Những "vũ khí chiến lược" trong xung đột Nga – Ukraine
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24-2 với các cuộc tấn công từ trên bộ, trên biển và trên không. Bất chấp kế hoạch tác chiến ban đầu, cho đến nay, Nga vẫn chưa kiểm soát được bầu trời và những thành phố chiến lược lớn của Ukraine.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa có mục tiêu
Trong những giờ đầu tiên của chiến dịch, tên lửa hành trình đã được triển khai rộng rãi và tên lửa đạn đạo tầm ngắn chính xác (SRBM) được bắn liên tục. Asia Times cho biết, theo ước tính của Mỹ, đợt tấn công đầu tiên Nga đã phóng đi 100 tên lửa từ đất liền và trên biển.
Theo chuyên gia Timothy Wright của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga có thể đã chỉ sử dụng SRBM chính quy và hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn (Iskander-M). Ukraine có nguồn cung cấp hạn chế đối với các tên lửa đạn đạo cũ hơn nhiều như OTR-21 Tochka và trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine đã sử dụng ít nhất một tên lửa để tấn công một căn cứ không quân của Nga ở bên trong lãnh thổ Nga.
Theo IISS, Iskander-M của Nga có tầm bắn lớn hơn Tochka và các bệ phóng của nó có thể mang nhiều hơn một tên lửa. Mỗi bệ phóng Iskander đều có vỏ bọc thép cho tên lửa và cabin của nó rất cứng để chống lại nhiệt độ cao, các mối nguy hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân cũng như nhiệt độ khắc nghiệt. Xe chở Iskander-M có thể vượt mọi địa hình và di chuyển với tốc độ lên đến 70km/giờ trong 1.100km. Rõ ràng, tên lửa của Nga có độ chính xác cao hơn nhiều lần vũ khí cùng loại của Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine có hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh và hệ thống này cũng có khả năng chống tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Joseph Dempsey là vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ tên lửa nào của Nga tham chiến hay không và một số hệ thống S-300 của Ukraine dường như đã bị phá hủy do các cuộc không kích. Do Moscow không thể nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát ngay những ngày đầu tiên của chiến dịch, nên chiến lược có vẻ đang thay đổi.
Tác chiến trên bộ
Mỹ và các quốc gia châu Âu đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí tiên tiến có thể phá hủy các phương tiện bọc thép. Những tên lửa này có thể đặc biệt hiệu quả trong môi trường đô thị do có nhiều chỗ ẩn mình để phục kích.
Trong số các vũ khí này có NLAW, hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ tiếp theo được Anh và Thuỵ Điển phát triển chung và FGM-148 Javelin, hệ thống tên lửa hạng nhẹ của Mỹ có thể tiêu diệt xe tăng từ cách xa vài ki-lô-mét. "Đơn giản là họ không có nhiều kinh nghiệm di chuyển trên một quốc gia khác với mức độ phức tạp và quy mô như thế này", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói về quân đội Nga. Quan chức này cho biết không rõ là Nga tính toán sai trong việc lập kế hoạch hay thực hiện, nhưng nói thêm rằng các lực lượng Nga có khả năng sẽ thích nghi và thay đổi cách thức hoạt động của họ.
Một vũ khí khác đã trở nên quan trọng đối với người Ukraine trong cuộc chiến là máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar TB2, một loại máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể mang vũ khí chống giáp cỡ nhỏ. Theo nhà sản xuất, máy bay không người lái này có thể mang vũ khí chống phương tiện cỡ nhỏ, rất có thể là "bom, đạn siêu nhỏ thông minh" Roketsan MAM-L. Những quả bom chỉ nặng 22kg nhưng được thiết kế để sử dụng một lượng điện tích nhỏ để xuyên thủng áo giáp và phá hủy xe quân sự.
Chiến thuật bao vây
Nga đã đổi chiến lược từ tấn công trực tiếp vào các tuyến phòng thủ của Ukraine sang chiến thuật bao vây trong những ngày gần đây.
Người đứng đầu khu vực Kharkiv, Oleg Synegubov cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã đánh vào trung tâm thành phố lớn thứ hai của Ukraine. BM-21 là một trong những hệ thống tên lửa phóng hàng loạt (MLRS) được quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch này. Một tiểu đoàn gồm 18 bệ phóng có thể phóng 720 quả rocket chỉ trong một lần tác chiến. Các chiến thuật bao vây thường bao gồm việc bao vây các vị trí của đối phương, cắt đứt các đường tiếp tế và thoát hiểm, sau đó tấn công bằng một lực lượng tổng hợp của thiết giáp, bộ binh và công binh.
KHẢ ANH