Những tuyệt tác triều Nguyễn ra mắt công chúng
(Cadn.com.vn) - Hôm nay (6-12), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế khoảng 60 cổ vật quí hiếm của triều Nguyễn, như thể sách, Ấn hoàng thái hậu, Ấn hoàng hậu, Ấn hoàng thái tử, kiếm, bộ đồ ăn trầu, văn phòng tứ bảo, cơi thờ, lồng ấp, bộ đồ trà bằng ngọc, gậy như ý...
Tất cả các cổ vật nên trên đều được làm bằng kim loại quý, như ngọc, vàng, bạc, cũng là những tuyệt tác nghệ thuật có một không hai. Triển lãm là dịp hiếm hoi công chúng được tận mắt thưởng lãm những cổ vật được cất giữ, bảo quản vô cùng nghiêm ngặt này trong nhiều năm qua.
Mũ miện của các vua
Độc đáo nhất trong số các cổ vật triều Nguyễn là chiếc mũ bình thiên (mũ thường triều) và mũ miện (mũ tế Giao). Triều Nguyễn (1802- 1945), là triều đại cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, tồn tại trong vòng 143 năm, cai trị đất nước theo tư tưởng Nho giáo chính thống. Do vậy, mũ áo của các vua Nguyễn là một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc tạo dựng nên tính quy củ về hình thức của nhà nước quân chủ, biểu tượng uy quyền. Trên cơ sở đó, triều Nguyễn đã đề ra các quy định rất chặt chẽ về mẫu mã, màu sắc, môtip trang trí... Chất liệu các loại vải dùng để may mũ, áo, xiêm, hài cho vua thường đặt mua ở Trung Quốc, hay do các hộ dệt lụa, vải dành riêng cho triều đình. Nhiều làng dệt truyền thống trong nước tiến nộp các mặt hàng dệt chất lượng cao thay cho tiền nộp thuế. Trên áo mão của các vua thường đính vàng bạc, trân châu, kim cương... để tăng thêm giá trị và uy nghi. Ngoài ra, còn hội tụ các ty thợ, các hộ dệt đã cho thấy việc gia công trang phục của các bậc vua là cả một hệ thống các nghề liên kết nhau.
Qua nghiên cứu các nguồn tư liệu ảnh, tư liệu viết về triều Nguyễn nhất là quy định mang tính điển chế trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ của Nội Các triều Nguyễn, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy, mũ của các vua Nguyễn được ban hành những quy định rất chi tiết và chặt chẽ về chất liệu, màu sắc, họa tiết trang trí. Theo quy định của triều Nguyễn, vốn chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan niệm Nho giáo, mũ của các bậc vua nhà Nguyễn cũng có nhiều loại và mỗi loại lại có tên gọi riêng. Mũ thiết đại triều của vua gọi là mũ cửu long, mũ thiết thường triều của vua gọi là mũ bình thiên, mũ dùng trong dịp tế Giao của vua gọi là miện. Trong các nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn, lễ thiết đại triều là một trong những lễ quan trọng trong hệ thống triều nghi của triều Nguyễn, diễn ra vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng, từ tòng cửu phẩm trở lên đều đội mũ đại triều tới sân điện Thái Hòa làm lễ. Nhà vua đội mũ cửu long, mũ được thiết kế 9 con rồng, đính 31 hình rồng bằng vàng tốt, 3 hình ngọn lửa cháy, phía trước phía sau đều 1 cái bác sơn, 1 con rồng nằm ngang, 30 đóa vuông và chỉ kết các hạng ngọc khảm và trang sức bằng ngọc hỏa tề, kim cương, trân châu 140 hạt, mắt rồng đều khảm bằng ngọc trân châu nhỏ. Xếp sau lễ thiết đại triều là lễ thường triều diễn ra trong 4 ngày: mồng 5, 10, 20, 25 tại điện Cần Chánh. Nhà vua đội mũ bình thiên được thiết kế mũ 9 con rồng theo lối nhà Đường (Trung Quốc).
Ngoài ra, trong lễ tế Giao nhà đội mũ miện được thiết kế trên vuông dưới tròn, đính hai chữ "vạn thọ" hoặc hai chữ "thiên địa" bằng vàng, hình rồng mây 12 cái, hình ngọn lửa cháy 6 cái đều làm bằng vàng, dải rủ xuống 2 cái thành vòng quanh là 4 hoa sen đóa mây, mặt trước mặt sau có 24 dải lụa xuống, bên tả bên hữu mỗi bên có 1 dải rủ xuống được kết ngọc san hô, trân châu, pha lê, hạt vàng cộng 300 hạt, 4 mặt mạng lưới đều kim tuyến, kết vàng ngọc 400 hạt, trâm ngọc khảm bằng trân châu. Mắt rồng đều khảm bằng hạt trân châu nhỏ.
