Nỗi buồn riêng trong thơ Tưởng
(Đọc tập thơ “Đợi những vắng xa”, Trương Công Tưởng, NXB Hội nhà văn tháng 8/2021)
Sinh ra nơi thung lũng xa xôi, lớn lên cùng “mái nhà đầy hoa cải” và “mảnh vườn nhỏ những trưa hè nằm hát”, chàng thi sĩ Bình Định Trương Công Tưởng yêu vô cùng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Với gã trai tuổi đời mới quá ba mươi ấy, “viết như một nhu cầu tự thân để giãi bày, sẻ chia và tìm thấy chính mình; giúp mở lòng ra với thế giới xung quanh, nhìn nhận cuộc sống với lăng kính đa chiều để hiểu ra rằng nên trân quý mọi thứ và hãy yêu thương cuộc đời khi còn có thể”.
Trương Công Tưởng, tác giả tập thơ “Đợi những vắng xa”.
Tình yêu cuộc sống và lòng thấu cảm trước nỗi đau của những mảnh đời bên cạnh mình đã làm cho gã trai ấy già sớm hơn, cái nhìn cũng chua xót hơn các bạn làm thơ trẻ khác. Đọc 45 bài thơ trong tập thơ mới ra“Đợi những vắng xa”của Trương Công Tưởng, ta bắt gặp một nỗi buồn hồn nhiên nhưng không kém phần da diết khi ngẫm nghĩ về cuộc đời của những người đàn bà nông thôn mà “ở đó mẹ vẫn ngồi vấn tóc/ đợi cha về từ ngọn núi xa”(Khúc mùa).
Trương Công Tưởng, cây bút trẻ Bình Định đã từng đoạt Giải B –Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2019, Giải thưởng Cuộc thi sáng tác Văn học Bình Định mở rộng 2018-2019. Từ “Ngồi gỡ tơ trời” (2018) đến “Đợi những vắng xa” (2021), cây bút trẻ ấy đã tiến những bước khá xa trong cách sẻ chia, suy ngẫm về nỗi niềm người đàn bà nông thôn bằng một tiếng thơ riêng lấp lánh những nỗi buồn.
Dưới cái nhìn của Tưởng trong “Đợi những vắng xa”, người đàn bà sinh ra từ làng Năng bị cái nghèo, cái khó cứ bám riết như định mệnh: “Đất làng hiền người làng hiền/ con gái lấy chồng về bên kia sông/ của hồi môn là cái nghèo/ nỗi buồn mang theo từng câu hát” (Làng). Bởi biết thân biết phận, người đàn bà nơi ấy nhẫn nhục cam chịu, lấy sự tảo tần, chịu khó làm niềm vui riêng mình dù biết rằng có cố gắng mấy rồi “biển lại về sông”: “họ là những người gánh biển/ đổ lên nguồn, biển lại về sông” (Người đi về phía biển). Không chỉ nhẫn nhịn với cái nghèo, người mẹ làng Năng tự gánh cái khổ một đời bởi những hi sinh cho chồng, cho con. Gia tài họ còn lại gì ngoài đôi bàn tay chai sạn, khuôn mặt mộc mạc, làn da thô ráp cùng hoàn cảnh trái ngang: “Cha cứ bước đi ngõ mới/ Mẹ vẫn dõi theo và đôi lần nhắc nhớ:- Bảo cha mày đừng hút nhiều thuốc, đừng uống nhiều rượu.../ Riêng mẹ vẫn cô đơn năm tháng cỏ mòn” (Cỏ mòn). Câu thơ đọc lên nghe như tiếng thở dài về những đắng đót của số kiếp đàn bà năm tháng như cỏ dại mòn mỏi và đơn độc.
Hình ảnh người mẹ ngồi chải tóc đêm đêm trở đi trở lại trong thơ Trương Công Tưởng; ngay từ tập thơ đầu tay anh đã đề cập đến: “Mẹ ầu ơ thương lời ru đi lạc/ Đêm xõa tóc mẹ ngồi bóng trăng rụng thềm rêu” (trích “Ngồi gỡ tơ trời”). Trong “Đợi những vắng xa”, người mẹ ấy đang chải thời gian, không gian, chải cả những mong chờ đi vắng đã từ lâu: “Đêm sâu dài ngõ vắng/ chó sủa trăng mẹ ra sân chải tóc/ tóc rối như đời” (Những đêm nằm ở phố). Chỉ có những người quen thức đêm mới biết đêm dài, Tưởng cũng vậy, anh thao thức buồn cùng trăng để làm thơ và chứng kiến bi kịch đời mẹ. Thế mới biết, lòng hiếu đạo của người con đối với mẹ đâu chỉ bằng những quan tâm mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông cùng những nỗi đau!
Tưởng viết cho mẹ, cho chị mình cũng chính là viết cho bao người phụ nữ khác trong niềm đau đớn khi đơn côi “vượt cạn”: “Mẹ đi biển một mình giữa mùa hè biển động/cắt rốn mang tôi về giữa cơn giông/những người đàn bà đi biển không bóng dáng đàn ông” (Trước biển). Thơ Tưởng xót đau cùng sản phụ khi chịu những vết rách sâu trên da thịt mình để sinh ra một đứa con lành lặn. Vết thương ngoài da của chị theo tháng năm có thể lành sẹo còn vết thương lòng khâu mãi vẫn loét, vẫn đau: “Người sản phụ nằm trên than lửa/ Sữa chảy tràn giữa mông lung/ Tiếng khóc lay thức giấc mơ vừa chớm/ Vết loét chưa khô mở miệng ửng hồng” (Kinh đêm). Nhưng những người mẹ mang nỗi niềm riêng ấy không để cho bi kịch đời mình ghì sát đất; bằng ý chí của con người miền Trung thắt đáy lưng ong, họ đã biết vượt lên trên nỗi buồn để làm nơi tựa cho con. Tấm lòng mẹ như lu nước mát “tưới lòng con xanh những mầm cây”, là cả một niềm thơ trong tim đứa con như Tưởng: “Mẹ phơi nốt nhạc trên dòng kẻ chằng chịt dây điện/ thơ con bay lên” (Phố bàng).
Xuyên suốt qua 45 bài thơ trong “Đợi những vắng xa”, cảm hứng chung của thơ Tưởng vẫn là nỗi buồn lấp lánh, là tiếng lòng đồng cảm dành cho những người đàn bà mà hạnh phúc lứa đôi đối với họ là món quà xa xỉ. Song khác với tập đầu tay“Ngồi gỡ tơ trời”; ở tập thơ thứ hai của đời cầm bút, người đọc được thẩm thấu những dòng thơ chín lịm cảm xúc qua thơ tự do, một thể thơ vốn sở trường của Trương Công Tưởng . Tuy còn ít tuổi nhưng thơ anh đã thu hút lượng “fan” khá đông đảo; đó là một động lực, một hạnh ngộ cho một cây bút trẻ. Song cũng là áp lực lớn đòi hỏi Trương Công Tưởng không ngừng trau dồi để có những bứt phá trên con đường sáng tác thăm thẳm và đầy chông gai này./.
Đà Nẵng đầu thu 2021
Nguyễn Thị Thu Thủy