"Nín thở" qua cầu!
(Cadn.com.vn) - Làm chi mà có vẻ căng thẳng rứa Ba Đông Sơn?
-Căng lắm, không riêng gì Ba mà nhiều người khác cũng có chung tâm trạng này.
-Vậy, Ba kể cho Bề Tui nghe thế nào?
-Đợt mưa lũ vừa rồi, cây cầu A Sáp bắc qua dòng sông A Sáp ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) đã bị đứt gãy một nửa nhịp khiến hàng trăm hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu là bà con đồng bào DTTS của xã Đông Sơn bị cô lập, nhiều học sinh phải nghỉ học. Để ra được ngoài xã, bà con chỉ có cách duy nhất là đi băng đường quốc phòng nhưng con đường này dài gấp 3 lần và điều đáng nói, trận mưa vừa rồi, đường này cũng bị sạt lở, dốc đá trơn trượt nên rất nguy hiểm.
-Vậy là sau khi cầu gãy thì học sinh bị "tắc" chữ, người dân "tắc" đường làm ăn luôn à?
-Thì đúng như rứa đó. Nhưng để tạo điều kiện kịp thời cho các em học sinh cũng như người dân đi lại được thuận lợi trên tuyến giao thông huyết mạch, sau khi nước rút, ngày 4-11, chính quyền xã Đông Sơn đã khẩn trương huy động dân làm cây cầu tạm qua cây cầu bị nước lũ cuốn trôi. Thế nhưng, mặt cầu tạm hẹp so với cầu cũng như đường đầu cầu cũ tạo "nút cổ chai" rất nguy hiểm, người qua lại muốn nín thở luôn vì hồi hộp, lo bị rớt xuống nước.
-Vậy, chính quyền địa phương nói gì về nỗi lo của người dân?
-Ông A Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho rằng, người dân lo là lo rứa thôi chớ cầu tạm như vậy là chắc chắn rồi bởi cầu tạm này chỉ dành cho người đi bộ và phương tiện thô sơ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới cũng nói vậy. Thế nhưng, theo Bề Tui thấy thì ở 2 đầu cầu không hề có biển cảnh báo cầu nguy hiểm và cấm các loại xe khác nên rất nhiều xe máy chở hàng hóa cũng lưu thông qua cây cầu này.
-Trong khi chờ xây cầu mới, Bề Tui thấy rằng, chính quyền địa phương cần điều chỉnh phù hợp thiết kế cầu tạm cho vững chắc hơn để người dân an tâm khi qua lại cầu. Đồng thời, nên đặt biển báo cấm các loại xe lớn chở hàng cồng kềnh qua cầu tạm này để đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua cầu.
Bề Tui