Nỗ lực dạy bơi cho học sinh
(Cadn.com.vn) - Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, mô hình dạy bơi theo cụm trường tại TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã mang lại những tín hiệu vui. Học sinh (HS) háo hức tham gia các lớp dạy bơi ngay tại trường. Cán bộ, giáo viên, phụ huynh tỏ ra phấn khởi vì HS, con em được trang bị kỹ thuật bơi lội một cách bài bản cùng kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước và thương tích.
Chính quyền, trường học cùng vào cuộc
Năm 2014, giáo viên, HS, người dân địa phương không khỏi vui mừng khi công trình bể bơi tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn, Quảng Nam) được UBND huyện đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Công trình không chỉ dành riêng cho HS nhà trường và con em sinh sống, học tập trên địa bàn xã Điện Thắng Bắc, mà còn là bể bơi dùng để phục vụ chung cho toàn thể HS, trẻ em trên địa bàn các xã lân cận.
Cũng được xây dựng theo mô hình cụm trường, công trình bể bơi tại Trường THCS Lê Đình Dương (xã Điện Quang, TX Điện Bàn) được tổ chức khai thác khá hiệu quả trong thời gian qua. Đây là công trình phục vụ cho con em, HS 3 xã vùng trũng nhất TX Điện Bàn. Từ khi có bể bơi, không chỉ trẻ em, mà cán bộ, giáo viên và người dân địa phương tỏ ra hết sức phấn khởi vì con em, HS có điều kiện thuận lợi để tham gia học bơi và rèn luyện TDTT.
Sau 1 năm hoạt động, kết quả có khoảng hơn 1.000 trẻ em hoàn thành chương trình học bơi tại 2 bể bơi này. Con số tuy còn khá khiêm tốn so với tổng số HS, trẻ em sinh sống, học tập trên địa bàn, nhưng đây thực sự là một tín hiệu vui của ngành giáo dục nói riêng sau bao nhiêu năm tích cực tham mưu thực hiện và là động lực để các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình.
Bởi nói như ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT TX Điện Bàn, việc xây dựng được các bể bơi theo mô hình cụm trường học là một sự nỗ lực của ngành và chính quyền huyện, nhằm ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em, từng bước thực hiện phổ cập bơi cho HS trên địa bàn. Mục tiêu này thực sự mang ý nghĩa nhân văn lớn lao khi mà địa bàn các xã thuộc TX Điện Bàn đều thấp trũng, lũ lụt thường xuyên xảy ra, kèm theo số lượng ao, hồ, sông suối chằng chịt…
Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc, việc triển khai xây dựng bể bơi theo mô hình cụm trường để phục vụ dạy bơi cho HS và con em ở trong khu vực là một giải pháp hay. Bởi xuất phát từ tình hình thực tế, nếu thực hiện xây dựng ở mỗi trường 1 bể bơi thì sẽ không có kinh phí thực hiện, mà nếu có kinh phí xây dựng thì bể bơi sẽ không phát huy hết công năng sử dụng vì số lượng HS tham gia học bơi cũng như chương trình dạy bơi của mỗi nhà trường có hạn. Do đó, đầu tư xây dựng bể bơi theo cụm trường trở thành một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết những bất cập, hạn chế nói trên.
HS hào hứng tham gia học bơi tại bể bơi xây dựng theo mô hình cụm trường. |
Tiếp tục nhân rộng mô hình?
Hiện các công trình bể bơi này vừa được sử dụng để huấn luyện, dạy bơi cho HS lớp 3, 4 ,5, 6, 7 trên địa bàn khu vực, vừa dùng để dạy bơi cho thanh thiếu niên ở các xã lân cận khu vực trường có bể bơi. Theo kinh nghiệm triển khai của phòng GD-ĐT TX Điện Bàn, để đảm bảo cho bể bơi hoạt động tốt và hiệu quả, mỗi bể bơi đều có một Ban quản lý bể bơi do UBND huyện thành lập, chịu trách nhiệm giúp hiệu trưởng trường có bể bơi quản lý toàn bộ hoạt động. Giáo viên, huấn luyện viên dạy bơi là giáo viên dạy thể dục và người có chuyên môn, nghiệp vụ về bơi lội có giấy chứng nhận. Còn nhân viên y tế, kế toán, bảo vệ, cộng tác viên đều do nhân viên chuyên trách của các trường học kiêm nhiệm thực hiện. Kinh phí chi trả được thực hiện theo ngân sách Nhà nước phân bổ và kinh phí từ nguồn thu phí của người tham gia học bơi và tập luyện.
Với những hiệu quả mà mô hình bể bơi theo cụm trường mang lại, ngành GD-ĐT thị xã đang tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND TX Điện Bàn đầu tư xây dựng thêm các bể bơi tại các khu vực còn lại nhằm tạo điều kiện để tất cả các HS, trẻ em được tiếp cận với các lớp huấn luyện và dạy bơi.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc cho hay, sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu học bơi của con em, HS địa phương, hiện nay, các bể bơi gặp phải 3 vấn đề khó khăn nên chưa khai thác hết công suất sử dụng. Đó là, do địa bàn các trường phân bố rộng trong khi số lượng bể bơi còn ít nên việc đi lại của con em, HS chưa thuận lợi.
Công tác tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng chống nạn đuối nước trong quần chúng chưa cao nên nhận thức của người dân còn hạn chế. Kinh phí để duy trì, vận hành bể bơi và chi trả tiền lương, trợ cấp cho giáo viên, nhân viên còn thiếu. Chính vì vậy, làm thế nào để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này là vấn đề hết sức trăn trở của ngành GD-ĐT địa phương.
Khải Minh