Nơi ấm áp trái tim quay về...

Thứ bảy, 28/06/2014 09:41

(Cadn.com.vn) - Đã có những lúc tôi thầm buồn cười với câu hỏi cắc cớ: vì sao hai người khác giới, chưa hề quen biết nhau trong trùng trùng điệp điệp muôn người của thế gian này, một ngày nào đó bỗng gặp nhau, yêu nhau rồi về sống với nhau, vượt qua bao gian khó nhọc nhằn của cuộc đời này đến răng long đầu bạc? Và không chỉ có thế, từ mái ấm gia đình với tình yêu thương dường như vô điều kiện, bao thế hệ đã ra đời tiếp bước nhau duy trì hành trình sự sống. Gia đình, thật kỳ diệu và thiêng liêng là vậy!

 Trong hành trình công việc của mình, tôi có dịp tiếp xúc với bao cảnh ngộ. Xình xịch theo con tàu xuôi ngược Nam - Bắc, hoặc những chiều lang thang nơi xóm nhỏ heo hút nào đó trên dải đất dằng dặc miền Trung, tôi từng chạm vào những gia đình sống dưới mái tranh nghèo. Lẫn trong rơm rạ khói đồng, lam lũ thiếu thốn là thế mà rộn rã tiếng cười cùng những ánh nhìn thân thương trìu mến.

Thế mới hiểu ra một điều hết sức bình dị: hạnh phúc không chỉ có được ở nơi giàu có, sang trọng mà cội rễ của nó xuất phát từ sự yêu thương, san sẻ của mỗi thành viên trong gia đình. Cũng từ đây, những chú bé, cô bé lon ton đen nhẻm nơi đầu hè, góc vườn ngày nào sẽ lớn lên trong tình thương yêu mộc mạc của cha mẹ, xóm làng, sẽ bay đến khắp mọi miền của Tổ quốc... Gia đình chắp cánh ước mơ cho mỗi người là vậy!

Có một vài gia đình, dù được cha mẹ yêu thương, chăm sóc hết mực vẫn không chắc chắn rằng tất cả đứa trẻ đó đều trở thành người tốt, song có thể khẳng định đa số trẻ hư hỏng đều có điểm xuất phát chung là gia đình tan vỡ. Khi tổ ấm không còn, trẻ em sẽ bơ vơ tội nghiệp giữa dòng đời, tiệm cận với cái xấu, cái ác nhiều hơn, sớm tiêm nhiễm lối sống bất cần đời, có những hành vi sai trái. Xã hội có tốt đến mấy cũng không thể thay thế đầy đủ tình yêu thương gia đình.

“Cha mẹ yêu con không điều kiện, những người khác có điều kiện mới yêu con” – câu này không hoàn toàn đúng với tất cả mọi trường hợp, song nó cũng nói lên được tình cảm vô bờ bến của cha mẹ. “Nước mắt chảy xuôi” luôn là đạo lý truyền thống, sự hy sinh của bậc làm cha mẹ từ bao đời nay đã tạo dựng nền móng vững chắc cho mỗi gia đình. Gia đình vô cùng quan trọng cho mỗi cuộc đời là vậy!

Hạnh phúc đơn sơ.

Muốn giữ gìn được tổ ấm gia đình, mỗi thành viên phải biết gột rửa “cái tôi” – sự ích kỷ. Phải thực sự biết tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách được ban hành nhằm xóa dần khoảng cách về giới, hướng đến mục đích “vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Trên thực tế, công cuộc giải phóng phụ nữ đã có những kết quả đáng kể. Với kỳ vọng sớm sải bước dài để được bình đẳng giới, nhiều người mong muốn xóa ngay và triệt để sự “bất công” trong gia đình.

Tuy nhiên trong hiện tại, vẫn còn tồn tại hai thái cực: trong khi một số ông chồng vẫn còn rơi rớt tư tưởng độc đoán gia trưởng, muốn được hưởng nhiều “đặc quyền đặc lợi” hơn, thì cũng đã xuất hiện những bà vợ có đòi hỏi bình đẳng giới hết sức thái quá mà quên đi những điều tốt đẹp như “công dung ngôn hạnh”, thậm chí còn đua đòi cả những thói hư tật xấu của đàn ông cho “bình đẳng”(?). Trong khi đó, do đặc điểm giới tính, có mẫu số chung rằng việc nặng nhọc nam giới gánh vác, còn với phụ nữ thì công việc nhẹ nhàng hơn, đi liền với đó là sự bận bịu, vất vả thực hiện thiên phú sinh nở, nuôi con... Do vậy, điều quan trọng nhất để giữ gìn tổ ấm là sự đồng cảm, sẻ chia. Đó mới là cội nguồn hạnh phúc của gia đình.

Cũng cần nói thêm điều này: gia đình dù quan trọng đến đâu cũng không có nghĩa phải níu giữ bằng mọi giá hoặc bất chấp tất cả. Từng có gia đình quanh năm suốt tháng, vợ con phải chịu đựng ông chồng độc đoán, vũ phu. Một khi nỗ lực hàn gắn vẫn không đem lại kết quả, người phụ nữ rất cần sự mạnh mẽ, quyết đoán để sắp xếp lại cuộc sống mới mà ở đó, các thành viên gia đình được tôn trọng, được yêu thương và được cống hiến. Nhẫn nhục trong trường hợp này là tiếp tay cho những ông chồng vũ phu, phạm pháp. Giải thoát khỏi những gia đình – tù ngục ấy cũng góp phần giải quyết các mâu thuẫn, phòng tránh các vụ việc, vụ án trầm trọng gây phức tạp cho gia đình và xã hội...

Trong những ngày này, đi trên phố chúng ta thấy lòng mình dâng trào cảm xúc hạnh phúc khi đọc dòng chữ ấm áp cổ vũ cho Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: “Gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc”; “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn”...  Vâng, gia đình, có lúc nhỏ nhoi như một tế bào, có khi lớn lao như một thành trì nhưng điều quan trọng nhất của gia đình chính ở sự giản dị, mộc mạc, đằm sâu như là hơi thở, như là máu thịt, và rất lung linh, tha thiết đi vào trong bao áng thơ ca nhạc họa.

Mỗi khi nhắc đến gia đình, trong tôi lại xốn xang nhớ về Ba ngọn nến lung linh của gia đình Ngọc Lễ - Phương Thảo cùng với tiếng đàn măng-đô-lin ríu ra ríu rít và tha thiết nao lòng: “Gia đình, gia đình/ ôm ấp ta những ngày thơ/ cho ta bao nhiêu niềm thương mến/ gia đình, gia đình/ vương vấn bước chân ra đi/ ấm áp trái tim quay về...”.

Nguyễn Đức Nam