Những việc cần làm ngay để giảm thiểu thiệt hại do vi phạm hợp đồng vì ảnh hưởng của Covid-19

Thứ hai, 23/03/2020 08:56

Hiện nay, chưa cơ quan nào có thể thống kê hết được con số thiệt hại của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đáng lưu tâm nữa là hàng loạt vấn đề pháp lý phát sinh trong giai đoạn này mà DN cần phải hiểu để giải quyết. Chuyên mục kỳ này đề cập đến các biện pháp chung để DN giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp phải bồi thường do vi phạm hợp đồng (VPHĐ) vì những ảnh hưởng gián tiếp từ Covid-19 mà không áp dụng như một sự kiện bất khả kháng.

Theo Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 302 Luật Thương mại 2005 thì, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, các thiệt hại phải bồi thường do VPHĐ bao gồm: tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; khoản lợi ích trực tiếp mà lẽ ra bên bị vi phạm sẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Do vậy, việc giảm thiểu thiệt hại đồng nghĩa với việc khắc phục vi phạm và hạn chế những tổn thất, kể cả tổn thất khoản lợi trực tiếp. Việc đầu tiên mà bên vi phạm cần làm để giảm thiểu thiệt hại đó là thông báo ngay cho bên bị vi phạm khi nhìn thấy rõ nguy cơ VPHĐ hoặc vừa xảy ra vi phạm. Trong thông báo này, bên vi phạm cần trình bày rõ những tác động của dịch bệnh đến việc thực hiện HĐ và những biện pháp mà bên vi phạm đã thực hiện và sẽ thực hiện để khắc phục vi phạm. Việc thông báo kịp thời sẽ cho bên bị vi phạm thấy rằng bên vi phạm có trách nhiệm và nỗ lực hết sức để thực hiện HĐ trong khả năng có thể. Đồng thời để bên bị vi phạm nắm bắt được tình hình thực hiện HĐ, chủ động trong việc tìm kiếm biện pháp giảm thiểu thiệt hại và có nhiều thời gian hơn để thực hiện các biện pháp này. Tiếp đến là thương lượng lại với bên bị vi phạm về việc kéo dài (gia hạn) thời gian thực hiện nghĩa vụ hoặc tạm hoãn (tạm dừng) thực hiện nghĩa vụ hoặc sửa đổi HĐ, tùy từng HĐ cụ thể và mức độ tác động của dịch bệnh đến khả năng thực hiện HĐ. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài và bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của HĐ mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐ và lợi ích các bên thì bên vi phạm có thể thỏa thuận chấm dứt HĐ với bên bị vi phạm để hạn chế thiệt hại cho cả hai bên. Lúc này, có khả năng, các bên sẽ xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường khi chấm dứt HĐ. Cần lưu ý rằng, bên bị vi phạm cũng phải áp dụng kịp thời các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi VPHĐ gây ra. Hơn nữa, dựa vào sự nỗ lực của mỗi bên trong việc khắc phục vi phạm, hạn chế tổn thất, mối quan hệ đối tác và sự thiện chí giữa các bên, bên vi phạm có thể đề nghị bên bị vi phạm chia sẻ thiệt hại giữa các bên hoặc miễn trách nhiệm. Trong trường hợp bên vi phạm đã thực hiện tất cả các bước trên nhưng bên bị vi phạm không đồng ý chấm dứt HĐ hoặc yêu cầu bên vi phạm bồi thường toàn bộ thiệt hại thì để bảo vệ quyền lợi của mình, bên vi phạm có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết chấm dứt HĐ do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự.

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.