Những vấn đề bức xúc phải nói đến bao giờ?

Thứ bảy, 20/06/2020 12:37

Hàng loạt vấn đề bức thiết về môi trường, quy hoạch treo, giải phóng mặt bằng... được các đại biểu Hội đồng nhân dân nói đi nói lại từ kỳ họp này qua kỳ họp khác đến gần hết nhiệm kỳ vẫn chưa xử lý xong.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung điều hành cuộc họp ngày 19-6.

Nói miết cũng chưa làm xong

Tại cuộc họp của HĐND TP Đà Nẵng ngày 19-6, ông Trần Văn Trường - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nói, nhiều vấn đề bức xúc trên địa bàn huyện như quy hoạch treo, đất nông nghiệp không sản xuất được, hạ tầng thiếu đồng bộ... nói đi nói lại từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn không giải quyết dứt điểm được. Không khéo, tới cuối nhiệm kỳ HĐND chỉ là tổng kết lại ý kiến của cử tri. Cụ thể hơn, ông Trường nói như dự án làng đại học quốc tế, quy hoạch các khu công nghiệp... làm thì không làm mà bỏ thì không bỏ, dân thì cứ sống trong vùng quy hoạch thấp thỏm, giải tỏa không được, sửa chữa nhà cửa không xong. Hoặc đất nông nghiệp không sản xuất được, đưa vào dự án cũng không đưa, thu hồi cũng không thu, cứ nói miết qua lại mà không biết xử lý ra sao. Tương tự các dự án giao thông như đường DH 2 Hòa Nhơn đi Hòa Sơn thi công chậm, đơn vị trúng thầu không làm lại giao cho các đơn vị khác, giờ công nhân không làm do không có lương. Đường vành đai phía Tây, dù đã triển khai nhưng giờ vẫn chưa có khu tái định cư cho dân, thử hỏi sao khó giải tỏa. Ông Trường nói, các dự án phải đồng bộ, có tính khớp nối.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà, ông Cao Xuân Thắng cũng cho biết, “điểm nóng” môi trường âu thuyền Thọ Quang đã đề cập không biết bao nhiêu lần giờ vẫn rất “nóng”.  Mùi hôi từ âu thuyền, cảng cá khiến người dân vẫn liên tục kêu la. Mặc dù các ban ngành đã xử lý, tuy nhiên theo ông Thắng, điều quan trọng nhất là phải hút lớp bùn ở đáy, có khi dày từ 1,5m đến 2m. Mùa nắng nóng, lớp bùn này sục khí khiến mùi hôi phát sinh. “TP đã bố trí ngân sách hút lớp bùn này từ năm trước nhưng tới giờ vẫn chưa triển khai. Phải xử lý căn cơ theo cách đó, chứ không phải chỉ với rác trên bề mặt” - ông Thắng nói.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết, các vấn đề bức xúc, tồn đọng cần đưa ra kỳ họp HĐND sắp tới để giải quyết dứt điểm. Bởi lẽ, còn khoảng 2 kỳ họp nữa sẽ hết nhiệm kỳ HĐND, song có nhiều vấn đề, dù được cử tri phản ánh, đại biểu đề cập nhiều vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đơn cử vụ tòa nhà Mường Thanh, ông Trung bảo, không hiểu sao xử lý mấy năm chưa xong. Trong khi, trước đây vụ xây dựng trái phép của đại gia vàng trên núi Hải Vân thì xử lý rẹt rẹt, thậm chí còn cái nhà kho chứa đồ chưa kịp tháo dỡ cũng có ý kiến chậm chễ xử lý. Ông Trung đặt vấn đề, vụ Mường Thanh xử lý chậm trễ cũng cần phải quy kết trách nhiệm thuộc về ai. Tương tự, các vấn đề về giao thông đô thị như thu phí đậu đỗ xe, bãi đỗ xe, cấm đậu đỗ ô-tô trong kiệt hẻm, cấm xe tải vào các đường nhỏ ở trung tâm... nói mãi vẫn chưa thực hiện được. Hoặc bãi rác Khánh Sơn, ông Trung bảo rất lo lắng, chỉ 2-3 năm nữa chưa có dự án Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn thì lượng rác khổng lồ sẽ đổ ở đâu? Không khéo Đà Nẵng trở thành... thành phố rác.

Đặc biệt, liên quan đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, ông Trung nói cơ chế phân cấp cho quận huyện phải gắn với phân quyền và trách nhiệm. Khi quận huyện đã quyết phương án GTĐB trình lên TP thì cứ theo đó mà làm. Hiện nay tình trạng phương án từ dưới đưa lên, sau đó khi vào thực tế lại liên tục điều chỉnh, thay đổi. Phải có một cơ chế rõ ràng.

Gỡ vướng nợ tiền đất tái định cư

Ông Cao Xuân Thắng cho biết, nhiều dự án mới sắp triển khai đang vướng khâu GTĐB vì chưa có đơn giá đền bù. Các dự án đang triển khai đền bù thì theo Nghị định 79 của Chính phủ người dân không được nợ tiền đất tái định cư (TĐC) như trước đây. Trong khi đó, số tiền dân được đền bù thấp, chỉ đủ trả tiền đất TĐC (có hộ không đủ) như vậy không còn tiền để xây nhà mới. Thành thử, giải tỏa xong lại không có nhà để ở. Mặt khác, Nghị định 79 cũng nêu rõ tới tháng 6-2021, tất cả các hộ còn nợ tiền đất TĐC từ xưa đến nay phải trả hết. Nhưng những hộ còn tồn đọng nợ hầu hết là hộ nghèo, rất khó khăn. Để không quá hạn thời gian trả nợ, phải tính theo giá thị trường, rất có thể các hộ này phải vay nóng, lãi suất cao. Cuối cùng, nhiều trường hợp mua phiếu đất TĐC của người khác bây giờ không làm được sổ đỏ vì không tìm được chủ bán phiếu TĐC trước đây. Để gỡ vướng mắc này, ông Thắng cho biết cần xem xét, kiểm tra nếu đủ căn cứ pháp lý thì tạo điều kiện cho những người mua phiếu đất được nộp tiền thay cho chủ cũ, nhận chuyển nhượng và làm sổ đỏ cho họ. Với trường hợp nợ tiền đất TĐC từ trước, kể cả những hộ giải tỏa mới, TP cần ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội cho vay xây nhà trong thời hạn 2 năm đầu không tính lãi. Có hỗ trợ như vậy mới có thể gỡ vướng trong công tác GTĐB, thúc đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng.

Hiện toàn TP có 1.335 hồ sơ liên quan tới Nghị định 79 về nợ tiền đất và cấp “sổ đỏ”. TP đang xem xét xử lý vướng mắc liên quan tới cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân này. Riêng việc ghi nợ tiền đất TĐC với các dự án đang triển khai, TP sẽ xem xét hỗ trợ căn cứ theo số tiền đền bù mà hộ dân được nhận. Sẽ hỗ trợ với các trường hợp số tiền đền bù nhận thấp.

Đó chỉ là một số vấn đề bức thiết nổi bật trong số hàng trăm kiến nghị của cử tri được nêu qua nhiều kỳ họp HĐND TP song chưa được xử lý dứt điểm. Các vấn đề tồn đọng này sẽ được đưa ra kỳ họp HĐND tới để có giải pháp xử lý dứt điểm.

HẢI QUỲNH