Ninh Thuận bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích và dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 10 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, làm tử vong 8 em, trong đó có 7 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Để trẻ em có môi trường sống lành mạnh trong thời gian nghỉ hè, đồng thời đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tập huấn phòng chống đuối nước. |
Tỉnh Ninh Thuận đã huy động sự tham gia đóng góp, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất với phương châm không một trẻ em nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 mà không được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; kỹ năng an toàn trong môi trường nước đến trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, khu dân cư để bảo đảm an toàn nhất cho trẻ em.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; xử lý nghiêm khắc và kịp thời đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em; đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát lại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và nguy cơ mất an toàn khác để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em; rà soát những khu vực có sông, hồ, ao, suối, kênh, rạch, mương, hố nước, giếng nước, cống thoát nước, công trình đang thi công...mà chưa có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc biển cảnh báo bị hư hỏng, chưa có rào chắn thì phải khắc phục và lắp đặt ngay; chỉ đạo làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ và các biện pháp trợ giúp đối với các trường hợp trẻ em bị đuối nước xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát con, em trong thời gian nghỉ hè; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em và người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh; nâng cao nhận thức của các gia đình trong việc quan tâm, quản lý, bảo vệ trẻ em trong các hoạt động vui chơi, giải trí hằng ngày đối với trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn để tránh tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước xảy ra.
Công Thử