"Nồi cơm thầy Hiếu" và những bếp lửa yêu thương...

Thứ năm, 14/11/2013 11:11

(Cadn.com.vn) - Chuyên mục "Mỗi ngày một câu chuyện" của Trung tâm Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) mới đây phát sóng câu chuyện "Nồi cơm thầy Hiếu" khiến không ít người xem truyền hình xúc động...

Chuyện kể, cách đây hơn 6 năm, ở xã Đăng Hà, H. Bù Đăng (Bình Phước), một số HS Trường Tiểu học Đăng Hà run tay, run chân, thậm chí ngất xỉu trong giờ học buổi chiều vì... đói. Cũng vì không có cái ăn nên không ít HS ở đây đành dứt bỏ hành trình đi tìm con chữ, ở nhà theo bố mẹ lên nương làm rẫy  mưu sinh. Hằng ngày, chứng kiến cảnh nhiều học sinh đến trưa lại tụm năm, tụm bảy quanh gốc cây bàng ở sân trường đập trái bàng ăn chêm vào bữa cơm trưa mang theo ít ỏi, đạm bạc, tập thể HĐSP Trường TH Đăng Hà do thầy Phan Công Hiếu làm Hiệu trưởng, đau lòng xót xa, trăn trở tìm hướng để tổ chức bếp ăn tình thương cho các em. Thông qua sự vận động, đóng góp trong toàn trường, kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, các tấm lòng hảo tâm, từ năm học 2007-2008 đến nay, "Bếp ăn tình thương" của Trường TH Đăng Hà đã tiếp sức cho nhiều HS nghèo ở xã Đăng Hà - xã xa nhất của H. Bù Đăng-tiếp tục đến trường. Những giọt nước mắt long lanh hạnh phúc cùng những lời bộc bạch trẻ thơ của các em HS: "Con về nhà, khoe với bố mẹ ở trường, con được các thầy cô cho ăn cơm trưa rất no và rất ngon. Bố mẹ con rất vui, mừng lắm..."; hay  ánh nhìn chứa chan sự biết ơn của các bậc PH ở Đăng Hà... đã nói lên tất cả việc làm đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn cao cả của tập thể HĐSP Trường TH Đăng Hà làm được suốt hơn 6 năm qua...

Xem chuyện "Bếp ăn tình thương" của các thầy cô Trường TH Đăng Hà khiến tôi da diết nhớ đến các thầy cô ở Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là Trường ĐH Khoa học Huế). Ngày ấy, đời sống của thầy cô còn nghèo khó, chật vật lắm nhưng tấm lòng thì vô cùng rộng mở. Mỗi lần có dịp gặp nhau để  "ôn cố tri tân" quãng đời ĐH ở Huế, các anh chị lớp trên vẫn thường nhắc lại kỷ niệm những lần ghé thăm nhà thầy cô với mục đích... "làm ấm" cái bụng đói của mình... Còn nhớ, trước tết Nguyên đán năm 4, tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc nộp đề cương luận văn và chào cô để về Đà Nẵng ăn tết. Sau khi xem và chỉnh lại một số nội dung trong đề cương, cô mời tôi ở lại ăn cơm trưa. Trong bữa cơm, biết tôi e ngại không dám gắp thức ăn, cô và thầy cứ liên tục gắp thức ăn vào chén cho tôi. Đến lúc về, cô ân cần hỏi: "Em cầm chút tiền của thầy, cô mà mua vé tàu về cho an toàn...". Tôi nói dối: "Dạ! Cô đừng lo. Em vẫn còn tiền!". Miệng từ chối mà lòng rưng rưng xúc động. Thật ra, lúc đó tôi chẳng còn một đồng nào để đón xe về quê ăn tết... Sau này, qua các anh chị đồng môn đi trước, tôi được biết, không riêng gì cô Lộc, các thầy cô trong khoa Ngữ Văn đều như vậy. Mỗi dịp 20-11, lớp tôi rồng rắn kéo đến nhà thầy cô chúc mừng. Quà có khi chỉ là một đóa hoa hồng, sang lắm là tờ lịch tờ, vậy mà tình cảm thầy trò nồng ấm...

Thời buổi thị trường, đôi khi thật-giả, vàng-thau lẫn lộn, nhiều vụ bê bối, không đẹp trong ngành GD-ĐT được báo chí phản ánh khiến xã hội dần dần đánh mất niềm tin về hình ảnh đẹp của người thầy. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, thời đại nào cũng vậy, tấm lòng và chữ tâm sáng ngời của người thầy không hề thiếu. Điều quan trọng, cần biết thắp sáng, nhen lên trong mỗi một con người về niềm tin ấy. Như ngọn lửa yêu thương được nhen lên từ "bếp ăn tình thương" của Trường TH Đăng Hà xa xôi đã và đang thắp sáng cho bao mảnh đời học sinh tiếp bước đến trường!

P.Thủy