Thông tin thêm về vụ 3 lao động tử nạn do ngạt khí gas tại Nga:

Nỗi đau lao động “chui”

Thứ sáu, 03/01/2014 12:15

(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, rạng sáng 27-12-2013, do thời tiết tại LB Nga quá lạnh, 3 lao động là Sầm Văn Bình (39 tuổi), Đặng Công Xuân (43 tuổi), Phạm Văn Tiện (19 tuổi, đều trú xóm 10A, xã Nghĩa An, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An) bật bếp gas sưởi để ngủ cho ấm, không ngờ bình gas bị rò rỉ dẫn đến ngạt khí và tử vong. Được biết, vào tháng 5-2013, 3 nạn nhân trên sang LB Nga lao động theo hình thức đi du lịch.

Trong ngôi nhà nhỏ tại xóm 10A, chị Đặng Thị Điệp (37 tuổi, vợ lao động xấu số Sầm Văn Bình) cùng hai con nhỏ Sầm Thị Lý (15 tuổi) và Sầm Quang Nhật (5 tuổi) khóc ngất bên di ảnh của anh Bình. Trong tiếng nấc nghẹn, chị Điệp kể, sáng 27-12, khi đang đi làm thuê trên rẫy thì nghe mọi người điện thoại báo tin anh Bình tử nạn do bị ngạt khí gas. Nhận tin dữ, chị ngã qụy ngay tại rẫy. Lấy nhau đã 15 năm nhưng gia đình anh chị vẫn thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống gia đình dựa vào 2 sào ruộng khoán nên cũng chỉ đủ cơm áo qua ngày.

Người thân đau đớn trước sự ra đi quá đột ngột của anh Sầm Văn Bình.

Đầu năm 2013, anh Bình được một tay cò “môi giới” đi xuất khẩu lao động ở LB Nga với lời hứa sẽ có công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng kinh phí chỉ mất có 50 triệu đồng. Đây quả là số tiền quá lớn đối với gia đình anh chị, nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo khó của mình, anh chị đành bấm bụng làm liều, chạy vạy vay mượn ngân hàng (NH), anh em, bà con hàng xóm với hy vọng anh Bình sang Nga làm việc sẽ có tiền nhiều hơn.

Tháng 5-2015, anh Bình sang Nga. Hằng tháng, anh cố gắng làm việc dành dụm gửi tiền về cho vợ trả nợ NH và nuôi hai con nhỏ ăn học. “Qua điện thoại anh Bình kể, dù lao động vất vả nhưng vì gia đình anh sẽ cố gắng. Ngoài ra, hằng ngày anh và các lao động khác thường xuyên phải trốn sự kiểm tra của cảnh sát địa phương vì mọi người đều đi làm chui, không có giấy tờ hợp pháp” - chị Điệp kể. Những tưởng công việc nơi xứ người cho thu nhập khá thì anh Bình lại ra đi một cách đột ngột, để lại cho người vợ trẻ, hai đứa con thơ dại và gánh nợ nần.

Cách nhà anh Bình không xa là gia đình lao động Phạm Văn Tiện (19 tuổi). Bà Hoàng Thị Cảnh (mẹ Tiện) đang ôm di ảnh đứa con trai yểu mệnh của mình khóc như ngây dại trong nỗi đau quá lớn này. Tiện là con trai cả của gia đình, vì thương bố mẹ vất vả nên xin theo các chú, các bác trong xóm sang Nga làm việc. Nào ngờ mới đi được 7 tháng, số tiền gia đình vay mượn làm thủ tục chưa kịp trả hết thì tai họa đã ập đến. Ông Phạm Văn Thuần (bố Tiện) kể lại: “Tiện, chú Bình, chú Xuân ở trọ trong một căn phòng nhỏ của ngôi nhà 3 tầng. Có lẽ khi ngủ, do phòng chật, lại kín như bưng nên mới bị ngạt khí. Bây giờ gia đình chỉ mong được đưa xác con về nhà...”. Ông Thuần cho biết thêm, qua những cuộc điện thoại con trai gọi về bảo vì không có giấy tờ hợp pháp nên có lần để trốn sự kiểm tra của cảnh sát nước bạn, các anh đã phải nhảy xuống sông lạnh để trốn. Các lao động chui đều phải ở trong những gian phòng trọ chật hẹp, không dám ra ngoài sau giờ làm việc để tránh bị bắt giữ.

Mẹ con chị Hoàng Thị Thanh khóc ngất bên di ảnh của chồng.

Hoàn cảnh éo le nhất có lẽ là gia đình anh Đặng Công Xuân (43 tuổi). Trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo không còn đủ sức che nắng che mưa, chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Xuân) cùng 4 đứa con thơ sau khi nghe tin dữ đã khóc cạn nước mắt và lập bàn thờ để vái vọng. Lấy nhau đã 20 năm, vợ chồng anh đã có 5 người con. Cuộc sống cơ cực, anh cùng con trai đầu là Đặng Văn Huân đã vay mượn tiền để đi làm việc tại Nga cùng những người trong xóm. Ngày xảy ra sự việc, người con trai anh đang làm việc tại một công trường khác nhận tin bố tử nạn, liền gọi về cho mẹ ở quê nhà. Nghe con báo tin, chị Thanh ngất lịm.

Được biết, hiện tại cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại CHLB Nga đang tổ chức quyên góp, ủng hộ tiền để hỏa táng 3 lao động xấu số này sau đó gửi về nước cho gia đình mai táng.

X.S

Ông Võ Đức Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 70 lao động đang làm việc tại nước ngoài, trong đó chủ yếu ở LB Nga. Tuy nhiên, do những lao động này đi “chui” qua các đường dây môi giới theo hình thức du lịch nên xã không thể quản lý được”.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, do chủ yếu đi lao động chui dưới hình thức du lịch nên khi xảy ra tai nạn, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Ông Dương cũng khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời rủ rê của các đường dây, tổ chức đưa người đi làm việc trái phép ở nước ngoài để tránh tiền mất tật mang.