Những "trọng tài" trong dân

Thứ hai, 23/12/2019 18:30

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 1.127 tổ hòa giải, với hơn 8.490 hòa giải viên (HGV) ở cơ sở. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải thực hiện hòa giải thành gần 600 vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư. Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo ANTT ở địa phương.

Một tiểu phẩm do các HGV ở H. Phù Cát dàn dựng, biểu diễn tại lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải.

Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân- Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, cho biết: Hòa giải ở cơ sở là việc HGV hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Hoạt động này có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải, ngoài yếu tố "cái tình", các HGV còn vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp các bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, các quy định pháp luật đến với người dân một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu và lan tỏa sâu rộng.

Do vậy, việc nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ HGV ở cơ sở là rất cần thiết. Thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022" trên địa bàn tỉnh Bình Định, tháng 10-2019 vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho gần 600 HGV trên địa bàn các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn.

Các lớp tập huấn tập trung vào chuyên đề pháp luật về hòa giải ở cơ sở và pháp luật về thừa kế. Đội ngũ HGV được tiếp cận một số nội dung cơ bản trong công tác hòa giải ở cơ sở, như: nắm rõ nội dung, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên. Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan để vận dụng vào việc giải quyết. Gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hợp với việc giải thích pháp luật, giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của bản thân...

Bên cạnh đó, các HGV còn tham gia phân tích, xử lý những tình huống pháp luật do báo cáo viên đưa ra tại lớp tập huấn và trao đổi các vấn đề liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua những tiểu phẩm do chính HGV dàn dựng, biểu diễn. Ngoài ra, qua các lớp tập huấn, Sở Tư pháp cấp phát hơn 3.000 cuốn tài liệu, tờ gấp pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở, gồm: hỏi - đáp pháp luật về tố cáo; hôn nhân và gia đình; đất đai...

Bà Trần Thị Trang- Chi hội trưởng phụ nữ thôn Mỹ An, xã Tây Bình (H. Tây Sơn, tỉnh Bình Định), HGV ở cơ sở, tâm sự: "Ở xóm, thôn thường xảy ra những mâu thuẫn, xích mích và HGV phải là những "trọng tài"; vừa xử lý chuyện tình cảm, vừa hướng dẫn chuyện luật pháp, giúp đôi bên dĩ hòa vi quý. Việc này đòi hỏi HGV phải vận dụng nhiều kỹ năng như giao tiếp, lắng nghe, khai thác thông tin, tài liệu, nắm chắc quy định của pháp luật để tìm giải pháp tư vấn cho hợp tình, hợp lý".

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Vạn, 73 tuổi, trú thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam (H. Hoài Nhơn), người  có 17 năm kinh nghiệm làm công tác hòa giải ở cơ sở, chia sẻ: "HGV đa phần là những người nhiệt tình, có uy tín trong xã hội. Muốn hòa giải thành công, bản thân HGV phải trung trực, có tâm và nắm vững kiến thức pháp luật. Khi nói đúng pháp luật và hợp tình thì các bên mâu thuẫn sẽ tôn trọng, lắng nghe; từ đó chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì".

DƯƠNG MINH