Niềm tin nơi "phòng tuyến"

Thứ tư, 29/07/2020 12:00

Từ BV Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên đảm nhận công việc hướng dẫn bệnh nhân gọi điện hỏi chồng con đã ngủ chưa để chị về chuẩn bị vài bộ đồ, dụng cụ sinh hoạt cá nhân thiết yếu cho đợt cách ly đối với toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của BV. Kể từ khi biết lịch trình phức tạp của các ca bệnh mới, chị đã chủ động đi sớm về muộn để "tránh mặt", hạn chế tiếp xúc với 2 đứa con nhỏ. Chồng chị Lan, nhà báo Nguyễn Đông nhanh chóng chuẩn bị sẵn đồ đạc rồi chở vợ đến cổng cách ly kèm bao nỗi lo toan. Cả hai vợ chồng làm đúng cái nghề đối diện thường xuyên với các nguy cơ nhiễm dịch thì con nhỏ giờ tính sao? Ở nhà chăm sóc chúng thì không hoàn thành nhiệm vụ đối với tòa soạn trong khi diễn biến dịch bệnh thay đổi từng giờ. Vừa chăm con vừa đi làm thì mình hoàn toàn có thể mang nguy hiểm về cho chúng. Chở 2 đứa trẻ đi gửi vào nhà một người quen sau nửa ngày ngồi đắn đo, suy tính, Đông lủi thủi về nhà khoác bộ đồ bảo hộ đặc chủng còn giữ lại từ đợt dịch trước, đi vào khu vực "phòng tuyến" lần đầu được dựng lên để phong tỏa, bắt đầu cho cuộc chiến chống Covid-19 ở ổ dịch BV Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng. Từ khu cách ly, chị Lan đăng dòng trạng thái mới trên facebook cá nhân với caption "Tạm thời xa cách nhau" kèm những tấm hình bên chồng con khiến nhiều bạn bè xúc động. Trò chuyện qua điện thoại, chị tâm sự: "Xách ba lô lên, nhìn 2 cháu ôm nhau ngủ mình quay mặt ứa nước mắt. Hầu hết cán bộ, nhân viên của BV cũng đều trong tình cảnh này. Có tí lo lắng, nhưng chúng tôi đã quyết tâm cùng nhau vì một Đà Nẵng an toàn".

Bác sĩ Nguyễn Minh An và đồng nghiệp lạc quan, thể hiện sự quyết tâm trong
thực hiện nhiệm vụ kép vừa cách ly theo dõi sức khỏe vừa chăm sóc bệnh nhân.

Thùy Trang- Phóng viên Báo Lao động thuộc Văn phòng Miền Trung- Tây Nguyên đóng tại Đà Nẵng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trong khi chồng là bác sĩ Phạm Minh An đã cùng các đồng nghiệp đang bắt đầu đợt vừa cách ly theo dõi sức khỏe vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân thì Trang ở ngoài vừa lo việc gia đình, thực hiện giãn cách xã hội vừa phải cập nhật thông tin, hình ảnh về công tác phòng chống dịch của chính quyền, người dân TP. Nhiều hôm đi làm về mệt rã rời, việc đầu tiên là gọi điện cho chồng, nghe tin an toàn là mệt nhọc tan biến, lại lao vào xử lý công việc. "Ảnh dặn say nghề nhưng cũng phải giữ cho mình an toàn. Mình nghĩ trong bụng "anh lo cho anh đi đã". Nói thật là đợt cách ly này chưa biết kéo dài bao lâu, nhưng chúng tôi đều tin là ngành y tế có thể vượt qua với sự chung sức, đồng lòng của người dân cả nước", chị Trang chia sẻ.

Trong khi bên ngoài, người dân từng bước chấp hành nghiêm chỉnh cách ly xã hội thì bên trong cổng 3 BV phong tỏa, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cùng bệnh nhân và người nhà của họ cũng thiết lập một nhịp sống mới bằng sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau đi qua thời gian khó khăn, chiến thắng đại dịch. Sáng 28-7, trên mạng xã hội chia sẻ một video ghi lại hình ảnh bác sĩ BV C Đà Nẵng đang động viên bệnh nhân của mình trong thời gian cách ly. Sau lời tâm sự, động viên tinh thần, vị bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ đặc biệt đã bắt nhịp để mọi người cùng hát vang bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", các bệnh nhân ai ngồi giường nấy cũng hát theo với tâm trạng thoải mái, lạc quan. Chủ nhân của video này cho biết họ đang được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo, cuộc sống, sinh hoạt tuy không được tự do như ở nhà nhưng luôn đảm bảo những nhu cầu thiết yếu. Người vừa đi động viên tinh thần vừa làm nhạc trưởng trong clip dễ thương này chính là bác sĩ Lê Văn Đương (Khoa cấp cứu của BV C Đà Nẵng). Khi xem clip được chia sẻ, cộng đồng mạng đã liên tục "thả tim" và dành cho bác sỹ cùng bệnh nhân những lời bình luận trìu mến. "Ở trong bệnh viện mà họ còn lạc quan để cùng nhau vượt chiến thắng dịch bệnh thì mình phải có trách nhiệm giữ được tinh thần này. Dịch nguy hiểm thế thì rõ ràng ai cũng lo, nhưng với tinh thần này thì Đà Nẵng nhất định sẽ vượt qua", anh Trần Huy- chủ một tài khoản facebook bình luận khi xem video.

Nhân viên y tế khu điều trị cách ly, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Các khu dân cư xung quanh 3 BV của Đà Nẵng được xác định liên quan đến các ca bệnh đã nhanh chóng được phong tỏa, một hình ảnh như ở Vĩnh Phúc, Hà Nội đã lần đầu tiên được thiết lập ở Đà Nẵng cho thấy mức độ nguy hiểm, đồng thời cũng là phản ứng cần thiết của chính quyền TP sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những chiếc barie được dựng lên trong các cung đường ô bàn cờ như là phòng tuyến cho cuộc chiến chống Covid-19. Phòng tuyến này đặc biệt là cả hai phía đều cùng chiến tuyến. Những ngôi nhà, con phố bên trong barie đang chiến đấu bằng cách... đứng yên, thiết lập một nhịp sống mới. Bên cạnh họ là những chiến sĩ công an, nhân viên y tế, tình nguyện viên, các tầng lớp nhân dân sẵn sàng tiếp sức để "nội ứng, ngoại hợp". Một phòng tuyến mà bên ngoài tưởng yên bình nhưng trong đó, mỗi ngôi nhà, mỗi con người đang âm thầm chiến đấu bằng trách nhiệm của một công dân chống dịch như chống giặc, không để nó bị vỡ.

So với giai đoạn 1 của "cuộc chiến chống dịch Covid-19" cách đây 4 tháng, Đà Nẵng xác định sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra chính xác nguồn lây của các ca bệnh. Nhưng vượt qua nỗi lo lắng ban đầu, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, với sự chi viện của các chuyên gia ở hai đầu đất nước và sự ủng hộ của người dân cả nước, chính quyền và nhân dân TP chắc chắn sẽ kiên trì, đoàn kết, đồng lòng vượt qua với cam kết dành thắng lợi trong "cuộc chiến" này. Đó như là lời thề nơi những phòng tuyến đã được lập ra bằng niềm tin và quyết tâm của người Đà Nẵng.

CÔNG KHANH