Nỗ lực khống chế được dịch vào cuối tháng 8-2020
Chiều 21-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và một số địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch Covid-19. Dự tại điểm cầu TP Đà Nẵng có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến chiều 21-8, cả nước ghi nhận 1.009 trường hợp mắc Covid-19, 26 trường hợp tử vong.
Theo ông Nguyễn Thành Long, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. “Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế”, ông Long nói.
Cũng theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, kinh nghiệm đáp ứng phòng, chống dịch với ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố cho thấy khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong những ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận rải rác một số ca nhiễm mới (2-6 ca/ngày) và hôm nay (21-8), chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm. Điều đặc biệt tất cả những ca nhiễm mới trong thời gian gần đây dều nằm trong sự kiểm soát, phát hiện của thành phố. “Hầu hết những ca nhiễm là F1 đã được cách ly trong các khu vực tập trung, những người là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân BV Đà Nẵng đã được di chuyển về TTYT các quận, huyện để cách ly; chỉ có một vài ca cộng đồng không đáng kể, chưa truy vết được nguồn gốc lây lan. Do đó chúng tôi đánh giá rằng với số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây đi vào chiều hướng chúng ta kiểm soát được và số lượng giảm dần dần xuống, cho phép chúng ta dự đoán được rằng với những biện pháp hết sức đúng đắn, đồng bộ và kiên quyết của chúng ta thì có thể tiến tới khống chế được dịch vào cuối tháng 8 này”, ông Thơ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP, tổng số ca ghi nhiễm trên địa bàn Đà Nẵng đến chiều 21-8 là 369 ca, đã chữa khỏi gần 100 ca, hiện chỉ còn 241 ca đang điều trị. “Hằng ngày số ca xuất viện từ 5-10 ca nhưng số ca nhiễm mới thì rất thấp, do đó hiện nay các BV Dã chiến Hòa Vang, BV Phổi cũng bắt đầu giảm tải dần dần. Về vấn đề truy vết, khoanh vùng những vùng có nguy cơ thì hiện nay TP Đà Nẵng đang thực hiện vùng cách ly y tế 15 vùng với chục ngàn dân. Đặc biệt là tập trung truy vết những trường hợp còn sót lại có liên quan đến BV Đà Nẵng”, ông Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp. |
Tăng tốc để truy hết những trường hợp có nguy cơ cao
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người từng đến BV Đà Nẵng vẫn là điểm nguy cơ hiện nay của thành phố. Thỉnh thoảng thành phố vẫn phát hiện trong cộng đồng có những người chưa khai báo, có những người chưa được truy vết liên quan đến BV Đà Nẵng và đã xuất hiện dương tính với Covid-19. Do đó thành phố cũng đề cao việc chỉ đạo tăng tốc để truy hết những trường hợp còn lại, không chỉ là người từng đến BV Đà Nẵng mà những người thân thích có tiếp xúc với họ.
“Số lượng liên quan đến BV Đà Nẵng, đến nay thành phố đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm được 17.000 người. Những khu vực tiếp theo được dự báo có nguy cơ vừa, nguy cơ thấp như chợ. TP Đà Nẵng đang tiến hành lấy mẫu tiểu thương, người dân đi chợ, người dân sống khu vực xung quanh các chợ để xét nghiệm. Song song đó, thành phố cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những người trong khu vực thiết lập cách ly y tế cộng đồng và đang tiến đến mở rộng khu vực lân cận để lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay công suất xét nghiệm của Đà Nẵng đã lên tới 12.000-13.000 mẫu/ngày và tổng số xét nghiệm của TP hiện nay lên đến 170.000 xét nghiệm. Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp nên đã nâng được công suất lên rất nhanh. Đây có thể nói rằng là chìa khóa rất quan trọng, nhờ đó thành phố đã kịp thời “phủ sóng” tất cả những vùng có nguy cơ cần phải rà soát nhanh. Và cũng nhờ chiến lược xét nghiệm này, chúng ta đã chạy nhanh, đón đầu được dịch và ngăn chặn dịch lây lan ra. Đồng thời chúng ta cũng truy vết thật nhanh để phát hiện ra những ca nhiễm trong cộng đồng và tiến hành truy vết, cách ly, dập dịch”, ông Thơ nói.
