Nỗ lực giúp Ukraine xuất khẩu nông sản

Thứ năm, 02/06/2022 10:07
Trong bối cảnh xung đột Nga Ukraine bước sang tháng thứ tư, các cảng của Ukraine ở Biển Đen vẫn đang bị phong tỏa, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Litva mới đây đề xuất thành lập một liên minh hải quân nhằm phá thế phong tỏa ở Biển Đen, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới.
Nga phong tỏa các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen, chặn tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Kiev ra thế giới. Ảnh: Atlantic Council
Nga phong tỏa các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen, chặn tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Kiev ra thế giới. Ảnh: Atlantic Council

"Viễn cảnh thảm họa" về thiếu hụt lương thực

Theo số liệu của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc nhiều thứ tư thế giới trong mùa vụ 2020-2021, bán 44,7 triệu tấn ngũ cốc ra nước ngoài, chủ yếu là sang Trung Quốc, châu Phi và châu Âu. Ukraine cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới. Trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine từ ngày 24-2 vừa qua, 90% ngũ cốc và dầu hướng dương được vận chuyển qua các cảng Ukraine qua Biển Đen. Tuyến đường này giờ đây đã bị đóng, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là tại các khu vực nghèo khó như châu Phi. Đầu tháng này, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, hàng triệu người trên thế giới có thể sẽ chết nếu các cảng biển của Ukraine vẫn còn bị phong tỏa.

Tổng thống Senegal - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên châu Phi (AU), cho rằng việc ách tắc tại các cảng biển ở Ukraine là nhân tố có thể gây ra "viễn cảnh thảm họa" về thiếu hụt lương thực trên diện rộng, đẩy giá lên cao trên khắp lục địa châu Phi. Phát biểu trước các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham dự kỳ họp thượng đỉnh của khối tại Brussels (Bỉ) ngày 31-5 với trọng tâm là trợ giúp Ukraine, Tổng thống Senegal Macky Sall nói rằng việc chặn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua ngả Biển Đen là điều gây lo ngại với châu Phi, khu vực có tới 282 triệu người rơi vào tình cảnh suy dinh dưỡng.

Theo ông Sall, giá phân bón tại châu Phi đã tăng gấp ba lần so với thời điểm năm 2021. "Theo ước tính sơ bộ, sản lượng ngũ cốc ở châu Phi sẽ bị suy giảm từ 20-50% trong năm nay. Chúng tôi muốn các bên liên quan làm mọi việc trong khả năng để giải phóng các kho chứa ngũ cốc, bảo đảm vận chuyển hàng hóa và tiếp cận thị trường", Tổng thống Senegal bày tỏ quan điểm.

Châu Phi nhập khẩu khoảng 44% sản lượng lúa mỳ từ Nga và Ukraine trong giai đoạn 2018-2020. Xung đột Ukraine cùng với đứt gãy chuỗi cung lương thực đã khiến giá mặt hàng này tăng cao. Theo Ngân hàng phát triển châu Phi, giá lúa mỳ tại châu lục này đã tăng 45% kể từ hồi đầu năm.

Các cuộc đàm phán đạt tiến triển

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko trong các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Nga hôm 25-5 đã nói rằng Moscow sẵn sàng mở hành lang đi lại an toàn cho tàu thuyền vận chuyển lương thực - nhưng chỉ với điều kiện phương Tây dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Nga.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tìm cách phá thế phong tỏa của Nga ở Biển Đen, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã đề xuất thành lập một liên minh hải quân để bảo vệ tàu thuyền Ukraine khỏi tên lửa của Nga, cho phép ngũ cốc Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen ra thế giới. "Với nỗ lực này, tàu hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai có thể bảo vệ tàu chở ngũ cốc Ukraine rời Odessa an toàn và tới eo biển Bosphorus mà không bị lực lượng Nga cản trở. Chúng ta cần một liên minh, gồm các nước có lực lượng hải quân mạnh mẽ, để bảo vệ hành lang vận chuyển trên biển", ông Landsbergis trả lời phỏng vấn Guardian tuần trước.

Hôm 30-5, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đánh giá cao dự án thiết lập một tuyến đường biển an toàn để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tayyip Erdogan cùng ngày, Tổng thống Putin đã nói với ông Erdogan rằng Nga sẵn sàng tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa tự do trên biển, bao gồm cả ngũ cốc, từ các cảng của Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng tái khẳng định rằng Moscow có thể xuất khẩu một số lượng đáng kể phân bón và lương thực nếu các biện pháp trừng phạt Moscow được dỡ bỏ.

Cũng theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo nước này nhìn chung hoan nghênh ý tưởng biến Istanbul thành trụ sở cho một "cơ chế giám sát" giữa Moscow, Kiev và Liên hợp quốc (LHQ). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khẳng định với Tổng thống Nga rằng Ankara sẵn sàng làm việc này nếu đạt được một thỏa thuận giữa các bên liên quan.

Hôm 31-5, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, cơ quan này đã có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" với cả Nga, Mỹ và các bên liên quan về việc tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Nga và Ukraine trở lại thị trường toàn cầu.

Tổng thống Zelensky thừa nhận 100 quân nhân Ukraine tử trận mỗi ngày

Ngày 1-6, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nói rằng tình hình tại miền Đông nước này đang vô cùng cam go, thừa nhận có khoảng 60-100 quân nhân nước này tử trận mỗi ngày.

Hãng thông tấn nhà nước Tass (Nga) dẫn nội dung bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Vladimir Zelensky với kênh truyền hình Newsmax cho hay còn số thương vong mỗi ngày của lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là khoảng 60-100 quân nhân thiệt mạng, 500 binh sĩ khác bị thương. Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Tình hình khó khăn nhất là tại miền đông Ukraine, nam Donetsk và Lugansk… Chúng tôi mất 60-100 binh sĩ mỗi ngày và khoảng 500 quân nhân khác bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ". Ông Zelensky cũng tuyên bố các lực lượng vũ trang Ukraine đang "giữ vành đai phòng thủ của chúng tôi" ở miền đông Ukraine, đồng thời tiến hành "phản công và gây sức ép" ở khu vực Kharkov.

AN BÌNH