Những "trận chiến" của tân Thủ tướng Anh (Kỳ 3: Con đường làm chính trị)
Sự nghiệp báo chí truyền thông đã giúp ông Johnson trở thành người nổi tiếng. Ông xuất hiện trên chương trình "Have I Got News For You" của BBC, nhanh chóng trở thành phóng viên ngôi sao tại tờ Telegraph, và biên tập viên của tờ Spectator ngay sau đó. Những nỗ lực chính trị của ông cũng bén rễ từ đó.
Chương trình chia sẻ xe đạp tại London có tên gọi "Boris bikes" được ông Johnson khởi xướng tạo tiếng vang rất lớn. Ảnh: BBC |
Nhờ nổi tiếng
Sau cuộc chạy đua không thành công tại Wales, thành trì bất khả xâm phạm của Clwyd South thuộc đảng Lao động vào năm 1997, sự nổi tiếng giúp ông Johnson được bầu làm nghị sĩ đại diện cho Henley vào năm 2001. Ông vào Quốc hội Anh vào năm 2001, kế nhiệm Michael Heseltine.
Ông Johnson ly hôn vào năm 1993 và sau đó kết hôn với luật sư Marina Wheeler. Ông được lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard rất coi trọng, nhưng sau đó bị sa thải sau vụ bê bối ngoại tình với đồng nghiệp ở tờ Spectator, Petronella Wyatt. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình BBC Today, ông Howard cho rằng, việc sa thải Johnson có thể là một sai lầm. Vào thời điểm đó, các tờ báo báo lá cải xôn xao về mối quan hệ của ông Johnson với Petronella Wyatt và nhiều câu chuyện khác tương tự. Tuy nhiên, như Max Hastings, biên tập viên tờ Daily Telegraph, nơi ông Johnson từng làm việc, đã nói, bằng cách nào đó, ông Johnson đã tránh nói về vấn đề, khiến ông không gặp tổn hại vĩnh viễn nào về mặt chính trị.
Sau này, bản thân ông Johnson cũng thường từ chối trả lời phỏng vấn những câu hỏi về cuộc sống riêng tư trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ. Các bài viết trước đây của ông khi còn là phóng viên cũng đã tranh luận về cách tiếp cận tự do đối với cuộc sống riêng tư của các nhân vật công chúng. Trong một bài viết cho tờ Telegraph vào tháng 1-1998, ông bảo vệ Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton khi cho rằng, "báo chí cố tình làm rối tung vấn đề, làm dấy lên sự thận trọng và ghen ghét của công chúng".
Năm 2008, ông Johnson được chọn là ứng viên của đảng Bảo thủ cho chức thị trưởng London. Thủ tướng lúc đó, ông David Cameron, bạn cùng trường của ông Johnson ở Eton and Oxford, ban đầu không thích ông Johnson trở thành ứng viên cho Tòa thị chính. Ông Cameron thích ông Lord Coe hơn, nhưng ông Coe không muốn đảm đương công việc này. Ông Johnson đã không làm thủ tướng thất vọng khi giành chiến thắng trước Thị trưởng đương nhiệm Ken Livingstone, thuộc đảng Lao động. Chiến thắng của ông Johnson được coi là bước đột phá lớn với đảng Bảo thủ, vốn đã mất quyền lực tại Quốc hội trong hơn 1 thập kỷ tính đến thời điểm đó.
Thành công với vai trò thị trưởng?
Ông Johnson thành công với vai trò thị trưởng London? Câu trả lời phụ thuộc vào người được hỏi. Với những người ủng hộ, ông đã làm được rất nhiều điều: cơ sở hạ tầng mới mọc lên, tội phạm giảm. Ông Johnson có chủ trương cấm tiêu thụ rượu trên phương tiện giao thông công cộng của thành phố và giới thiệu xe buýt Routemaster mới cùng với chương trình cho thuê xe đạp và cáp treo tại sông Thames, chương trình chia sẻ xe đạp tại London có tên gọi "Boris bikes"…
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, tất cả những thành tích đó đều là di sản do ông Ken Livingstone để lại. Đáng chú ý, ông Johnson đã chủ trì Thế vận hội London 2012, theo nhận xét của tờ Guardian, ông đã chứng minh được "sức mạnh lớn nhất của mình với tư cách là thị trưởng, mang đến niềm vui và tâm trạng phấn khích cho mọi người". Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Cameron - người luôn nhận thấy tiềm năng độc đáo của ông Johnson - đã mô tả ông là người có khả năng thách thức trọng lực.
Một câu hỏi được đặt ra: ông Boris Johnson thực sự là người như thế nào? Đó có phải là nhà lãnh đạo của đô thị, đa văn hóa, tự do? Hay đó là con cưng của những người ủng hộ Brexit, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của đảng Bảo thủ? Các nhà phê bình của ông và một số bạn bè tin rằng, câu trả lời là dù ông Johnson là bất cứ ai, ông cần phải nỗ lực rất nhiều khi đi trên con đường chính trị.
AN BÌNH