Nô nức khởi nghiệp "xanh"

Thứ sáu, 01/01/2021 22:35

Không hẹn mà gặp, nhiều bạn trẻ ở Lâm Đồng đã có chung ý tưởng khởi nghiệp "xanh" với mong muốn làm giàu từ những sản vật đặc trưng ngay chính quê hương mình. Ý tưởng của họ tuy không mới nhưng lại là hướng đi của thời cuộc, khi sống xanh, sống lành mạnh đang dần phổ biến ở mọi miền đất nước.

Ra mắt Dự án khởi nghiệp "Liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ Tà Năng - Ma Bó" của chi hội nông dân huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Lúa, gạo hữu cơ của đồng bào Chu Ru

Tà Năng, Đa Quyn là hai xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Đã từ lâu, người đồng bào dân tộc Chu Ru nơi đây quen với trồng lúa theo tập quán lạc hậu, cho năng suất thấp. Tuy nhiên, năm 2020, mọi chuyện đã khác. Đó là thời điểm dự án khởi nghiệp "Liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ Tà Năng - Ma Bó (Tamarice)" ra đời. Dự án do Hội Nông dân huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng nhằm sản xuất lúa hữu cơ, liên kết nhân dân sản xuất lúa của hai xã Đa Quyn và Tà Năng để tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bà Ma Thạnh, thành viên phát triển dự án tâm sự, bà là người Chu Ru, sinh ra trên mảnh đất này. Thấu hiểu được khó khăn của bà con, bà luôn mong muốn phát triển kinh tế cho gia đình, nông dân địa phương từ chính mảnh đất và nghề trồng lúa từ bao đời của cha ông để lại. Xuất phát từ nguyện vọng đó, bà cùng các hội viên Hội Nông dân xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ ngay tại quê hương.

Trong năm 2020, dự án đã thực hiện liên kết sản xuất 300 ha lúa hữu cơ với 300 hộ người Chu Ru tại hai xã Đa Quyn, Tà Năng. Khi tham gia dự án, các hộ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững như trồng ở vùng đất sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng nguồn nước tự nhiên dẫn về từ đồi núi, sông suối. Quá trình chăm sóc, các hội viên chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học. Sau khi thu hoạch, 70% số thóc sẽ được vận chuyển tới công ty để xay xát và đưa đi tiêu thụ, 30% còn lại sẽ được xay xát tại chỗ và bán trực tiếp tại địa phương.

Theo tính toán, dự kiến một năm sẽ canh tác được 2 vụ, mỗi vụ sản xuất được khoảng 1.500 tấn thóc. Như vậy, trung bình 1 ha trồng lúa hữu cơ thu hoạch đạt 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ, tăng gấp đôi so với sản xuất lúa thông thường.

Nâng cấp sản vật địa phương

Với vùng nguyên liệu dồi dào tại chỗ, nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ hướng đến đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch, chế biến nhằm "nâng cấp" sản phẩm. Tại vùng rau Đơn Dương lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, dự án Bột rau củ sấy lạnh của bạn Nguyễn Thị Huyền Trâm (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) ra đời như là một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp nơi đây. Từ điều kiện thuận lợi của vùng nguyên liệu rau củ khổng lồ này kết hợp với công nghệ chế biến sau thu hoạch, dự án sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân, đặc biệt trong những thời điểm rau củ rớt giá, ế ẩm. Hiện tại, những sản phẩm đầu tiên của dự án là 16 loại bột rau, củ, quả khác nhau. Cụ thể như bột cải xoăn, bột diếp cá, bột bí đỏ, bột khoai lang tím, bột súp lơ, bột bó xôi, bột cà rốt... Theo bạn Huyền Trâm, dự án hướng đến sản xuất hữu cơ giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các loại bột rau củ này sẽ bổ sung chất xơ, vitamin cần thiết hàng ngày và tiện sử dụng với mọi người.

Tương tự, sản phẩm của "Dự án Cải xoăn sấy giòn - Snack Kale" của hai sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh và Trịnh Mai Công (Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt) dù chưa phổ biến ra thị trường nhưng cũng có nhiều tiềm năng. Ưu điểm của sản phẩm này là gọn nhẹ, dễ mang đi, được phối trộn với các gia vị thuần Việt.

Theo bạn Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên thực hiện dự án, cải xoăn (còn gọi là cải kale) là một loại siêu thực phẩm được mệnh danh là nữ hoàng dinh dưỡng với rất nhiều vitamin và khoáng chất, có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, loại rau này ngày càng được người tiêu dùng tin dùng như một loại thực phẩm cao cấp. "Tuy nhiên, việc chế biến tươi rất mất công, thời gian bảo quản ngắn. Sản phẩm cải xoăn sấy giòn ra đời với nhiều ưu điểm, có thể ăn như một dạng snack, giữ được dinh dưỡng vốn có của cải kale đặc biệt là chất xơ" - Thùy Linh cho biết.

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2020" được tổ chức mới đây, nhiều dự án khởi nghiệp đã tạo thành một hệ sinh thái kết nối với nhau trong cộng đồng khởi nghiệp của địa phương. Tác giả của những dự án đó chính là những người con sinh ra hoặc học tập, sinh sống tại Lâm Đồng. Qua cuộc thi, những dự án này đã liên kết, bổ trợ cho nhau, mở ra cơ hội cùng phát triển trong tương lai.

Điển hình như dự án phát triển trùn quế Đơn Dương của hợp tác xã phụ nữ Đơn Dương. Đây là dự án tận dụng các phế phẩm sản xuất từ nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi qua xử lý enzyme khử mùi hôi và tăng tốc độ phân hủy rác hữu cơ để nuôi trùn quế, tạo ra sản phẩm phân trùn quế và thịt trùn quế nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tại địa phương.

Dự án "Hana Đà Lạt - Sản phẩm nông nghiệp và Du lịch canh nông" của bạn trẻ Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (thành phố Đà Lạt) là mô hình kinh doanh khai thác kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp để gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Bạn Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, chủ nhiệm dự án cho hay, dự án cùng đồng hành với địa phương, người dân và các chuyên gia nghiên cứu thị trường. Từ đó xây dựng Hana Dalat dựa trên mô hình kinh doanh Canvas, có tính sáng tạo cao, kết hợp công nghệ 4.0 và sàn thương mại điện tử, các nền tảng kinh doanh thời đại số để đưa sản phẩm vươn xa.

Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng Ban giám khảo Ngày hội khởi nghiệp Lâm Đồng 2020, nhiều dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp năm nay chủ yếu hướng đến du lịch và nông nghiệp để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc thù của địa phương. Ngay tại cuộc thi, một số dự án đã kết nối với nhau, hình thành một chuỗi cộng đồng, một hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều tiềm năng. "Dù mới là những dự án tham gia cuộc thi nhưng có 50% số dự án đã được thương mại hóa, tức là đã được triển khai, có sản phẩm kinh doanh được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện về pháp lý cũng như chứng nhận chất lượng sản phẩm cho các dự án, qua đó giúp các bạn trẻ có cơ hội phát triển mạnh sản phẩm của mình ra thị trường" - bà Nhâm cho hay.

N.D