Mũ Bình Thiên vua đội lúc làm lễ thường triều. |
Mũ miện vua đội lúc tế Giao. |
Ngự bào của triều Nguyễn
Trang phục của các bậc vua chúa được quy định chặt chẽ về màu sắc, họa tiết trang trí, mỗi loại y phục của vua khi mặc đều có tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, vua mặc áo lúc làm lễ đại triều gọi là long bào, lễ thiết thường triều gọi là hoàng bào, lễ tế Giao gọi là long cổn. Áo của vua không chỉ khác nhau về kiểu dáng, kích thước mà còn cả màu sắc họa tiết trang trí trên áo. Áo mặc trong lễ thiết đại triều gọi là long bào được may "bằng sa đoạn sắc chính thống, thêu rồng lớn rồng nhỏ, mây, thủy ba và bốn hình phúc thọ". Trong lót sa dày, hoặc trừu đỏ hoa tứ hữu, hai cánh bằng đoạn màu lam thẫm, đậu 8 sợi tơ trắng bóng, hai mặt trước và sau đều có hai chữ "Vạn thọ" và ba hình rồng. Mỗi tay áo có một hình rồng ở hai cánh, san hô và hoa lưu, đều xâu chỗi bằng hạt ngọc châu nhỏ. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu tuyết trắng. Áo dùng trong lễ thiết thường triều gọi là hoàng bào. Trong lễ tế Giao, nghi lễ được xem là một trong những nghi lễ trong đại nhất của triều Nguyễn. Vì vậy, từ các nghi thức, các bước thực hành nghi lễ, thành phần tham dự, cho đến trang phục đều được quy định chặt chẽ, trong đó vua là chủ lễ nên trang phục của nhà vua càng được đặc biệt coi trọng. Ngoài áo, ngự phục của vua còn có xiêm. Xiêm là loại trang phục mặc ở dưới áo để che quần đằng trước. Xiêm của vua được mặc trong lễ thiết đại triều và lễ thiết thường triều giống nhau về kiểu dáng, màu sắc và cả họa tiết trang trí.
Hoàng bào của vua Khải Định mặc lúc thường triều. |
Cuối cùng là hài và bít tất: khi thiết đại triều, vua đi hài làm bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, văn thủy ba và hoa văn bằng kim tuyến, bên trong có lót lớp tơ màu vàng đỏ. Bít tất thì làm bằng tơ sợi trắng, nhuộm màu lam thẩm, phía dưới thì lót vải tây màu trắng, hợp với gấm hạng nhất, có thêu hình hoa sen vàng bằng các sợi kim tuyến. Mặt ngoài bít tất cũng thêu rồng mây và văn thủy ba, cùng kiểu với hồi văn trên hài. Trong khi đó, bít tất của vua trong các dịp thiết thường triều thì chỉ làm bằng sợi tơ nhuộm màu lam thẫm, thêu hoa sen vàng nhưng không có hình rồng và văn thủy ba. Hài cũng tương tự như trên. Hài của nhà vua dùng trong lễ tế Giao thì thật đặc biệt. Hài dệt bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, lan đằng, ngọn lửa và hồi văn kim tuyến có đính hạt cườm. Trên hài còn gắn các hạt trân châu, san hô nhỏ và đính ba chiếc châu vàng, mỗi chiếc có khảm một hạt ngọc hỏa tề và hai viên kim cương. Khi đi cày ruộng tịch điền, lẽ thường, người ta phải đi chân đất xuống ruộng nhưng vì đó là vua nên ngài vẫn "ngự" một đội ủng màu đen, có điểm xuyết những hoa văn bằng vàng, bên trong ủng lót tơ có thêu màu đỏ. Trong lễ duyệt binh, vua đi hài dệt tơ màu đen khâu lẫn với tơ bóng màu vàng, bên trong lót tơ bóng có hoa màu đỏ.
Tóm lại, mỗi bộ trang phục của các vua nhà Nguyễn là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự kết hợp của nghệ thuật may, thêu, hội họa với nghề kim hoàn. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về một triều đại đã qua; về đời sống cung đình nhà Nguyễn, đồng thời, còn khơi gợi niềm tự hào về sự khéo léo, nét tài hoa của các nghệ nhân may, thêu, hội họa thuở trước. Hy vọng một ngày không xa, những gì chúng ta tìm hiểu qua tư liệu ảnh, tư liệu sử sách sẽ được hiện thực hóa qua việc phục chế những y phục cung đình để mọi người có thể hình dung và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị vật chất và phi vật thể trên đất cố đô.
Văn Tưởng