Nỗi đau đuối nước (Kỳ cuối: Cần nhiều giải pháp đồng bộ)

Thứ tư, 25/10/2017 14:30

Qua những vụ đuối nước trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em rất nhiều, song phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Mặt khác, tai nạn đuối nướccũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Một thực trạng khác cũng không thể bỏ qua, đó là khi các em ứng cứu lẫn nhau lại chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người đuối.

 

Theo một số chuyên gia trong ngành giáo dục, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi... Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, các trường học có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường như một chương trình bắt buộc; đồng thời cũng cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.

Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc CSPCCC TP Đà Nẵng nhìn nhận: “Lứa tuổi thanh thiếu niên có tính hiếu động cao, thích tụ tập thành nhóm để vui chơi ở những địa điểm công cộng có nguồn nước biển, sông, ao, hồ vào mùa nắng nóng. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra đuối nước, các bậc cha mẹ, thầy cô nên hướng dẫn cho các em những nguy cơ tiềm ẩn, những kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi lội. Tuyệt đối tuân thủ những quy định của bể bơi, khu vực bơi và chú ý đảm bảo sức khỏe của các em khi tham gia hoạt động bơi lội”. Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết đặc biệt lưu ý về sự chủ quan của các em trong việc đảm bảo an toàn tính mạng bản thân, phớt lờ biển báo nguy hiểm để xuống biển tắm. Sau sự việc 3 HS lớp 9 tử vong tại bãi biển Xuân Thiều hồi cuối tháng 3-2017, UBND Q. Liên Chiểu đã triển khai cắm thêm nhiều biển báo cấm, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao ý thức cho các em.

Đề cập về vấn đề trên, ông Trần Đại Nghĩa - Phó Trưởng ban Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hằng năm, nhất là vào dịp hè, người dân và du khách đến tắm biển trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành rất đông. Vì thế, đơn vị đã huy động 110 nhân viên cứu hộ trực thường xuyên ở 17 trạm cứu hộ tại 2 tuyến Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành, trong đó có 2 tổ cứu hộ cơ động. Công tác tuyên truyền cho khách đi tắm biển cũng được tiến hành liên tục, gắn với việc giăng phao, biển báo an toàn đối với những khu vực được tắm. Những khu vực nguy hiểm, những vùng nước xoáy cũng được cắm biển để cảnh báo. Tuy nhiên, ở những khu vực cấm này không có lực lượng cứu hộ trực. Chỉ riêng tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp, BQL bố trí 16 cụm loa, tuyến Nguyễn Tất Thành có 11 cụm loa để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tắm biển.

Rõ ràng, nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt bơi lội của thanh thiếu niên, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng tăng cao. Tuy nhiên, song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng các em khi mà hiện nay, việc phổ cập, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho các lứa tuổi học sinh vẫn rất hạn chế. Khác với HS thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, HS vùng nông thôn hiện nay vẫn đang rất thiếu những sân chơi an toàn và lành mạnh, nhất là vào mỗidịp nghỉ hè. Vì vậy, nhiều em tại các vùng nông thôn thường rủ nhau ra sông, kênh, rạch để tắm, và nạn đuối nước đã liên tiếp lấy đi sinh mạng của các em.

Thiết nghĩ, để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ đuối nước, các đơn vị chuyên trách cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để nhân dân, nhất là trẻ em, HS biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước.Về phía phụ huynh, nhà trường cũng cần thiết có những giải pháp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý con em một cách thiết thực hơn. Ngay tại TP Đà Nẵng, ngành LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu tăng cường sự phối hợp với các ngành, đoàn thể trong việc tổ chức dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho HS tiểu học và THCS theo chương trình “Bơi an toàn” của thành phố; ưu tiên hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước. Những năm qua, các cơ quan chức năng luôn chú trọng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra với trẻ, trong đó có phòng tránh đuối nước.

 

Ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra mục tiêu: Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.

Cũng trong năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho HS, trẻ em. Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo, có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho HS, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi. Tháng 4-2017, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em nhằm góp phần hỗ trợ trẻ em từ 6-15 tuổi được tiếp cận các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước. Mục tiêu là đến năm 2020, trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 - 15 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn...

Hy vọng với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt nói trên từ T.Ư đến địa phương sẽ góp phần làm giảm những nỗi đau mang tên “đuối nước”.

Phương kiếm

Dạy trẻ biết bơi là cách phòng ngừa đuối nước quan trọng, hiệu quả nhất. HS tiểu học ở Đà Nẵng nghe hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn.