Những vết thương khó lành của nước Mỹ

Thứ bảy, 11/09/2021 21:49

Đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 vẫn ám ảnh nước Mỹ.

Tòa nhà WTC đổ sụp trong vụ khủng bố 11-9-2001. Ảnh: AP 

Hôm nay (11-9) nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhắm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, Lầu Năm Góc ở Washington và một máy bay đâm sầm xuống cánh đồng ở Shanksville tại Pennsylvania.

Các cuộc tấn công đã khiến 2.977 người chết, hơn 25.000 người bị thương và hậu quả còn kéo dài đến tận hôm nay. Đó là những di chứng về sức khỏe, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản cùng với hai cuộc chiến tranh gây tốn kém về người và của ở Afghanistan và Iraq. Đây vẫn là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ và cả nhân loại.

Nỗi đau của người ở lại

20 năm đã trôi qua, vẫn còn hơn 1.000 người chết đã không thể nhận dạng. Chấn thương tinh thần vẫn còn đó và mối họa khủng bố vẫn đeo dai dẳng.

Ngồi trên bãi biển gần nhà, ông Jack Grandcolas vẫn nhớ như in ngày thức dậy lúc 7 giờ sáng hôm đó, ngày 11-9-2001. Ông nhìn đồng hồ, nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi một hình ảnh như thiên thần đang bay trên bầu trời đập vào mắt ông. Ông không biết đó là gì nhưng chính khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời ông. Khắp nước Mỹ dồn dập tin tức về một vụ tấn công khủng bố, lúc đó là 10 giờ 03 và Chuyến bay 93 của hãng United Airlines vừa lao xuống cánh đồng Pennsylvania.

Với ý nghĩ vợ mình, cô Lauren, không có mặt trên chuyến bay đó nên khi nhìn thấy những cảnh kinh hoàng trên tivi, Grandcolas không lo lắng cho cô. Sau đó, ông nhìn thấy đèn nhấp nháy trên máy trả lời tự động. Lauren đã gửi 2 tin nhắn vào sáng hôm đó, khi anh đang ngủ. Đầu tiên là một tin tốt lành. Cô đã đáp chuyến bay sớm hơn từ New Jersey đến San Francisco để về nhà. Sau đó, cô gọi anh khi đang ở trên máy bay. "Có một vấn đề nhỏ", vợ ông nói nhưng sau đó cô nói "mọi việc đã ổn hơn". Grandcolas nhớ lại cô đã không nói sẽ gọi lại mà chỉ nói: "Em yêu anh hơn tất cả. Hãy nói với gia đình rằng, em cũng yêu họ rất nhiều. Tạm biệt anh yêu".

Tất cả 44 người trên chuyến bay 93 đều thiệt mạng. Lauren, 38 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng cũng ở trên chuyến bay định mệnh đó. Chuyến bay 93 là chiếc máy bay thứ tư và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị tấn công vào ngày 11-9. Trong nhiều năm, Grandcolas luôn nhắc đến cụm từ "lễ kỷ niệm 11-9". Đó là một ngày để tưởng niệm những người đã mất. "Mỗi năm, nó càng khiến tôi đau thắt. Chúng ta sẽ sống với những vết sẹo trong phần còn lại của cuộc đời mình", Grandcolas nói trong một cuộc phỏng vấn ở Pebble Beach, California.

Dù không có hồi ức rõ nét về mẹ mình, nhưng Patricia Smith đã trải qua 20 năm để tìm hiểu về bà. Thông qua những câu chuyện kể lại bởi người thân, bạn bè và những tìm kiếm trên Google, Patricia đã tìm lại được những mảnh ghép về mẹ, người phụ nữ mạnh mẽ. Bà là nữ sĩ quan duy nhất trong số 23 sĩ quan của Sở Cảnh sát New York (NYPD) thiệt mạng khi những kẻ không tặc đâm sầm máy bay vào tòa tháp đôi WTC.

Khi tòa tháp đôi bốc cháy, một nhiếp ảnh đã chụp được cảnh nữ cảnh sát Smith sơ tán một người đàn ông đầu đầy máu ra khỏi tòa nhà trước khi tiếp tục quay lại giúp đỡ những người khác. Cô Smith cho biết, tin cuối cùng mà mẹ cô truyền đi cho thấy bà đang phải chịu đựng nỗi đau lớn như thế nào: "Tôi không thể thở được. Hãy giúp tôi". "Tôi phải sống với nỗi đau đó cho đến nay", Patricia Smith cho biết.

Hiện trường ám ảnh trong vụ khủng bố 11-9-2001. 

Bóng ma khủng bố vẫn bủa vây

Theo ABC News, buổi sáng 11-9 đó, Andy Card, Chánh văn phòng của Tổng thống George W. Bush, đang ở cùng với vị tổng tư lệnh thăm trường tiểu học Emma E. Booker ở Sarasota, Florida.

 Ông Card nhớ lại cảnh một đại úy Hải quân đến gần ông và tổng thống, nói rằng một chiếc máy bay đã đâm vào tòa nhà phía Bắc của WTC. Thoạt đầu họ nghĩ đó là một tai nạn thương tâm đáng tiếc. Nhưng khi Tổng thống đang đọc truyện cho các em học sinh nghe, cũng chính viên đại úy báo với Andy Card rằng, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào Tháp Nam WTC. Card lập tức bước vào căn phòng nơi Tổng thống đang đọc sách, thì thầm vào tai phải của ông: "Nước Mỹ đang bị tấn công". Trên đường trở lại Washington, Tổng thống Bush và các nhân viên khác ở Cánh Tây đã kinh hoàng xem trên truyền hình khoảnh khắc những vụ tấn công khủng bố.

