Nỗi ám ảnh giông sét

Thứ ba, 22/05/2018 16:00

Là địa phương, có nơi đạt mức giờ giông cao nhất cả nước với 489 giờ/năm, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây,TT-Huế có hàng chục người tử vong do bị sét đánh.

Lãnh đạo H. A Lưới đến chia sẻ với gia đình nạn nhân Ra Pát Băng bị sét đánh chết vào chiều 19-5.

Những cái chết thương tâm

Khoảng 15 giờ 30 ngày 19-5, em Ra Pát Băng (25 tuổi, trú xã A Đớt) và em Lê Văn Chinh (23 tuổi, trú xã Hương Lâm, H.A Lưới) đang điều khiển xe máy kéo theo sau xe bò trên đường đi làm đồng về thì gặp mưa giông. Cả 2 em không may bị sét đánh trúng, mặc dù đã được người dân phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND H.A Lưới cho biết, khi đến thăm, hỗ trợ gia đình 2 nạn nhân, mọi người vô cùng xót xa trước hoàn cảnh thương tâm. Cả 2 nạn nhân đã có vợ, con, gia đình rất nghèo khó và đều là những người trụ cột trong gia đình. Vợ Ra Pát Băng đang mang thai con thứ  hai. "Mùa gặt anh ấy đi làm ruộng, trái mùa ai thuê mướn chi cũng làm miễn là có tiền nuôi con. Anh Băng dự tính, đợt này đi làm dành dụm vài triệu đồng để khi đón đứa con thứ hai chào đời, có tiền mua cho con lon sữa nhưng không ngờ ông trời đã lấy đi sinh mạng của anh rồi"- vợ của Ra Pát Băng nói trong đau đớn.

Chị Nguyễn Thị Ph. (41 tuổi, trú xã Hương Toàn, TX Hương Trà, TT-Huế) đang đi dặm lúa trên cánh đồng thuộc xã Hương Toàn thì trời bất chợt đổ mưa giông. Do công việc đang dở, chị Ph. về nhà lấy áo mưa mặc vào, rồi tiếp tục ra đồng làm thì bị sét đánh tử vong. Cho đến chiều tối, gia đình đi tìm mới phát hiện. Chồng bị bệnh xương khớp, bao năm qua, chị Ph. trở thành trụ cột gia đình. Chị ra đi để lại 4 con đang tuổi ăn tuổi học, giờ đây vừa thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người mẹ, vừa thiếu thốn cả vật chất. Cũng thời điểm này cách đây 2 năm, chỉ trong 1 tuần (từ 28-5 đến 4-6), trên địa bàn tỉnh TT-Huế đã có 3 người tử vong và 8 người bị thương do sét đánh, chủ yếu là nông dân đang làm việc đồng áng.

Tại địa bàn H.A Lưới, giông sét trở thành nỗi ám ảnh của nhiều ngôi làng. Men theo đường Hồ Chí Minh đi vào hướng nam khoảng 30km, xã Đông Sơn (A Lưới, TT-Huế) được nhiều người gọi là "làng trời đánh". Chủ tịch UBND xã Đông Sơn khẳng định, quanh năm người dân phải gánh chịu những trận cuồng phong, sấm sét khiến nhiều gia đình tán gia bại sản. "Thiên lôi ghé thăm quanh năm nhưng "ông" đánh nhiều nhất là vào những tháng đầu năm khiến mọi công việc vào thời gian này đều phải ngưng trệ. Trụ sở ủy ban xã cũng từng bị sét đánh toác một mảng lớn ở cột trụ khiến ai nấy đều lo lắng, sợ hãi". Tài sản duy nhất của gia đình anh Hồ Xuân Dí (thôn Ta Vai, xã Đông Sơn) là 2 con trâu, thế mà bị sét đánh chết cùng một lúc khiến gia đình anh trắng tay. Hay gia đình anh Hồ Văn Trọng chỉ sau một cơn giông dữ bị sét đánh cháy toàn bộ ngôi nhà và tài sản của đôi vợ chồng trẻ tích cóp được. Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, hằng năm có cả chục con trâu bò bị sét đánh chết, nhiều nhà bị thiêu cháy, còn thiết bị điện tử thì bị cháy đếm không xuể. Và cái chết luôn cận kề khiến người dân âu lo, khiếp hãi mỗi khi ra khỏi nhà lúc trời mưa...

Có thể tránh được giông sét

Theo Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, trên thế giới có 3 tâm giông sét gồm: Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm giông sét Châu Á. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lần sét đánh. Số ngày giông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Trong đó, A Lưới (TT-Huế) đạt mức giờ giông cao nhất là 489 giờ/năm. Giông xảy ra ở TT-Huế tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Theo cơ quan chức năng, qua các trường hợp bị giông sét đánh ở TT-Huế cho thấy, đa số nông dân chưa có cách phòng tránh thiên tai đúng cách.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hàng ngày, sau khi nhận được các bản tin cảnh báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chuyển tiếp thông tin cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN cơ sở để chủ động thông tin kịp thời cho người dân trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai như lốc, sét. Đồng thời, yêu cầu các địa phương sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo giông, lốc, sét, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống giông, sét đến với người dân trên địa bàn.

Theo ông Hùng, khi có hiện tượng giông sét cần rút dây, phích cắm các thiết bị điện. Đối với những người đi làm đồng, khi gặp giông sét không nên cố đi về nhà mà cần tìm chỗ trú mưa an toàn gần nhất. Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên là có thể sắp bị sét đánh. Lúc đó, lập tức ngồi thụp xuống càng thấp càng tốt, tay bịt tai. Không nằm xuống đất mà nhón chân, hạn chế tiếp xúc với mặt đất ít nhất để điện tích truyền xuống qua cơ thể. Ngoài ra, khi trời giông sét, mọi người không nên đứng tại những nơi rộng rãi, quang đãng như cánh đồng, sân golf, nhà kho, bãi đỗ xe, sân thượng... vì ở đó chỗ cao con người dễ thành mục tiêu bị sét đánh. Nếu buộc phải ở đó, cần tránh tiếp xúc đồ kim loại (xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm...) vì chúng dẫn điện tốt. Khi có cơn giông cần tránh bơi lội, tránh xa sông, suối, bể nước...

H.LAN