Nỗ lực dập dịch Covid-19 trong 10 ngày
Qua 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương (BN 1552) và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (BN 1553), ngày 27-1, các lực lượng chức năng đã vào cuộc thần tốc và phát hiện thêm 96 ca mắc mới tại Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đến nay, các lực lượng đã cơ bản khoanh vùng, xác định các đối tượng cần lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Tại cuộc họp sáng 28-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bình tĩnh, khoanh vùng, cách ly truy vết thần tốc các nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: VGP |
98 ca lây nhiễm trong cộng đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết tại cuộc họp khẩn giữa Ban Chỉ đạo và Thường trực Chính phủ, bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ Y tế và các lực lượng liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh "mạnh hơn". Phó Thủ tướng nhấn mạnh do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới (theo thông tin của phía Nhật Bản), nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch. Đối với tỉnh Hải Dương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy 190 mẫu xét nghiệm, cho kết quả 72 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tại Quảng Ninh, các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp phong tỏa khu vực Sân bay Vân Đồn, xác định được 355 ca F1; 124 ca F2; 2 ca F3 của bệnh nhân số 1.553, đã công bố sáng 28-1. Kết quả xét nghiệm phát hiện thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, lực lượng chi viện của ngành Y tế đã nhanh chóng có mặt tại huyện Chí Linh, Hải Dương, như đã chi viện cho Đà Nẵng trước đó. Theo đó, các lực lượng khẩn trương lấy mẫu nhanh cho các ca F1, F2; xác định các đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân 1.552, đã công bố sáng 28-1. Trước đó, ca bệnh 1.552 (BN 1552, nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam), là công nhân Cty POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản). Bệnh nhân đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khẳng định tối 27-1 cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2; đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh 1.553 (BN 1553-nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam) là nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Do có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, bệnh nhân đã tự đến bệnh viện khám. Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm tối 27-1 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngay sau cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 28-1. |
Nhanh hơn, quyết liệt hơn
Sau cuộc họp trên, trưa 28-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo với tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, trong đó, ông nhận định Việt Nam có thể ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân mới nhưng cả nước sẽ thực hiện mọi biện pháp để nỗ lực dập dịch trong 10 ngày.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, diễn biến dịch Covid-19 hiện nay đã được dự liệu trước, "bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra nhưng thực tế diễn biến rất phức tạp". Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện xét nghiệm, phát hiện cùng lúc 2 ổ dịch, với 91 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy, chủng mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi tất cả các giải pháp chống lây lan nhanh hơn, kiên quyết hơn so với tất cả các đợt dập dịch trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bộ Y tế đã phản ứng nhanh trên tinh thần "thần tốc", "chống dịch như chống giặc", trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, phức tạp. "Chúng ta không mất một giờ, phút nào và cần phải tiếp tục phát huy tinh thần này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài việc tiếp tục truy vết các ca F1, F2, F3, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh khẩn trương mở rộng diện truy vết, đặc biệt liên quan đến Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trên cơ sở các cơ quan chức năng đã xác định số lượng hành khách đi và đến sân bay trong vòng 15 ngày qua. Mặc dù, mức độ rủi ro không cao nhưng vẫn không loại trừ các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định tại cơ sở y tế, bởi chủng mới của virus SARS-CoV-2 lan nhanh, khi có dấu hiệu bị cúm, sốt, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế.
Nguồn lây bệnh từ đâu?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có 3 nguồn lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 tại các ổ dịch mới bùng phát. Thứ nhất là mầm bệnh trong cộng đồng. Nếu làm tốt các biện pháp phòng dịch, mầm bệnh này sẽ được phát hiện ngay. Mầm bệnh thứ 2 là người nhập cảnh hợp pháp, được đưa vào cách ly. Thứ 3 là nguồn nhập cảnh bất hợp pháp. Do đường biên giới của nước ta rất dài, việc ngăn chặn nguồn bệnh này không chỉ phụ thuộc lực lượng chức năng mà cần toàn dân vào cuộc. Ông đề nghị các địa phương quản lý thật chặt 3 nguồn lây nhiễm này. "Nếu làm tốt dịch sẽ không thể xâm nhập vào Việt Nam, có chăng chỉ vài đốm nhỏ. Chúng ta có kiểm soát được dịch hay không phụ thuộc vào các địa phương", Phó thủ tướng nói. Hiện tại, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có những kịch bản cụ thể, sẵn sàng mức cao nhất khi có hàng nghìn người nhiễm.
Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Ở Đà Nẵng, chúng ta mất 23 ngày để dập dịch. Giờ đây, con virus này dù nhanh hơn, chúng ta phải nhanh hơn nó, cố gắng 10 ngày sẽ dập tắt. Từ hôm qua đến nay, các địa phương đang chạy đua với thời gian". Trước đó, Bộ Y tế điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y tế Công cộng và Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm ngay trong sáng 28-1. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử cán bộ và sinh viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
B.T