Về công tác điều trị, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong 241 ca đang điều trị tại BV Dã chiến Hòa Vang và BV Phổi Đà Nẵng, có khoảng 70% bệnh nhân không có triệu chứng, 31 ca có xu hướng tiến triển nặng và rất nặng… “Dự kiến trong 4-5 ngày tới, Đà Nẵng sẽ gỡ bỏ phong tỏa BV Đà Nẵng. Hiện nay trong quá trình làm sạch, BV Đà Nẵng cũng đã cơ bản ổn định”, ông Thơ cho biết.
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, các bộ ngành, các địa phương vẫn tiếp tục xác định Đà Nẵng là một trong những tâm dịch, điểm nóng để tiếp tục có những hỗ trợ về nhiều phương diện… Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Đà Nẵng được tiếp tục áp dụng hỗ trợ đối tượng chính sách, nghèo khó, người lao động… trong tháng 8 và 9-2020. Ngoài ra, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị các bộ ngành, địa phương liên quan hỗ trợ phối hợp cùng thành phố để đưa số lao động, HSSV trở về quê nhà…
Tìm giải pháp để làm thế nào có thể tổ chức kỳ thi THPT được an toàn Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra chiều 21-8, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, hiện nay Đà Nẵng có khoảng 11.000 học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT. Đây là một số lượng rất lớn, nếu như các em không thực hiện được kỳ thi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn tiếp theo trong cuộc đời của mình. Cho nên thành phố đang tích cực trao đổi và tìm giải pháp để làm thế nào có thể tổ chức được kỳ thi này. “Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cùng phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ với TP Đà Nẵng để kỳ thi có thể được diễn ra tại một thời điểm mà chúng tôi cho rằng có thể an toàn hơn. Ví dụ vào tầm ngày 9/10/11-9-2020. Tại thời điểm đó dịch ở TP Đà Nẵng đã cơ bản được kiểm soát. Đồng thời chúng tôi cũng chuẩn bị được những phương án về phòng chống dịch, bảo đảm tuyệt đối để cho kỳ thi được diễn ra an toàn”. Ông Thơ cho rằng, hiện thành phố có thể tiến hành xét nghiệm tăng tốc trong một ngày có thể đạt được đến 14.000 em học sinh cũng như lực lượng coi thi, bảo vệ và các lực lượng hỗ trợ khác. Tuy nhiên, khi tiến hành làm xét nghiệm cho các em và các lực lượng phải sát với ngày thi mới có thể đảm bảo an toàn được. “Song song với việc xét nghiệm, trong phòng thi phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, đeo khẩu trang, rửa tay, sát trùng rồi thực hiện việc ngồi giãn cách. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị từ đây đến đó, thành phố cũng có những biện pháp giám sát, cách ly cộng đồng dân cư theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để không xảy ra hiện tượng, trường hợp tiếp xúc với những nguy cơ khi bước vào thi... Với sự chuẩn bị và quyết tâm như vậy, hy vọng chúng ta sẽ đảm bảo được kỳ thi diễn ra trong an toàn. Chúng ta sẽ giải quyết được bài toán vừa phòng chống dịch, đề cao việc giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong mùa thi, đồng thời chúng ta cũng đảm bảo được cho các em thi được kỳ thi này thì nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề sau này của các em… Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GD-ĐT nên thảo luận với các địa phương, sớm có phương án để giải quyết vấn đề này, trong đó bàn với Chủ tịch UBND Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương có học sinh thuộc diện F1, F2 để tiếp tục tổ chức tốt đợt thi tới trên tinh thần bảo đảm an toàn; chuẩn bị cho khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương. L.H |
Làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn… “Các cấp, các ngành, đặc biệt ngành y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Chúng ta xác địch chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. “Ngành y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc Covid-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong. Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải làm nhanh hơn, làm sớm hơn, cương quyết hơn bởi vì đường nào thì đây cũng là nơi chữa bệnh, dễ lây nhiễm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất hiện ca bệnh thì phải khoanh gấp, kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lây lan diện rộng. Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng cần có chế tài bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết. Hệ thống khai báo y tế cần phải thuận lợi, tránh mất thời gian… “Các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ người nhập cư trái phép trong nội địa và quản lý biên giới; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú sử dụng lao động nhập cư trái phép. Đồng thời, theo dõi, nắm chắc tình hình, không để dịch bùng phát, nếu có phải nhanh hơn, nhạy cảm hơn, chính xác, kịp thời hơn đối với mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là một yêu cầu đặt ra đối với công cuộc phòng, chống dịch…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, sẽ sớm sửa đổi chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc, không có thu nhập một cách thuận lợi hơn nữa, phương án này Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm trình Chính phủ.
LÊ HÙNG