấy vui lây với niềm vui của gia đình".

Nơi ấy là bệnh viện, mà đặc biệt nơi ấy là Khoa Hồi sức Nhi nên chắc chắn chẳng ai muốn đến. Nhưng nơi ấy có những điều tuyệt vời mà nhiều người sẽ khó có thể hình dung được nếu chưa từng đến và chưa từng nghe thấy. Tất cả những điều tuyệt vời đó không chỉ đến từ chuyên môn, trang thiết bị mà còn đến từ tấm lòng nhân hậu của mỗi y bác sỹ.

LÊ HÙNG