Đáp trả, Tổng thống Bush ngay lập tức phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan và sau đó là ở Iraq, Tổng thống George.W. Bush kêu gọi các quốc gia trên thế giới đi theo Mỹ để cùng "chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Nhưng sau 2 thập kỷ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, thế giới không trở nên an toàn hơn. Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu, lan đến nhiều khu vực trên thế giới, như Trung Đông - Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí ngay giữa lòng Châu Âu.

Một số ý kiến cho rằng nước Mỹ đã giành thắng lợi khi chưa có một cuộc tấn công khủng bố lớn nào khác nhằm vào Mỹ với quy mô như vụ 11-9; Osama bin Laden và nhiều thủ lĩnh hàng đầu của hắn đã bị tiêu diệt; khủng bố IS bị xóa sổ ở Syria. Tuy nhiên, những thành tích đó không có nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố đã thành công. Mặc dù các nhóm khủng bố đã bị phân tán, nhưng phong trào thánh chiến lại lan rộng ra nhiều quốc gia hơn và Taliban đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan ngay trước thềm lễ tưởng niệm 11-9.

Kế hoạch của Mỹ ngăn Afghanistan một lần nữa trở thành hang ổ của các nhóm khủng bố như Al-Qaeda, đứng trước nguy cơ phá sản và bóng ma khủng bố vẫn tiếp tục bủa vây nước Mỹ. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cùng chiến dịch sơ tán lớn nhất trong lịch sử có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực trong lòng nước Mỹ với ba mối đe dọa chính, theo đó những phần từ có quan hệ với tổ chức IS tự xưng và al-Qaeda có thể lợi dụng chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan để "hạ cánh" xuống nước Mỹ.

Người tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm quốc gia 11-9. Ảnh: AP

20 năm thay đổi nước Mỹ

Nếu như vụ tấn công 11-9 cướp đi gần 3.000 sinh mạng, thì cuộc chiến tranh kéo dài ở Afghanistan sau đó đã giết chết thêm nhiều người Mỹ khác. Trên thực tế, thiệt hại do Al-Qaeda gây ra còn ít hơn so với thiệt hại mà người Mỹ đã gây ra cho chính họ, qua những cuộc chiến kéo dài.

Theo một số ước tính, gần 15.000 binh sĩ và nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến sau vụ 11-9, và chi phí kinh tế vượt quá 6.000 tỷ USD. Thêm vào đó là số lượng thường dân nước ngoài thiệt mạng và làn sóng khổng lồ người tị nạn, chi phí còn tăng lên gấp nhiều lần. Chi phí cơ hội của nước Mỹ cũng rất lớn. Khi Tổng thống Barack Obama cố gắng xoay trục sang Châu Á - khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế thế giới, thì di sản của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã khiến Mỹ sa lầy ở Trung Đông.

Cho đến nay, nhiều người Mỹ vẫn tức giận và mất lòng tin vào chính phủ vì vẫn chưa công bố hồ sơ mật vụ khủng bố. Tuy nhiên, những người khác, những người lao đến đống đổ nát của WTC với hy vọng tìm thấy những người sống sót, tiếp tục phải chịu đựng đau đớn thể xác và tinh thần vì không khí độc hại. "11-9 là ngày dài nhất trong lịch sử", công nhân xây dựng John Feal, một trong số hàng trăm tình nguyện viên lao đến WTC để tìm kiếm nạn nhân, cho biết.

Di sản của vụ 11-9 đang diễn ra ở Mỹ còn có thể được nhìn thấy rõ ràng nhất theo cách nó làm thay đổi vĩnh viễn sự cân bằng giữa tự do dân sự và an ninh trên toàn xã hội Mỹ. Sau 2 thập kỷ, khó có thể tìm thấy một phần nào đó trong cuộc sống của người Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11-9. Từ việc tăng cường an ninh tại các sân bay đến quân sự hóa cảnh sát, những cuộc chiến tranh kéo dài hao người tốn của và cả bản chất quyền tự do của nước Mỹ đã được định nghĩa lại bởi sự kiện này.

Hoạt động di chuyển bằng đường hàng không đã bị biến đổi chỉ sau một đêm và kể từ đó đã bị thắt chặt hơn nữa. Việc vượt qua an ninh sân bay để cướp máy bay ở Mỹ ngày nay là nhiệm vụ khó khăn, khi hành khách buộc phải tháo giày và thắt lưng, bỏ máy tính và chất lỏng khỏi túi xách tay và đi qua máy quét toàn thân trước khi lên máy bay. Toàn bộ hành lý đều được quét và danh sách hành khách được kiểm tra dựa trên danh sách cấm bay chặt chẽ của FBI. Các sân bay giờ đây được trang bị các thiết bị phát hiện tối tân để tìm kiếm vũ khí và chất nổ. Trải nghiệm bay ở Mỹ không bao giờ còn như trước nữa.

Nơi làm việc có nhân viên bảo vệ vũ trang và học sinh trong trường được dạy cách thức đối phó nếu xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.

KHẢ ANH